Phân khúc nhà cho thuê: Vắng bóng các chủ đầu tư

Theo báo Xây dựng

Trong bối cảnh đóng băng của thị trường bất động sản (BĐS), nhiều chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại đã xin chuyển đổi sang nhà cho người thu nhập thấp (NTNT). Tuy nhiên, đối với nhiều NTNT, thì việc có đủ tiền để mua nhà ở xã hội vẫn còn là một giấc mơ xa vời. Vì vậy, nhà cho thuê vẫn đang là giải pháp hữu hiệu đối với những người chưa có nhà ở.

Phân khúc nhà cho thuê: Vắng bóng các chủ đầu tư
Việc có đủ tiền để mua nhà ở xã hội vẫn còn là một giấc mơ xa vời. Nguồn: Internet

Nhà cho thuê: Cung ít, cầu nhiều

Theo Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà cho thuê là một trong những giải pháp hữu hiệu để lành mạnh hóa thị trường BĐS. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, về nguyên tắc, NƠXH đối với NTNT thì nên xây dựng dưới hình thức thuê và thuê mua. Bởi loại hình này vừa đáp ứng với nhu cầu cải thiện chỗ ở, vừa hợp túi tiền của tầng lớp thu nhập trung bình và thấp. Vì nếu có khả năng mua thì không còn là đối tượng của nhà ở xã hội nữa.

Ngay tại các nước phát triển, nói về nhà ở xã hội là nói về nhà cho thuê. Vì loại hình này phù hợp với đối tượng thu nhập thấp do tính cơ động và tần suất sử dụng của nó. Cùng một căn hộ, có thể quay vòng cho nhiều gia đình thuê. Hơn nữa, mức đầu tư ban đầu không lớn mà hiệu quả sử dụng lại cao.

ThS,KTS Lê Thúy Hà - Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn cho biết, nhà ở cho thuê, mua trả góp lâu dài đã được nhiều nước thực hiện thành công từ hàng chục năm nay. Từ kinh nghiệm thực tế phát triển mô hình nhà ở xã hội cho thuê tại châu Âu cho thấy, đây là một mô hình có nhiều ưu thế: Không đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, giá thuê nhà phù hợp với thu nhập thấp, và thích ứng với tính linh hoạt về việc làm của NTNT. Với những lợi thế này, nhà cho thuê được xác nhận là tương thích với NTNT ở rất nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là loại hình kinh doanh hấp dẫn với sự trợ giúp về chính sách của Nhà nước.

ThS. Lê Thúy Hà cho rằng, tại Việt Nam, trong khi việc mua bán phân phối nhà ở xã hội đang còn nhiều kẽ hở tạo cơ hội cho những kẻ đầu tư thì giải pháp cho thuê cũng hạn chế được tình trạng đó. Tuy nhiên, số lượng nhà cho thuê còn cách xa nhu cầu thực tế trên thị trường.

Theo Savills Việt Nam, các nhà đầu tư BĐS hiện đang tìm cách đa dạng hóa các sản phẩm của mình cho phù hợp với sự phát triển của thị trường, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thuê của khách hàng. Qua số liệu về nhu cầu nhà cho thuê những năm qua cho thấy lượng cầu luôn đi trước và lớn hơn lượng cung. Việc thu hồi vốn chậm trong khi lãi suất ngân hàng cao, giá cho thuê căn hộ thấp… đang là những rào cản khiến phân khúc nhà cho thuê kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hơn nữa, thị trường nhà cho thuê sẽ rất khó mở rộng nếu chỉ đầu tư bằng tiền ngân sách.

Theo quy luật thị trường và sự điều tiết của Nhà nước

Theo ThS. Lê Thúy Hà, kinh nghiệm các nước đã xác nhận rằng, khi nào nhà ở xã hội được giải quyết theo thị trường, với sự hỗ trợ của Chính phủ, thì tình trạng nhà ở cho NTNT sẽ được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, Nhà nước trong chức năng quản lý nhất thiết phải gắn quy hoạch nhà ở xã hội với quy hoạch phân bổ dân cư, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho từng khu vực, từng địa phương cụ thể… Đồng thời, có chính sách tài chính, tín dụng được thực thi cụ thể trên từng dự án, hỗ trợ cho thị trường BĐS phát triển một cách lành mạnh cả hai khu vực: Đầu tư kinh doanh BĐS và thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Như nhà cho thuê ở Tây Âu, là do nhiều chủ thể cung cấp trên một thị trường cạnh tranh, hoàn toàn không tuỳ thuộc vào tính độc quyền của Nhà nước, nên chất lượng dịch vụ và mức hưởng thụ của nhà cho thuê thường là không có cách biệt với các dạng nhà ở khác.

ThS. Lê Thúy Hà cho rằng, Việt Nam cần phải có một cơ quan chuyên rà soát chính sách nhà ở, giống như mô hình các Ủy ban về nhà ở xã hội tại các nước châu Âu. Bởi việc giải được bài toán nhà ở xã hội theo quy luật thị trường, có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước hay không sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển một thị trường BĐS lành mạnh.