OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tới quý II/2024


Ngày 3/3, một số thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (còn gọi là OPEC+) đã thông báo quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu trong quý II/2024 nhằm hỗ trợ “sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ”.

 Ảnh minh họa: arabcenterdc.org
Ảnh minh họa: arabcenterdc.org

Trong tuyên bố đưa ra vào cuối tuần, OPEC lưu ý rằng Ban thư ký của OPEC đã “lưu ý về các thông báo” của một số nước thành viên OPEC+ về việc cắt giảm tự nguyện bổ sung tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý II/2024.

OPEC cho biết, việc cắt giảm sản lượng được thực hiện dựa trên hạn ngạch được thông qua tại cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC+ diễn ra hồi tháng 6/2023. Trong đó, đề cập tới các biện pháp cắt giảm sản lượng tự nguyện bổ sung được các nước OPEC+ công bố vào tháng 4/2023 và sau đó tiếp tục được gia hạn cho đến cuối năm 2024.

Vào tháng 11/2023, Ả rập Xê út, Nga và một số nước thành viên OPEC+ khác đã công bố cắt giảm sản lượng tự nguyện với tổng mức khoảng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024.

Ngày 3/3, Ả rập Xê út, nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC cho biết sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 6, duy trì sản lượng ở mức khoảng 9 triệu thùng/ngày cho đến cuối quý II/2024.

Trong khi đó, một đồng minh hàng đầu của OPEC là Nga cũng có động thái hưởng ứng thông qua tuyên bố cắt giảm tự nguyện 471.000 thùng/ngày đối với sản lượng dầu thô và dầu thô xuất khẩu trong quý II/2024, thấp hơn một chút so với mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày trong quý I/2024.

Tương tự, các quốc gia OPEC+ khác gồm: Iraq, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman cũng gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện sang quý II năm nay.

Tuy nhiên, tuyên bố của OPEC lưu ý rằng việc cắt giảm tự nguyện này “sẽ được hoàn trả dần tùy theo điều kiện thị trường” để hỗ trợ sự ổn định thị trường của thị trường dầu mỏ sau tháng 6/2024.

Dự kiến vào tháng 6 tới, các nước OPEC+ sẽ triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng để thảo luận về chính sách sản lượng dầu mỏ.

Kể từ cuối năm 2022, OPEC+ đã thực hiện một loạt các biện pháp cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh Mỹ và một số nước ngoài OPEC có động thái gia tăng sản lượng, kèm theo đó là lo ngại về những biến động về nhu cầu dầu mỏ khi các nền kinh tế lớn đang phải vật lộn với mức lãi suất cao.

Trong thời gian gần đây, giá dầu đã được thúc đẩy nhờ căng thẳng địa chính trị gia tăng trên Biển Đỏ, giữa lúc xuất hiện những lo ngại về tăng trưởng kinh tế và áp lực lãi suất. Ngày 1/3, giá dầu Brent tương lai giao tháng 5 đã tăng 1,64 USD (tương đương 2%) và chạm ngưỡng 83,55 USD/thùng.

Các chuyên gia dự báo, triển vọng về nhu cầu dầu mỏ là không chắc chắn trong năm nay. Trong khi OPEC dự báo về 1 năm tăng trưởng nhu cầu tương đối mạnh ở mức 2,25 triệu thùng/ngày, dẫn đầu là châu Á, còn Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) lại đề cập  tới một mức tăng trưởng chậm hơn nhiều là 1,22 triệu thùng/ngày./.

Theo dangcongsan.vn