Phân định quyền chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước

(Báo đầu tư)

Có thể chưa có nhiều thay đổi lớn, song sự phân công lại quyền hạn, trách nhiệm của chủ sở hữu tập đoàn, tổng công ty nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi nhất định trong thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với khu vực doanh nghiệp (DN) có ảnh hưởng vô cùng lớn và quan trọng này tới nền kinh tế.

Phân định quyền chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước
Cũng phải nhắc lại, ngay trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn đặt câu hỏi: “Vì sao chúng ta vẫn phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN)?”. Nguyên do nằm ở đâu, cơ cấu lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của DNNN hay đổi mới mô hình tổ chức, quản trị DNNN, hay do cơ chế đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN…

Như vậy, phân định quyền chủ sở hữu DNNN là một trong những nội dung sẽ phải làm rõ.

Theo Dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết sẽ sớm được ban hành, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp thực hiện 4 quyền quan trọng của chủ sở hữu, chủ yếu liên quan đến những quyết sách mang tính chiến lược phát triển dài hạn trong hoạt động của doanh nghiệp. Đó là quyết định thành lập, tổ chức lại; mức vốn điều lệ và thay đổi vốn điều lệ; bổ nhiệm nhân sự; phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất và kế hoạch đầu tư 5 năm…

Bộ quản lý ngành được xác định là cấp trên trực tiếp của hội đồng thành viên tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng. Các bộ tổng hợp thực hiện quyền thẩm định, hoặc cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ về những nội dung quản lý của chủ sở hữu nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ.

So với Nghị định 132/2005/NĐ-CP hiện hành, mục tiêu thống nhất quyền của chủ sở hữu nhà nước với doanh nghiệp nhà nước đã được thể hiện rõ, vì một nửa quyền hạn được trao cho các đầu mối này, trước đó được quy định cho tập thể một số cơ quan, đơn vị khác.

Đây cũng là lần đầu, trách nhiệm của bộ quản lý ngành, bộ tổng hợp trong giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp được quy định rất chi tiết ngay trong văn bản pháp quy. Đó là các cơ quan này không chỉ có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả, hiệu quả sản xuất - kinh doanh; quản lý, sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn của công ty và còn được yêu cầu có trách nhiệm đánh giá chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc (giám đốc) công ty, phó tổng giám đốc (phó giám đốc), kế toán trưởng công ty...

Sẽ không còn lặp lại tình trạng các bộ, ngành không được nắm rõ thông tin về hoạt động của tập đoàn kinh tế như đã từng xảy ra với Vinashin...

Tuy vậy, cũng phải nói thêm, với những thay đổi trên, mục tiêu phân tách chức năng quản lý nhà nước và quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác vẫn chưa được thực hiện rốt ráo.

Chính vì vậy, khi Tổng Bí thư yêu cầu đối với từng vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình và nguyên nhân; chỉ rõ đâu là nguyên nhân thuộc về chủ trương, cơ chế, chính sách và đâu là nguyên nhân do tổ chức thực hiện không đúng, không nghiêm, có nghĩa là các vấn đề mang tính căn bản, cốt lõi trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước sẽ được mô xẻ một cách thẳng thắn, nghiêm túc.

Khi đó, các chủ trương, chính sách phù hợp, có tính khả thi cao, tạo sự chuyển biến thật sự về hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong tình hình mới mới thực sự có nền tảng để thực hiện.