Phát hiện nhiều hình thức vi phạm
Thực hiện Kế hoạch 98/KH-TCHQ ngày 22/6/2012 của Tổng cục Hải quan về việc kiểm soát, xử lý đối với hàng hóa nhập khẩu quá thời hạn làm thủ tục hải quan tại cảng Hải phòng, Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) đã phát hiện hàng loạt sai phạm của DN như: Khai báo không đúng tên hàng, số lượng hàng TNTX, tự ý phá niêm phong kẹp chì của hải quan, đưa hàng đi sai tuyến đường qui định, tự ý tiêu thụ nội địa, chậm thanh khoản tờ khai hải quan…
Theo Nghị định 12/NĐ-CP: “hàng TNTX phải làm thủ tục hải quan khi NK vào Việt Nam và chịu sự giám sát của hải quan cho tới khi thực XK ra khỏi Việt Nam”. Thông tư 194/2010/TT-BTC có qui định: “hàng hóa tạm nhập phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan… Thương nhân chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng hàng hoá, niêm phong trong thời hạn lưu lại tại Việt Nam và vận chuyển tới cửa khẩu xuất hàng”.
Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1)-Cục ĐTCBL Nguyễn Văn Ba cho biết, theo các qui định trên thì sau khi làm thủ tục tạm nhập cho DN, chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tiến hành niêm phong hải quan và giao cho DN chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng hàng hóa và vận chuyển tới cửa khẩu tái xuất.
Tuy nhiên, tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP có qui định, DN kinh doanh mặt hàng chuyển khẩu, hàng tạm nhập tái xuất có thời gian lưu hàng tại Việt Nam trong thời gian 120 ngày kể từ ngày hàng hóa về đến cửa khẩu NK Việt Nam, DN làm thủ tục chuyển khẩu, làm thủ tục TNTX mở tờ khai Hải quan. Ngoài ra, DN có quyền gia hạn thời gian lưu hàng hóa tại Việt Nam thêm hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Như vậy, trong thời gian 180 ngày lưu tại Việt Nam, DN tự bảo quản hàng hóa, nhiều DN đã lợi dụng để NK trái phép một số mặt hàng là rác thải công nghiệp như ắc qui chì đã qua sử dụng, phủ tạng gia súc gia cầm đông lạnh, động vật đông lạnh… những hàng hóa bị cấm, bị hạn chế XNK.
Sau khi đưa hàng ra khỏi cảng, DN có thể đưa hàng về kho, cũng có thể để hàng tại cửa khẩu, cũng có thể đưa đến các khu vực biên giới sau đó tái xuất trái phép qua các lối mòn, lối mở, đường mòn biên giới hoặc cũng có thể thẩm lậu hàng vào tiêu thụ trong nội địa. Theo thống kê của Cục ĐTCBL, tính từ ngày 9-5 đến hết ngày 30-9-2012, đơn vị đã phối hợp với Cục Hải quan Hải Phòng kiểm tra 316 container, phát hiện 200 container vi phạm.
Cũng lợi dụng quy định thời gian lưu hàng TNTX có thể kéo dài lên tối đa tới 180 ngày, nhiều lô hàng vi phạm khi bị cơ quan Hải quan phát hiện, kiểm tra hàng hóa theo qui định thì chủ hàng từ chối nhận hàng với lí do phía đối tác gửi nhầm hàng hoặc không kí hợp đồng thương mại nào với lô hàng đó.
Mặt khác, theo qui định tại Nghị định 154/NĐ-CP, đối với tờ khai điện tử tái xuất có thời gian lưu tại Việt Nam là 15 ngày kể từ ngày hàng hóa về đến cửa khẩu NK Việt Nam. Hết thời hạn 15 ngày, DN có quyền quay lại nơi đăng kí làm thủ tục tạm nhập để hủy tờ khai và thay thế tờ khai TNTX đã quá hạn làm thủ tục hải quan (thay thế bằng tờ khai giấy, và lại được lưu tại Việt Nam tối đa 180 ngày). Tuy nhiên, tại thời điểm hủy và thay thế tờ khai, không có qui định nào buộc DN phải cho kiểm tra lô hàng và nguyên chì của hãng tàu. Do vậy xảy ra tình trạng DN lợi dụng qui định trên để chứng nhận khống.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Kế hoạch 98/KH-TCHQ, Cục ĐTCBL còn phát hiện một số trường hợp DN giả con dấu, chữ kí của cán bộ hải quanđể vi phạm. Hiện đang được điều tra xác minh cụ thể.
Theo quy định hiện hành, nếu những DN làm thủ tục TNTX, chuyển khẩu thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của hải quan sẽ được đưa vào diện luồng Vàng hoặc luồng Xanh, được hưởng cơ chế miễn kiểm tra hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Ba cho biết, lợi dụng qui định này, một số DN đã NK trái phép một số mặt hàng hạn chế, hàng vi phạm công ước Cites… Khi nhập lậu những lô hàng này, các đối tượng thường khai báo thành các loại hàng hóa thuộc loại miễn kiểm, hàng hóa không phải xin giấy phép NK của Bộ Công Thương.
Để bảo đảm hoạt động kinh doanh TNTX, chuyển khẩu tuân thủ đúng qui định, trong thời gian tới, Cục ĐTCBL tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong quá trình lưu thông hàng hoá trong nội địa, kịp thời phát hiện, xử lí các vụ việc vi phạm.