Phía sau hành vi mua hàng

Theo Minh Hạnh/baocongthuong.com.vn

Một chuyên gia tư vấn băn khoăn: Sách dạy marketing luôn nói tới cung- cầu, mặc định là một sản phẩm được tiêu thụ nhiều vì thỏa mãn nhu cầu. Tức là, người tiêu dùng biết đích xác mình muốn gì và đi tìm thứ thỏa mãn mong muốn đó. Song, thực tế, người tiêu dùng có hiểu mình muốn gì hay không?

Phản ứng của khách hàng lắm khi mang nặng định kiến. Nguồn: Internet
Phản ứng của khách hàng lắm khi mang nặng định kiến. Nguồn: Internet

Ông đã hỏi nhiều doanh nhân "gạo cội" và nhận được câu trả lời giống nhau: Có một lượng lớn khách hàng hoàn toàn không biết mình muốn gì, nói cách khác, định kiến dẫn dắt họ mua hàng theo cách… chẳng giống ai! Có 3 câu chuyện minh chứng. 

Câu chuyện thứ nhất: Những năm 1995, 1996, pho mát Pháp rất nổi tiếng nhưng vào thị trường Việt Nam thì… im hơi lặng tiếng. Vì sao vậy? Có một lý do quan trọng: Thói quen đánh giá sản phẩm. Nhiều người Việt có định kiến rằng sản phẩm cứ có vị chua chua là bị ôi thiu. 

Câu chuyện thứ hai: Chủ một trung tâm tiếng Anh định giá một giờ học với chuyên gia người nước ngoài là X đồng, đối tượng học từ cấp trưởng phòng trở lên. Chào khắp nơi chỉ vét được vài khách, nhân viên đề nghị giảm giá. Nhưng, ông sếp làm ngược lại, nâng giá lên gấp đôi. Đột nhiên lượng người đăng ký học ào ào, cản không nổi. Điều lý giải đơn giản: Ngồi ở vị trí quản lý cao, mức giá phải xứng "tầm". 

Câu chuyện thứ ba: Trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm, nhiều người cho rằng hễ chất làm đẹp mà đặc sệt là hàng tốt, còn loãng lỏng là đồ dởm, chất lượng kém. Vậy là các hãng chỉ cần cho vài chất phụ gia vào, sản phẩm đặc lại, khách hàng gật gù "đấy, đặc thế cơ mà!". Văn hóa của người Việt là "đắt xắt ra miếng", chỉ vậy thôi! 

Phản ứng của khách hàng lắm khi mang nặng định kiến. Doanh nghiệp khó có thể biết chắc chắn nhu cầu của họ bởi định kiến chỉ lộ ra khi người ta ra quyết định mua hàng. Đó chính là điều bí ẩn phía sau hành vi mua hàng.