Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn: Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Nhiều năm qua, tỉnh Tiền Giang đẩy nhanh xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Vùng quê khởi sắc
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng GTNT qua bê tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường nối liền từ các huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.
Theo đó, đến nay các địa phương đã có 100% đường ô tô đến trung tâm xã với mặt đường cứng hóa đảm bảo thuận lợi đi lại trong các mùa của năm, từng bước nâng chất hệ thống đường GTNT theo tiêu chuẩn Việt Nam 4054:2005, kết hợp kiên cố hóa cầu, cống trên đường GTNT. Từ đó, diện mạo vùng quê ngày càng khởi sắc.
Cây cầu dây văng bắc qua sông Cổ Cò (kinh phí 2,1 tỷ đồng) vừa hoàn thành trên địa bàn xã Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè) trong niềm vui của người dân nơi đây, là một minh chứng rõ nét về sự phát triển giao thông ở nông thôn. “Trước đây, muốn lên huyện, người dân phải đi qua đò mất rất nhiều thời gian. Giờ có cầu, việc đi lại của người dân trong vùng thuận tiện hơn. Việc tiêu thụ nông sản của nông dân cũng dễ dàng hơn”- ông Nguyễn Văn Nhơn (58 tuổi, ấp Mỹ Quới, xã Mỹ Lợi A) bày tỏ.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi A Lê Văn Thơm cho biết, cầu dây văng bắc qua sông Cổ Cò đã tạo điều kiện cho hơn 1.000 hộ dân của 3 xã Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B, An Thái Trung đi lại, giao thương thuận tiện, đặc biệt là vận chuyển trái cây. Đây chỉ là 1 trong 7 cây cầu (bình quân từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/cây) được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa mà địa phương vận động trong 2 năm trở lại đây.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Lê Văn Ý cho biết, đến nay trên địa bàn huyện không còn cầu khỉ. Đường giao thông cũng được nhựa hóa, bê tông đến 100% xã vùng sâu của huyện. Các tuyến đường do xã quản lý bảo đảm đạt chuẩn theo quy định; các cầu, cống dân sinh được nâng cấp cơ bản. 100% đường thôn, xóm được cứng hóa đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và kéo giảm tai nạn giao thông khu vực nông thôn.
“Phát huy thành quả trên, huyện Cái Bè tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực từ ngân sách và tiềm năng to lớn từ sự chung tay góp sức của nhân dân nhằm đa dạng hóa mọi nguồn lực để sử dụng hợp lý ngân sách; đồng thời, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển GTNT trên địa bàn” - ông Lê Văn Ý khẳng định.
Tăng mức đầu tư
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tiền Giang, GTNT trong thời gian qua tuy có tập trung đầu tư nhưng do ngân sách hạn chế và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nên nguồn vốn đầu tư thấp, các công trình chưa đạt quy mô theo tiêu chí nông thôn mới.
Bên cạnh đó, công tác duy tu và bảo trì GTNT cũng rất khó khăn như bị động; chưa được tổ chức, quản lý bài bản; chưa được bảo trì sau đầu tư nên nhanh chóng xuống cấp làm giảm hiệu quả đầu tư.
Phó Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang Phan Vĩnh Thanh cho biết, để phát triển về hạ tầng GTNT, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với tinh thần trách nhiệm cao; không đùn đẩy, né tránh; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân là giải pháp quan trọng hàng đầu, làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công sức, tiền bạc và chủ động xây dựng.
Đồng thời, địa phương phải có cách làm phù hợp với điều kiện thực tế thông qua lựa chọn giải pháp, cơ chế chính sách; có phương thức huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư cho phù hợp. “Thời gian dài làm GTNT đã tạo cho các cấp chính quyền rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là trong công tác lãnh đạo, tổ chức vận động nhân dân, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Nhờ đó mà chất lượng GTNT ngày càng nâng lên, nhân dân đã ý thức phát huy quyền làm chủ qua cùng tham gia giám sát công trình, tránh được sự thất thoát làm giảm chất lượng công trình...”- đồng chí Phan Vĩnh Thanh chia sẻ thêm.
Theo Sở GTVT, dự kiến kinh phí đầu tư phát triển GTNT toàn tỉnh Tiêng Giang giai đoạn 2021 - 2025 là 1.000 tỷ đồng và ước tính các giai đoạn tiếp theo sẽ tăng từ 20% - 30%. Dự kiến đến cuối năm 2025, hệ thống đường GTNT của tỉnh sẽ cơ bản đảm bảo có kết cấu nhựa hoặc đan bê tông và 100% xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí Giao thông về xây dựng nông thôn mới, sẽ trở thành “đòn bẩy” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo thống kê đến tháng 7/2021, trên địa bàn tỉnh có 1.495 tuyến xã dài gần 2.900 km, đến nay đã được nhựa hóa, bê tông hóa trên 1.944 km (đạt 67,79%); cấp phối đá dăm 244,21 km (đạt 8,51%). Có 4.622 tuyến đường GTNT dài trên 4.142 km, đến nay đã được nhựa hóa, bê tông hóa khoảng 2.500 km (đạt 59,83%); cấp phối đá dăm 244,21 km (đạt 21,67%). Đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa theo tiêu chuẩn quy định của Bộ GTVT.