Phát triển công nghiệp hỗ trợ - Giải pháp nào?

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Đây là vấn đề chính được quan tâm trong buổi tọa đàm “Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” do Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 27/1.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ - Giải pháp nào?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND, Phó Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh, hoạt động sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của các DN nhỏ và vừa trên địa bàn chủ yếu ở những công đoạn đơn giản, giá trị gia tăng thấp, không thể tham gia vào chuỗi sản phẩm.

Nhưng điều đáng lo ngại là tình hình này không chỉ diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh mà còn là tình hình chung của cả nước, rõ nhất là việc nhiều tập đoàn công nghệ cao lớn của thế giới (như Samsung) đầu tư vào Việt Nam nhưng rất ít DN trong nước có khả năng cung ứng linh kiện, nguyên liệu cho họ.

Phân tích thêm bất cập phát triển CNHT ở một ngành xuất khẩu mũi nhọn - ngành Dệt may, ông Lê Quang Hùng (Chủ tịch HĐQT Công ty Gamex Sài Gòn) cho biết phương thức sản xuất FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) là xu thế khi các Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực, nhưng nguồn cung còn hạn chế. Ở ngành Dệt may, trong số 21 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc thì nguyên liệu nhập khẩu chiếm 45,2%, nguyên liệu nội địa chưa đến 25% . Nói cách khác, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm may mặc chỉ xuất khẩu chỉ chiếm 35,7% giá trị nguyên liệu nên giá trị gia tăng rất thấp.

Hiện có một thực tế là để chuẩn bị cho hội nhập, các DN FDI đã đầu tư hàng tỷ USD cho sản xuất nguyên phụ liệu may mặc; Vinatex đầu tư tới 8.000 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu, nhưng các DN này đều phục vụ cho các DN trực thuộc trong hệ thống hoặc liên kết chứ không chủ trương bán ra ngoài. Như vậy DN dệt may của ta sẽ gặp rủi ro rất lớn do mất cân đối cung cầu nguyên phụ liệu ngày càng nghiêm trọng.

Vì thế, nhu cầu gia tăng nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ xuất khẩu may mặc rất bức bách khi thời gian không còn nhiều.

Để tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu rủi ro, ông Hùng kiến nghị Nhà nước nên đẩy mạnh hỗ trợ phát triển CNHT và công nghiệp thời trang bằng nhiều chính sách, như thành lập cụm công nghiệp chuyên ngành nguyên phụ liệu may/da; chỉ định DN có khả năng tài chính làm đầu mối hình thành tổ hợp sản xuất nguyên phụ liệu; được vay vốn kích cầu không lãi suất dài hạn hoặc hỗ trợ lãi suất cho các khoản đầu tư, vận hành xử lý nước thải; được miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập từ khi có lãi...

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Nhà nước cần có chính sách miễn thuế GTGT đầu vào với các sản phẩm CNHT; ổn định lãi suất, miễn giảm tiền thuê đất; có chính sách khuyến khích DN FDI chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho DN địa phương tham gia chuỗi cung ứng...

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng nguyên nhân làm ngành CNHT chưa phát triển, đặc biệt là DN khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Với Dự thảo về CNHT mà Chính phủ giao, hiện Bộ Công Thương đang điều chỉnh để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Còn ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, cần loại thủ tục rườm rà, quan liêu để DN tiếp cận được cơ hội kinh doanh.