Phân hóa cổ phiếu ngày càng rõ

Theo Đầu tư Tài chính

Từ cuối năm 2011 đến nay, xu hướng phân hóa cổ phiếu trên sàn, nhất là mỗi khi thị trường tăng giá lại trở nên rõ nét hơn.

Phân hóa cổ phiếu ngày càng rõ
Thị trường luôn vận động và thường “thích” những cái mới, chính vì vậy phân hóa cũng là một xu hướng mới và đang được ưa chuộng. Nguồn: Internet
Hàng dạt hết thời

6 tháng vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn diễn biến khá tích cực, nhưng có thể thấy rõ sự phân hóa giữa HOSE và HNX. Sự tương đồng giữa HOSE với nhiều cổ phiếu của các công ty lớn, đầu ngành và HNX với cổ phiếu nhỏ và dòng tiền đầu cơ, dù vẫn có nhưng không còn chặt chẽ nữa.

Nhiều phiên HOSE tăng mạnh, nhưng HNX lại tăng không đáng kể. Ngay chính tại HNX cũng có sự phân hóa mạnh. Tuần qua, tổng KLGD khớp lệnh tại HNX đạt gần 340 triệu cổ phiếu, thì KLGD của các cổ phiếu trong rổ tính HNX30 đã chiếm khoảng 280 triệu cổ phiếu, tức hơn 80% KLGD của sàn này.

Cách đây 3 hay 5 năm, rủi ro thua lỗ đến mức bị rời khỏi sàn chứng khoán hoặc phá sản chưa được chú ý nhiều, nhưng hiện đã rõ hơn bao giờ hết.


Tức là tiền chủ yếu đổ vào những cổ phiếu của HNX30, có thể xem là những cổ phiếu tốt. Ngay cả HNX30 cũng được phân hóa mạnh khi có khoảng chục cổ phiếu có thanh khoản cao, còn lại cũng chỉ ở mức trung bình, thậm chí thấp.

Trước kia, nếu thị trường tăng mạnh, hiện tượng trắng bảng sẽ xuất hiện, cụ thể là trắng bên bán, tức lượng bán ra không còn, bên mua chiếm ưu thế. Còn hiện nay, hiện tượng trắng bản vẫn xuất hiện nhưng là trắng cả… 2 bên, có nghĩa là vẫn có những cổ phiếu có rất ít hoặc không có giao dịch.

2 nhóm cổ phiếu vang bóng một thời về số lượng, sức bật và thanh khoản là Sông Đà và Dầu khí giờ cũng thưa vắng giao dịch hơn bao giờ hết. Tại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, PVR (Công ty cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam) có 200 cổ phiếu khớp lệnh, 10 phiên gần nhất, cũng chỉ có 2 phiên KLGD của cổ phiếu này lên được con số hàng ngàn, còn lại chỉ toàn vài trăm, thậm chí có 2 phiên còn không có giao dịch.

20 phiên gần đây, chỉ có 4 phiên SDC (Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà) có giao dịch, còn lại KLGD toàn bằng 0. Một số mã khác trong họ Sông Đà cũng chỉ giao dịch lác đác vài trăm hoặc vài ngàn cổ phiếu mỗi phiên.

Dòng tiền tham gia TTCK hiện nay cũng không dồi dào như cách đây 3 năm về trước, chính vì vậy hiện tượng cứ thị trường lên rồi mua, mua gì cũng thắng chắc chắn sẽ giảm thiểu. Thay vào đó, dòng tiền sẽ phải dịch chuyển, chọn lựa những cổ phiếu phù hợp nhất, tốt nhất.

Một nhân viên môi giới có nhiều kinh nghiệm chia sẻ, trước đây khi nhà đầu tư (NĐT) nghe nói đến cổ phiếu này, cổ phiếu kia là “hàng” của đội lái thường rất hào hứng và tìm hiểu kỹ lưỡng, thậm chí mua ngay để bắt sóng. Nhưng giờ đây, chỉ cần nghe đến “lịch sử” trước kia có đội lái là nhiều người đã lắc đầu và né xa những cổ phiếu kiểu này. Thị trường luôn vận động và thường “thích” những cái mới, chính vì vậy phân hóa cũng là một xu hướng mới và đang được ưa chuộng.

Yếu sẽ không còn ra gió


TS. Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia chứng khoán, nhận định: Những NĐT còn bám trụ với thị trường tới lúc này, đa phần đều là những người dày dạn kinh nghiệm.

Vậy nên những công ty làm ăn thua lỗ, kém minh bạch cũng không dễ gì lừa được các NĐT. Dù có thể đánh ngắn, đầu cơ nhưng các NĐT hiện nay cũng thích chọn những cổ phiếu có nền tảng nhất định nào đó, từ quy mô, thương hiệu, hoạt động kinh doanh...

cổ phiếu khoáng sản là một trong những nhóm cổ phiếu “hàng nóng”, nổi tiếng nhất trên sàn nhưng giờ cũng được phân hóa rõ. MIC giờ chỉ còn là cái bóng mờ so với thời đỉnh cao 2009, KSH hay KSS dù tăng giá trong thời gian qua nhưng mức độ tăng cũng không vượt trội so với thị trường như những năm trước.

KSA với điều tiếng nợ cổ tức quá lâu cũng khiến nhiều NĐT “ớn lạnh” khi đầu tư vào mã này. Tuần rồi, một CTCK đã khuyến nghị NĐT mua BMC, vốn cũng là cổ phiếu nóng “nổi tiếng”. Nhưng điểm trội hơn của BMC so với những cổ phiếu cùng ngành là công ty có tình hình kinh doanh khá ổn định, điều này ít nhiều tạo ra cảm giác an toàn cho các NĐT thích thử chơi cổ phiếu “nóng”.

Nói tóm lại, kinh nghiệm cùng dòng tiền chừng mực đã buộc NĐT phải đi tìm sự an toàn nơi các cổ phiếu, dù sự an toàn có thể thấy rõ (nơi các cổ phiếu tốt) hay chỉ là cảm giác (như trường hợp của BMP vừa nêu).

Nhưng cũng không phải khi không dòng tiền của thị trường tự động rời bỏ cổ phiếu lởm để chọn cổ phiếu chất lượng hơn, trong thực tế nó cần có chất xúc tác.

Chẳng hạn, những thông tin liên quan đến các giải pháp hỗ trợ bất động sản được xem  là chất xúc tác cho cổ phiếu ngành này. Khi thông tin xuất hiện, dòng tiền theo xu hướng phân hóa sẽ lựa chọn những cổ phiếu tốt của bất động sản. Rồi khi thị trường bất động sản được hỗ trợ, luồng tin tức có thể “suy luận” theo hướng những ngành đi kèm theo như như sắt thép, xi măng cũng được hưởng lợi và dòng tiền sẽ lại luân chuyển sang những nhóm này.

Hay như trường hợp của GAS hay BVH, đây là những cổ phiếu đầu ngành, lớn mạnh cả về quy mô lẫn thương hiệu. Nhưng chỉ chừng đó là chưa đủ để thu hút nhiều dòng tiền, chất xúc tác ở đây là cả GAS và BVH đều có quy mô vốn hóa lớn, và điều này thu hút dòng tiền từ các quỹ ETF.