Phổ biến tình trạng chèn ép cổ đông nhỏ

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Thua lỗ, không hoàn thành kế hoạch, kém minh bạch, coi thường cổ đông nhỏ lẻ là hiện thực diễn ra khá phổ biến tại nhiều đại hội cổ đông (ĐHCĐ) vừa diễn ra, đặc biệt là tại một số doanh nghiệp (DN) ngành than, chưa niêm yết.

Phổ biến tình trạng chèn ép cổ đông nhỏ
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư, thương mại và dịch vụ Vinacomin – V-Itasco, năm 2012 công ty không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 6,4 tỷ đồng (kế hoạch 24 tỷ đồng) và cổ tức chỉ đạt 5% (kế hoạch là 12% trở lên).

Bên cạnh những chất vấn về sự thay đổi quá lớn trong kết quả sản xuất, kinh doanh so với kế hoạch, điều khiến nhiều cổ đông bên ngoài cảm thấy thực sự bức xúc là theo Luật DN, trước khi họp ĐHCĐ 7 ngày công ty cần phải gửi tài liệu cho cổ đông.

Tuy nhiên công ty chỉ gửi giấy mời và mẫu ủy quyền, thông tin trên website cũng ít, đến ngày đại hội cổ đông mới được phát tài liệu. Điều đáng nói là V-Itasco thuộc loại công ty đại chúng quy mô lớn. Ông Thiều Quang Thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc, thừa nhận thiếu sót này đã bị cổ đông phê bình từ năm 2012 và ông hứa sẽ cố gắng khắc phục trong... năm nay.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Công ty Xi măng La Hiện. Đây là DN có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 51% do Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc nắm giữ (là công ty 100% vốn nhà nước của Vinacomin).

Xi măng La Hiên 3 năm liền không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh: năm 2010 trả cổ tức 1,5%, năm 2011 không cổ tức, năm 2012 lợi nhuận âm 20,3 tỷ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ), nhờ có khoản 10 tỷ đồng lợi nhuận khác (từ thanh lý tài sản) nên tổng kết công ty chỉ còn bị lỗ 9,96 tỷ đồng.

Không những bức xúc về hoạt động kinh doanh bê bết, không phát tài liệu cho cổ đông trước đại hội... cổ đông công ty này còn bức xúc vì sự thiếu minh bạch của DN khi là công ty đại chúng (30/5/2008), nhưng thông tin về công ty trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có và cũng không thực hiện công bố thông tin theo quy định. Trước sức ép của cổ đông, năm 2012 công ty đã lập website nhưng thông tin công bố trên đó vẫn chưa đầy đủ như quy định.

Tại ĐHCĐ của V-Itasco ngày 16/4 vừa qua, không hài lòng với việc công ty không hoàn thành mục tiêu, không thực hiện đúng kế hoạch về chi trả cổ tức, một nhà đầu tư ở Hà Nội cùng nhóm cổ đông liên kết của mình đã yêu cầu công ty phải trả cổ tức tăng thêm. Nhưng đại diện V-Itasco đã dùng quyền đại diện 36% sở hữu cổ phần của Vinacomin để phủ quyết.

Tham dự tại ĐHCĐ của nhiều DN đại chúng, nhất là những DN chưa niêm yết, có thể thấy cổ đông nhỏ dường như vẫn bị "chèn ép", bắt bí từ DN. Nhiều cổ đông cho biết họ thông cảm với hoạt động kinh doanh khó khăn của DN, nhưng cách ứng xử không thỏa đáng như vài trường hợp nêu trên, cùng với việc khiếu nại lên cơ quan quản lý để bảo vệ quyền lợi họ cũng sẽ tìm cách thoái vốn đầu tư tại DN.

Được biết, với trường hợp Xi măng La Hiên, hiện đã có 15 cổ đông viết đơn kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt lỗi vi phạm công bố thông tin công ty đại chúng của DN này.

Gần đây, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên toà xét xử vụ kiện của cổ đông đề nghị hủy Nghị quyết ĐHCĐ thường niên ngày 26/4/2012 và Nghị quyết ĐHCD bất thường ngày 12/5/2012 của Công ty cổ phần Phát triển Kỹ thuật và Đầu tư ITD-IMI.

Việc khởi kiện của các cổ đông công ty này cũng xuất phát từ nghi ngờ về kế hoạch tăng vốn điều lệ để thâu tóm công ty giá rẻ của một số cổ đông lớn trong công ty nhằm sở hữu mảnh đất "vàng" gần 3.000m2 ở mặt đường Vũ Ngọc Phan và Láng Hạ (Hà Nội).

Kết quả là tòa án đã đã tuyên hủy Nghị quyết ĐHCĐ thường niên ngày 26/4/2012 và Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 12/5/2012, buộc công ty phải tổ chức lại ĐHCĐ. Đây là bài học cho những DN coi thường quyền lợi cổ đông, coi thường các quy định về thủ tục, trình tự triệu tập ĐHCĐ.