Phát hiện nhiều chiêu “đao giá”, trốn thuế: Lòng vòng giá bán giữa công ty mẹ - con

Thu Hòa

Không chỉ có hình thức “đao” giá, giảm thuế của DN trong nước mà nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đã lợi dụng mối quan hệ lòng vòng giữa công ty mẹ và công ty con để hạ giá hàng NK với nhiều lí do khác nhau.

Phát hiện nhiều chiêu “đao giá”, trốn thuế: Lòng vòng giá bán giữa công ty mẹ - con
Để bác bỏ được trị giá khai báo đối với những lô hàng của các tập đoàn, công ty mẹ - công ty con có mối quan hệ “zíc zắc” với nhau ở nước ngoài là điều không dễ

Tăng thu 700 triệu đồng từ lô kẹo cao su

Theo Phòng thuế XNK - Cục Hải quan TP.HCM, Luật Doanh nghiệp cho phép các văn phòng đại diện được chính thức kinh doanh tại thị trường Việt Nam và được trực tiếp NK hàng hóa. Từ khi được hưởng quy định này, một số mặt hàng NK có giá giảm hơn so với giá do các DN Việt Nam NK trước đây.

Trước thời điểm tháng 6-2012, Công ty X. ở nước ngoài muốn phân phối mặt hàng kẹo cao su tại Việt Nam phải thông qua một công ty cổ phần Việt Nam đứng tên mở tờ khai NK và thực hiện phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sau thời điểm tháng 6-2012, Tập đoàn X. toàn cầu thành lập công ty con tại Việt Nam với 100% vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, toàn bộ mặt hàng kẹo cao su của Tập đoàn X. nước ngoài do công ty con ở Việt Nam thực hiện NK và phân phối tại thị trường Việt Nam.

Kể từ khi Công ty con ở Việt Nam thực hiện NK, giá kí kết hợp đồng ngoại thương và giá khai báo tính thuế giữa công ty con ở Việt Nam và Tập đoàn X. nước ngoài thấp hơn nhiều (giảm khoảng 30-40%) so với giá trước đây mà công ty cổ phần của Việt Nam thực hiện NK.

Phát hiện có dấu hiệu bất hợp lí từ hồ sơ lô hàng NK nêu trên, Phòng thuế XNK đã cử công chức thu thập thông tin, mời DN lên tham vấn giá. Giải trình về mức giá nêu trên, Công ty con ở Việt Nam cho rằng, trước đây do chưa có công ty con tại Việt Nam nên công ty mẹ phải thông qua công ty cổ phần của Việt Nam thực hiện NK, các chi phí quản lí, khuyến mãi, tiếp thị sẽ do đối tác XK nước ngoài thực hiện và được tính vào giá của hàng hóa khi kí kết hợp đồng ngoại thương.

Sau khi thành lập công ty con tại Việt Nam, công ty con phải trả các chi phí thuê văn phòng, chi phí quản lí, khuyến mãi, tiếp thị, tuyển nhân viên… nên khi thương lượng giá cả với đối tác nước ngoài đạt được mức giá thấp hơn.

Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan yêu cầu DN cung cấp các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc đối tác XK nước ngoài hỗ trợ Công ty con tại Việt Nam về các chi phí liên quan và Công ty tại Việt Nam phải trả các khoản phí này thì Tập đoàn X. không thể cung cấp được. Như vậy, theo quy định hiện hành, trị giá khai báo tính thuế của công ty con ở Việt Nam không thỏa mãn một trong các điều kiện để được áp dụng trị giá giao dịch. Phòng thuế XNK đã xác định trị giá tính thuế đối với mặt hàng kẹo cao su, với số thuế truy thu khoảng 700 triệu đồng.

Truy thu 7 tỉ đồng từ mỹ phẩm

Trường hợp của Công ty TNHH B. Việt Nam (công ty con) chuyên NK mặt hàng mỹ phẩm cũng né thuế bằng cách giảm giá lòng vòng giữa công ty mẹ và công ty con với mức thuế rất lớn. Trước đây, khi còn là Văn phòng đại diện tại Việt Nam, việc NK mỹ phẩm vào Việt Nam do công ty mẹ tại Thái Lan xuất bán trực tiếp cho các công ty Việt Nam, văn phòng đại diện Việt Nam lúc đó chỉ hoạt động hỗ trợ các công ty Việt Nam cũng như công ty mẹ để thúc đẩy việc bán hàng. Nhưng từ khi Công ty TNHH B.

Việt Nam chính thức được NK trực tiếp cũng như kinh doanh trong nội địa thì công ty mẹ tại Thái Lan đã giảm giá toàn bộ các mặt hàng mỹ phẩm từ 10 đến 20%, thậm chí có những mặt hàng giảm đến 30-40%, dẫn đến số thuế NK giảm theo rất nhiều do DN NK số lượng lớn. Giải trình cho việc giảm giá trên đại diện Công ty TNHH B. Việt Nam cho rằng trước đây công ty mẹ hỗ trợ chi phí hoạt động, chi phí quảng cáo, truyền thông cho văn phòng đại diện, Công ty TNHH B. Việt Nam được thành lập thì phải tự hạch toán và công ty mẹ không còn phải hỗ trợ những chi phí này nên đã giảm giá bán cho Công ty TNHH B. Việt Nam.

Xét về mối quan hệ đặc biệt giữa công ty mẹ và công ty con thì việc giảm giá trên là do tác động của mối quan hệ này. Nhưng trong quá trình tham vấn, Công ty TNHH B. Việt Nam không thể chứng minh được một trong các điều kiện để được áp dụng trị giá giao dịch. Chính vì thế, phòng thuế XNK đã không chấp nhận yếu tố giảm giá, bác bỏ giá giao dịch của DN, truy thu thuế của 37 tờ khai NK gần 7 tỉ đồng.

Theo cán bộ tham vấn giá Phòng thuế XNK, để bác bỏ được trị giá khai báo đối với những lô hàng của các tập đoàn, công ty mẹ- công ty con có mối quan hệ “zíc zắc” với nhau ở nước ngoài là điều không dễ. Bởi vì, cơ quan Hải quan phải có thông tin thanh toán hàng của DN, thông tin từ nhà XK, cũng như các thông tin NK hàng hóa trước đây của DN… mới có thể bác bỏ trị giá, truy thu số thuế lớn.