Phá ma trận “tiền ảo”, đừng để “thả gà ra đuổi”

ThS. Hà Tiến Thăng

(Tài chính) Với Việc Mt.Gox - sàn giao dịch tiền ảo Bitcoin lớn thứ ba thế giới đột ngột “biến mất” gây mất lòng tin trong giới đầu tư quốc tế về đồng tiền này. Thế nhưng tại Việt Nam ma trận “tiền ảo” vẫn được chấp nhận giao dịch, minh chứng là ngày càng có nhiều thêm doanh nghiệp chấp nhận giao dịch bằng đồng tiền Bicoin. Phá ma trận “tiền ảo”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã đưa ra thông điệp chính thức nhằm định hình rõ vai trò của Bitcoin.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
“Bitcoin” – vô chủ!

Khảo sát cho thấy, đồng tiền Bitcoin được người sử dụng biết đến như là đồng tiền điện tử và không được phát hành hay nằm dưới sự quản lý của bất cứ một Ngân hàng Trung ương nào. Nó là loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp dựa trên mã nguồn mở, do một hệ thống máy vi tính ngang hàng vận hành. Hệ thống này sử dụng một chương trình đặc biệt để ngăn chặn người sở hữu Bitcoin tiêu cùng một đồng tiền nhiều lần khác nhau.

Trên thế giới, Bitcoin là loại tiền thay thế được sử dụng rộng rãi nhất trong thương mại điện tử.  Hiện tại, cứ 10 phút trên thế giới lại có 25 Bitcoin được cấp phát. Cứ thế, nó sẽ giảm một nửa còn 12,5 Bitcoin trong năm 2017 và tiếp tục giảm một nửa cho 4 năm tiếp sau cho đến khi có 21 triệu Bitcoin lưu hành trên thị trường trực tuyến vào năm 2140.

Trên thế giới đã có một số quỹ đầu tư đã quan tâm đến Bitcoin. Điển hình là Quỹ Peter Thiel đã đổ 3 triệu USD, và anh em nhà Winklevoss đã đầu tư 1,5 triệu USD. Sàn ETF Bitcoin cũng sắp được mở. Sàn giao dịch máy khai thác mỏ Bitcoin lớn nhất hiện nay là CEX.io. Tại các khu vực như Mỹ, châu Âu, trung bình 1 Bitcoin quy đổi được trên dưới 1.000 USD. Dù Bitcoin đắt như vàng, nhưng những người mua bán có thể chuyển cho nhau những giao dịch nhỏ. Do đó, kể cả những món hàng có giá vài ba nghìn đồng, vẫn có thể trả bằng Bitcoin.

Việc chấp nhận “tiền ảo” Bitcoin trong giao dịch hiện nay cũng đang gây nhiều tranh cãi và sóng gió trên thị trường tài chính toàn cầu. Có ý kiến cho rằng, khó có thể chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ nhưng cũng có ý kiến cho rằng, giữ Bitcoin về lâu dài sẽ có nhiều lợi ích. Ở Mỹ và một số nước ở châu Âu như Đức đã công nhận Bitcoin là tiền tệ nhưng tại một số nước như Phần Lan, Na Uy lại chỉ coi đồng tiền này như là một loại hàng hóa, còn ở Trung Quốc và Thái Lan thì cấm sử dụng, các hoạt động mua bán hay trao đổi Bitcoin đều bị coi là phạm pháp, ngay cả việc gửi Bitcoin cho bất kỳ ai ở nước ngoài hoặc nhận từ các quốc gia khác cũng không được phép.

Thêm cửa cho giao dịch ngầm phi pháp

Sau Diễn đàn lamchame.com và websosanh.vn, thông tin quán cà phê đầu tiên ở Hà Nội mạng tên Yolo (32C Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội) vừa chính thức công khai chấp nhận giao dịch bằng đồng Bitcoin, khiến cho thị trường tài chính Việt Nam vốn nhộn nhạo lại càng thêm náo động. Hình ảnh quán “café Yolo” tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, thậm chí là cả trên truyền hình. Không ít người tò mò tới quán cà phê cũng chỉ để hiểu rõ thêm về một khái niệm mà hơn 99% người được hỏi đang mơ hồ.

Kết luận mới nhất của Công ty an ninh quốc tế Trustwave công bố cuối tháng 2/2014, sau vụ trộm 4.400 Bitcoin từ người dùng (tương đương 2,7 triệu USD) trên khu chợ trực tuyến nhiều tai tiếng Silk Road cũng cho thấy, tội phạm chủ yếu sử dụng chiêu thức mã độc để đánh cắp Bitcoin, bởi Bitcoin là đồng tiền ảo dễ dàng đánh cắp và quy đổi sang đồng tiền khác so với việc cướp ngân hàng. Các chuyên gia an ninh cũng cảnh báo tin tặc sở hữu Bitcoin cũng có thể sử dụng các trang mạng giao dịch buôn bán để lấy tiền mặt trong khi danh tính không bị phát hiện…

Nêu quan điểm về Bitcoin, các chuyên gia kinh tế kỳ cựu tại Việt Nam vẫn giữ nguyên quan điểm “tiền ảo, mất thật” và với thái độ thận trọng, họ cho rằng cơ quan chức năng cần sớm lên tiếng về việc này. Bởi vì Bitcoin hiện đang làm mưa gió trên thị trường tài chính quốc tế, nó đang ảnh hưởng rất lớn đến đồng USD và nếu Bitcoin phủ rộng vào Việt Nam, nguy cơ sẽ mở đường cho những giao dịch ngầm phi pháp, làm suy giảm VND.

Được biết, mới đây NHNN cũng đã chính thức lên tiếng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Bởi theo quy định hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán sẽ không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng cũng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Như vậy, với công bố quan điểm chính thức của NHNN đã đồng nghĩa với việc kể từ thời điểm đó các giao dịch, thanh toán bằng tiền Bitcoin sẽ là bất hợp pháp. Tuy nhiên, quan sát mấy ngày sau khi NHNN công bố quan điểm chính thức về đồng tiền Bitcoin, trên thị trường vẫn “thản nhiên” tiếp tục sử dụng và thanh toán bằng Bitcoin, điều này cho thấy nhiều người vẫn đang “bỏ qua” thông tin “không chấp nhận” của NHNN.

Thiết nghĩ, khi đã có quan điểm chính thức về tính pháp lý của đồng tiền Bitcoin, NHNN cũng cần nhanh chóng có chế tài và kiểm soát chặt chẽ hoạt động này, đừng để thị trường đi quá xa rồi mới chạy theo để xử lý, kiểu như "thả gà ra đuổi".

Ước tính, cứ 10 phút có 25 Bitcoin được cấp phát ra. Đến năm 2017, số lượng này dự đoán sẽ giảm một nửa và tiếp tục giảm thêm trong 4 năm sau đó. Hiện đã có 11 triệu Bitcoin được phát hành và sẽ đạt mức tối đa 21 triệu vào năm 2140. Năm 2011, mỗi Bitcoin chỉ có giá vài USD nhưng đến nay đã được định giá trên dưới 1.000 USD.