Phân tán và tập trung
Nhìn báo cáo tài chính những doanh nghiệp gặp khó khăn vì ngập trong nợ nần hiện nay, có thể nhận ra phần lớn là do các chủ doanh nghiệp đã nỗ lực đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình theo nguyên tắc phòng chống rủi ro, “không bỏ trứng vào chung một rổ”.
Tuy nhiên, nguyên tắc kinh doanh trên chỉ áp dụng trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Các chuyên gia đầu tư tài chính thường vận dụng quy luật phân tán trong việc chọn các cổ phiếu vào rổ đầu tư của mình, sao cho khi đã quyết định đầu tư vào cổ phiếu của một ngành nào đó, các cổ phiếu khác chọn tiếp theo sẽ là loại có ít quan hệ với ngành của cổ phiếu đã chọn. Chẳng hạn, nếu quyết định đầu tư cổ phiếu ngành bánh kẹo sẽ không mua thêm cổ phiếu ngành mía đường...
Việc vận dụng khái niệm phòng ngừa rủi ro trong đầu tư tài chính vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề của doanh nghiệp đã bị hiểu sai và đã đẩy không ít doanh nghiệp vào hoàn cảnh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản cận kề khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu đảo chiều như hiện nay. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp cần nhận thức rằng khó khăn họ đang gặp phải hiện nay là sai lầm về mặt chiến lược kinh doanh, còn các vấn đề tác động của chính sách kinh tế vĩ mô hay suy thoái kinh tế chỉ là tác động từ bên ngoài.
Quy tắc tập trung “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mới là kim chỉ nam cho doanh nghiệp trong việc định hướng hoạt động kinh doanh. Nghĩa là, khi hoạt động trong một ngành nghề gì, cần phải tập trung cao độ để tìm cách mở rộng thị phần, doanh số. Vì đây là cơ sở nền tảng để cho doanh nghiệp có thể hạ giá thành sản xuất nhờ sản lượng tăng và từ đó, có thể linh hoạt trong điều chỉnh giá bán thành phẩm khi gặp cạnh tranh trên thương trường. Ngành dệt ở Anh, ngành sản xuất ô tô ở Mỹ cũng đã đi vào một thời cực thịnh nhờ áp dụng đúng nguyên tắc như thế.
Cũng rất dễ nhận thấy điều này ở các nhà sản xuất Trung Quốc ngày nay, khi họ đã đưa nước này trở thành một nhà xưởng của thế giới. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lựa chọn Thái Lan làm bãi đáp tạm thời trong nỗ lực hóa giải khó khăn do quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nhờ các nhà sản xuất Thái Lan đáp ứng được việc thay thế các nhà cung cấp của Trung Quốc trong việc sản xuất hàng hóa phụ trợ đi theo các nhà máy sản xuất ô tô.
Do đâu chủ doanh nghiệp Việt Nam lại nhanh chóng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh khi chưa tích lũy vốn lớn và khi thị trường vẫn còn đất trống để cho họ tung hoành trong những năm trước đây? Trước hết, cũng chính là sự nôn nóng tích lũy vốn. Cơ hội kinh doanh thời mở cửa hết sức hấp dẫn đã khiến cho các chủ doanh nghiệp cảm thấy kiếm lợi nhuận dễ dàng, vì thế, tâm lý phải tranh thủ càng nhanh càng tốt kẻo mất cơ hội đã đẩy họ vung tay quá trán.
Một số doanh nghiệp tận dụng mối quan hệ với chính quyền đã tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai thành các dự án đầu tư khu công nghiệp, khu dân cư… để ăn theo hệ thống quy hoạch hạ tầng. Những dự án vẽ trên giấy hầu như không đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân, thực chất đây chỉ là cách biến đất đai giá trị thấp thành giá trị cao để thu lợi. Tương tự, việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông, thủy sản cũng đã tạo động cơ phá rừng trồng cây công nghiệp hoặc lấn biển, đắp đê để nuôi trồng thủy sản… Những công việc này nhìn chung là tốt nếu doanh nghiệp tập trung đầu tư theo hướng tích hợp chuyên sâu, khai thác công nghệ mới để tăng năng suất, giảm giá thành để đứng vững trước cạnh tranh gay gắt của thị trường thương mại quốc tế.
Hiện vẫn có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng nông, thủy sản đã đứng vững từ cách làm ăn chuyên sâu này. Rất tiếc, không ít doanh nghiệp đã biến việc đầu tư khai thác tiềm năng đất đai trong sản xuất nông nghiệp thành mục tiêu đầu tư bất động sản. Kết quả là sản xuất nông nghiệp không được đầu tư đến nơi đến chốn, trong khi phần lớn vốn đầu tư đã dùng vào việc mở rộng diện tích sở hữu. Khi đối mặt với việc thu hồi dự án vì không triển khai đúng hạn, nhiều doanh nghiệp xoay xở vay vốn ngắn hạn để nuôi các dự án đầu tư dài hạn. Việc này cũng đã xảy ra khá phổ biến với các dự án đầu tư vào du lịch khiến các công trình khách sạn, nghỉ dưỡng do các nhà đầu tư trong nước triển khai thường thiếu đồng bộ và không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh công nghiệp của ngành du lịch.
Thiếu kiên trì trước môi trường cạnh tranh càng ngày càng gay gắt có thể là nguyên nhân đa dạng hóa ngành nghề. Việc mở cửa theo điều kiện gia nhập WTO và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đã đặt các doanh nghiệp trong nước trước sức cạnh tranh rất lớn. Đối mặt với áp lực cạnh tranh, nhiều chủ doanh nghiệp tìm cách nhảy sang các ngành nghề khác để tìm lối thoát.
Hy vọng, qua cuộc khủng hoảng này nhiều chủ doanh nghiệp nhận thấy những sai lầm của mình để kịp điều chỉnh định hướng kinh doanh, vượt qua khủng hoảng.