P/E lên 67 lần, định giá cổ phiếu xuất khẩu cần về mức hợp lý hơn
Theo chuyên gia, sau khi tăng giá từ đầu năm đến nay, P/E trung bình của các doanh nghiệp xuất khẩu ở mức cao, cần về mức hợp lý hơn trong cuối năm.
Sức cầu tăng, xuất khẩu vẫn tốt
Chia sẻ trong toạ đàm triển vọng ngành xuất nhập khẩu do Vietstock tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù kinh tế thế giới tương đối khó khăn nhưng Việt Nam lại có phần khởi sắc hơn khi tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn dự báo, khả năng cuối năm sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là trên 6%.
Vị này nêu, điểm sáng lớn nhất là xuất khẩu. Xuất siêu 6 tháng đầu năm đạt 11,6 tỷ USD, tạo ra động lực tương đối lớn cho sự phát triển nền kinh tế, bên cạnh việc thu về lượng ngoại tệ lớn giúp giảm áp lực tỷ giá. Bên cạnh đó, chứng minh xuất khẩu đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân đánh giá, bước sang năm 2024 là nền tảng để bắt đầu phục hồi và hy vọng thời gian tới xuất khẩu Việt Nam sẽ cất cánh dựa trên những yếu tố tốt hơn về kinh tế vĩ mô toàn cầu. Đặc biệt hơn nữa là vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ của các quốc gia cũng sẽ tác động đến tổng cầu của thế giới và khi mà tổng cầu gia tăng trở lại thì nhu cầu của các quốc gia sẽ tăng lên, đó là cơ hội để chúng ta thúc đẩy phát triển xuất khẩu.
“Theo tôi đánh giá thì sức cầu quốc tế sẽ tăng trưởng đều cho đến cuối năm và thậm chí là đầu năm sau, do đó tình hình xuất khẩu vẫn tương đối tốt trong thời gian sắp tới", PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định.
Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu được bền vững và không mang tính thời vụ như hiện nay, chuyên gia này cho rằng chúng ta phải thay đổi cấu trúc bằng cách chuyển đổi kép. Theo đó, doanh nghiệp phải vừa chuyển đổi số, vừa chuyển đổi xanh, bởi đây là hai yếu tố giúp tăng năng suất lao động, đồng thời giúp đáp ứng những rào cản về kỹ thuật ở những thị trường khó tính.
Hiện nay, việc chúng ta chỉ đảm nhận một vài khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, thường thiên về sản xuất gia công nhiều hơn, từ đó gây khó cho việc chủ động tự chủ về nguồn nguyên vật liệu cũng như là thị trường xuất khẩu. Thứ hai là chúng ta cũng sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động và bất ổn chính trị.
Do vậy, dù xuất khẩu đang có những điểm sáng và có những yếu tố hỗ trợ rất tốt ở trong thời gian tới, nhưng chúng ta cũng cần phải xem xét lại cấu trúc kinh tế cũng như là cấu trúc của các doanh nghiệp sản xuất để có thể tối ưu hơn những lợi thế.
Đưa định giá cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu về mức hợp lý
Ông Trần Nhật Trung - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nêu, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngành xuất khẩu như thuỷ sản, may mặc đều có sự cải thiện so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lợi nhuận sau thuế ngành May mặc tăng đến 47,4%.
Với ngành Thủy sản, xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ.
Ngành Thủy sản có doanh thu tăng 26% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 1,5%. Doanh thu tăng trưởng tốt nhưng lại chịu lỗ do gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí đầu vào, cũng như chi phí vận chuyển đã tăng mạnh so với trước.
Tuy vậy, chuyên gia ACBS lưu ý, kết quả kinh doanh ngành này có những diễn biến trái chiều, như FMC chuyên xuất khẩu tôm có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 12%, còn VHC, ANV xuất khẩu cá tra lại tăng trưởng âm, do chi phí đầu vào tăng lên, các thị trường chính chưa phục hồi về kinh tế, nên giá bán vẫn đang ở mức thấp và tăng chậm hơn so với mức độ hồi phục của lượng hàng hóa xuất vào các thị trường này.
Dự kiến, xuất khẩu thủy sản cả năm 2024 sẽ đạt 10 tỷ USD, tăng 8%. Chuyên gia dự báo 6 tháng cuối năm sẽ tốt hơn 6 tháng đầu năm, do tình hình vĩ mô tốt hơn khi tháng 9 Fed sẽ cắt lãi suất, giúp tâm lý tốt hơn và giá bán tăng lên.
Về dệt may, quý II/2024, ghi nhận giá trị xuất khẩu đạt 16,5 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Doanh thu ngành May mặc chỉ tăng 4,4% nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng đến 47,4%. Chuyên gia ACBS lý giải, mức tăng tốt đến từ mức nền thấp của cùng kỳ năm trước, khi các doanh nghiệp may mặc gặp khó khăn, dẫn tới việc chấp nhận các đơn hàng có biên lợi nhuận thấp, thậm chí chấp nhận lỗ, trong khi năm nay có sự phục hồi đơn hàng giúp tăng trưởng đột biến.
Năm nay, xuất khẩu may mặc đặt mục tiêu phục hồi lại mức 44 tỷ USD. Điểm tích cực là các doanh nghiệp đang có đơn hàng đến hết quý III và IV, như TCM và TNG.
Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là Mỹ với gần 50% tỷ trọng. Yếu tố hàng tồn kho của Mỹ ở mức thấp sẽ thúc đẩy xuất khẩu tốt hơn trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các nhà máy may đóng cửa tại Bangladesh là cơ hội của thị trường Việt Nam tăng xuất khẩu vào Mỹ.
“Về mặt định giá, từ đầu năm có sự tăng về giá của các doanh nghiệp xuất khẩu niêm yết, P/E trung bình các doanh nghiệp đã ở mức cao gần 67 lần, trong khi giá trị trung vị gần 10 lần. Cần đưa P/E doanh nghiệp xuất khẩu về mức hợp lý hơn”, chuyên gia ACBS nhận định.