Tồn hàng chục nghìn căn hộ

Mới đây, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố hiện đang “tồn kho” gần 15.000 căn hộ chung cư (gồm 14.490 căn hộ chung cư, 326 căn nhà thấp tầng), hơn 300.000m 2 đất nền và gần 60.000m 2 văn phòng cho thuê, mặt bằng thương mại với tổng trị giá là 30.242 tỷ đồng. Điều đáng nói, mặc dù các DN đã chủ động giảm giá bán căn hộ, thậm chí bán lỗ, có nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng nhưng vẫn không cải thiện tình hình thị trường. Đa số căn hộ tồn kho nói trên có diện tích lớn (60 - 90m2 chiếm trên 69%; trên 90m 2: trên 23%), không phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đa số người dân.

Trong khi đó, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, hiện căn hộ tồn kho (chưa bán hoặc chưa huy động vốn) trên địa bàn là 5.789 căn, tương ứng 566.610 m2 sàn. Nhà thấp tầng (biệt thự, liền kề) tồn kho 3.483 căn, tương ứng 874.825 m2 sàn. Nhà thu nhập thấp còn tồn khoảng 330 căn hộ. Diện tích sàn văn phòng đủ điều kiện cho thuê tồn khoảng 175.000 m2. Công bố số liệu sơ bộ Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh Hà Nội cũng cho thấy, nợ xấu BĐS tại Hà Nội chiếm khoảng 13% tổng dư nợ xấu ngân hàng. Nguyên nhân chính dẫn tới số lượng hàng tồn kho lớn tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội cho rằng, do thị trường nhà ở thương mại (phân khúc cao cấp, thấp tầng) đã rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu, cộng với động thái siết chặt tín dụng của NHNN làm cho thị trường BĐS trên địa bàn Thành phố thiếu vốn đầu tư, các dự án kéo dài tiến độ, tính thanh khoản của thị trường giảm sút, nợ xấu tăng.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, Dragon Capital tính toán, hiện TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội còn tồn trên 70.000 căn hộ sẵn sàng để bán. Nếu mức giá là 2 tỷ đồng thì số vốn bị “chôn” lên tới 140.000 tỷ đồng. Nếu không có giải pháp để kích cầu mua căn hộ, có lẽ cần ít nhất 7 năm mới tiêu thụ hết lượng căn hộ hiện nay.

Thêm nhiều giải pháp hỗ trợ bất động sản

Trước tình hình trên, tại các buổi làm việc của Chính phủ với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, trong thời gian sớm nhất, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, trong đó có sự hộ trợ tích cực tới việc “phá băng” với thị trường BĐS, giảm tồn kho vật liệu xây dựng và nợ xấu DN.

Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ: Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế GTGT của các tháng 1, tháng 2 và tháng 3/2013 đối với DN kinh doanh BĐS; DN sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng là sắt, thép, xi măng, gạch, ngói. Gia hạn 12 tháng thời hạn nộp thuế TNDN đối với số thuế TNDN phải nộp năm 2013 của DN kinh doanh BĐS. Cho phép chủ đầu tư dự án đã được Nhà nước giao đất nhưng có khó khăn về tài chính được gia hạn bằng hình thức đăng ký và nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng nhưng tối đa không quá 24 tháng kể từ ngày được thông báo nộp tiền sử dụng đất. UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thời gian được gia hạn nộp tiền sử dụng đất cụ thể cho từng dự án sau khi báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ kiến nghị Chính phủ giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam bổ sung thêm 10.000 tỷ đồng cho chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn, trong đó sử dụng 5.000 tỷ đồng từ nguồn tái cơ cấu vốn trái phiếu Chính phủ và 5.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh…

Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo các bộ, ngành, DN, ngân hàng và các chuyên gia cho rằng, cần từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Việc tháo gỡ cho thị trường này cũng góp phần tháo gỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chung vì theo khảo sát, hoạt động BĐS tại Việt Nam liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác nhau.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, để giải quyết căn cơ các vấn đề của thị trường BĐS, trước mắt, phải đảm bảo cân đối về cung - cầu thị trường; phân loại các đối tượng mua nhà để có các hình thức hỗ trợ phù hợp; cơ cấu lại các DN BĐS. Về lâu dài, cần hết sức quan tâm đến vấn đề về quy hoạch, đầu tư; đề ra các chính sách mang tính chiến lược đối với thị trường BĐS trong đó có các ưu đãi về thuế, lãi suất…

Chỉ rõ tình hình khó khăn của thị trường hiện nay, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đề nghị cần cập nhật, đánh giá chính xác về tồn kho BĐS, rà soát lại công tác quy hoạch; đề nghị các DN BĐS điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu DN cho phù hợp; áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua; chuyển sang nhà ở xã hội;…

Ở cương vị quản lý và chỉ đạo trực tiếp thị trường BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục mở rộng hợp lý tín dụng cho lĩnh vực BĐS, nhất là sản phẩm dở dang và có khả năng thanh khoản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: “Sau cuộc làm việc với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Chính phủ sẽ thảo luận nội dung tháo gỡ khó khăn cho BĐS trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 và sẽ ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về một số giải pháp “phá băng” cho thị trường BĐS".

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 12-2012

"Phá băng" nhà đất, giảm hàng tồn kho

Thu Huyền

(Tài chính) Vào những ngày cuối năm 2012, Chính phủ và các bộ, ngành đang quyết liệt tập trung nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), trong đó nổi bật là nhóm giải pháp tài chính “phá băng” thị trường nhà đất, giảm tồn kho vật liệu xây dựng và nợ xấu doanh nghiệp (DN).

Xem thêm

Video nổi bật