Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trả lời thẳng thắn nhiều vấn đề “nóng”

PV. (Tổng hợp)

Chiều ngày 6/6/2018, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi làm Phó Thủ tướng, ông Vương Đình Huệ là "nhân vật chính" của "ghế nóng".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là thành viên Chính phủ thứ 5 trả lời chất vấn tại kỳ họp này của Quốc hội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là thành viên Chính phủ thứ 5 trả lời chất vấn tại kỳ họp này của Quốc hội.

Sau khi Quốc hội hoàn thành việc chất vấn lần lượt 4 bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT), Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) chiều ngày 6/6/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đăng đàn trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc về công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ trên tất cả các mặt.

Theo thông lệ, ở kỳ họp giữa năm Thủ tướng thường phân công Phó Thủ tướng thường trực trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là người được uỷ quyền trả lời chất vấn.

Thời gian dành cho Phó Thủ tướng eo hẹp hơn hẳn các thành viên Chính phủ khác, chỉ được khoảng 120 phút, bao gồm cả phần trình bày báo cáo trong khi các thành viên khác đều được hơn một buổi (khoảng trên 3 giờ). 14h43, khi Phó Thủ tướng trình bày xong báo cáo đã có 71 đại biểu đăng ký chất vấn trực tiếp. Đến 17h, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết thúc phần trả lời chất vấn của mình.

Kết thúc phiên trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trước hàng loạt các vấn đề được đưa ra, nhiều ĐBQH và cử tri đã đánh giá cao tinh thần đổi mới trong điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội. Với hình thức “hỏi nhanh đáp gọn”, các ĐBQH đã hỏi thẳng vào những nội dung cần quan tâm. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và trước đó là các Bộ trưởng đã trả lời thẳng vào thực trạng, giải pháp, các câu trả lời đúng trọng tâm, đáp ứng những quan tâm mà người dân cả nước đang quan tâm.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực

Báo cáo, giải trình thêm một số vấn đề mà nhiều ĐBQH và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,55% (chủ yếu do tăng giá xăng dầu và giá thịt lợn hơi), bình quân 5 tháng tăng 3,01%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%.

Tín dụng 5 tháng tăng 5,8%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Xuất khẩu 5 tháng đạt trên 93 tỷ USD, tăng 15,8%; xuất siêu 3,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt khá, tăng 13,6%, bằng 41,6% dự toán. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6,75 tỷ USD, tăng 9,8%.Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển ổn định. Trong 5 tháng có trên 52 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tổng số vốn đăng ký và bổ sung đạt 1,42 triệu tỷ đồng...

Tuy nhiên, như Chính phủ đã báo cáo và nhiều vị ĐBQH đã có ý kiến, kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng cao hơn cùng kỳ năm 2017 nhưng mới đạt 22,5% dự toán. Nhập siêu của khu vực trong nước cao. Cắt giảm thủ tục hành chính nhiều nơi chưa đạt yêu cầu; chi phí logistics, vận tải, kho bãi... còn cao. Tình hình khiếu nại, khiếu kiện, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp...

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình; Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.

Không bỏ quên xã hội, không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế

Chất vấn Phó Thủ tướng, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu vấn đề: Cử tri đánh giá cao thành tựu kinh tế của đất nước ta trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nhưng vấn đề xã hội chưa ngang tầm với chấn hưng văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này và sắp tới, Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ nào để khắc phục?

“Vấn đề xã hội luôn được các ĐBQH và cử tri quan tâm, kỳ họp nào cũng thảo luận nhiều, nhưng kỳ này đặc biệt nhiều. Đại biểu lo lắng kinh tế phát triển nhưng đạo đức xuống cấp", Phó Thủ tướng cho biết. Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, Thủ tướng chia sẻ với lo lắng của đại biểu và đồng bào cử tri về lo lắng này. 

Phó Thủ tướng nêu rõ, Đảng và Nhà nước luôn xác định chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, nhưng phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng là trọng yếu và thường xuyên. 

Cách đây 20 năm, Trung ương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tại Hội nghị Trung ương 9, Khóa XI, Bộ Chính trị đã trình Trung ương đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết này và ban hành Nghị quyết mới về xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chính phủ và Thủ tướng, trong phát triển kinh tế, cũng bảo đảm phát triển bền vững, dựa trên ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. “Không bỏ quên xã hội, không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.

“Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chúng tôi sẽ cùng với Ban cán sự đảng Chính phủ, và các thành viên Chính phủ rà soát, sắp xếp lại toàn bộ chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, Khóa XI để xem chúng ta đã chăm lo văn hóa như thế nào”, Phó Thủ tướng cho biết. 

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, hiện nay vấn đề xã hội diễn biến phức tạp, nhưng mặt tích cực vẫn là chủ đạo, chỉ có một số vụ việc đạo đức xã hội xuống cấp. “Chúng ta cũng không quá bi quan, thành tựu kinh tế - văn hóa năm 2017 được đánh giá là hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  trả lời chất vấn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn.

Rà soát và điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp

Về vấn đề đầu tư BOT và xử lý tồn tại các dự án BOT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: Huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương rất cần thiết và đúng đắn, được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 13-NQ/TW (khóa XI) và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là đối với kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, yếu kém và sai phạm.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan (trong đó có Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư BOT); thực hiện nghiêm Nghị quyết số 437 của UBTVQH, sớm nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành công khai, minh bạch quá trình thực hiện dự án, nhất là việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.

Về xử lý tồn tại của các dự  án BOT, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Có 3 đặc khu, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn là đầu tàu kinh tế

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình): Nếu Quốc hội thông qua Luật Đặc khu thì tiêu chí tuyển chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu như thế nào? Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, "đã là đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt, cán bộ cũng phải đặc biệt".

Phó Thủ tướng cho biết, trong dự thảo luật đã đề xuất quy định lựa chọn Chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ, theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định và Hội đồng Nhân dân bầu, Thủ tướng phê chuẩn.Với quy trình chặt chẽ như thế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng sẽ chọn người đủ đức, đủ tài chèo lái đặc khu.

Tiếp tục về vấn đề đặc khu, đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn: Nếu triển khai ba đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong thì kinh tế - xã hội các địa phương đó phát triển đến mức nào, đóng góp to lớn thế nào cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Đề nghị phân tích mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế ba đặc khu đó với sự ổn định về an ninh quốc phòng và sự vẹn toàn của lãnh thổ theo thời gian?

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, trên thế giới, việc ra đời đặc khu để tạo ra các nơi thử nghiệm các thể chế, tạo ra các cực tăng trưởng. Dự luật này hiện Quốc hội đang thảo luận, tính toán tổng thể lợi ích về kinh tế, thu hút đầu tư, quan hệ kinh tế với quốc phòng an ninh.

TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai đầu tàu động lực của cả nước. Dù có hay không có đặc khu thì hai thành phố này vẫn là đầu tàu, cùng bảy vùng kinh tế trọng điểm, chúng ta tiếp tục tập trung cơ chế chính sách phát huy thế mạnh các vùng này. Tôi nghĩ, với việc ra đời đặc khu không ảnh hưởng, tác động gì đến quan điểm cũng như sự phát triển của chúng ta. Các nguồn lực của Trung ương và địa phương tập trung cho hai đầu tàu và bảy vùng kinh tế trọng điểm.

Nghiên cứu giải pháp quản lý tiền ảo

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề cập đến một trong những vấn đề nóng hiện nay là tiền ảo và đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết giải pháp quản lý như thế nào.

Trả lời Đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết, ngay khi có thông tin liên quan đến việc nhiều người mua máy về đào bitcon, rồi một số vụ việc phức tạp như sử dụng thẻ cào thanh toán trên mạng, đánh bạc, kinh doanh đa cấp mất hơn 15 nghìn tỷ đồng, Thủ tướng đã chỉ đạo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thành lập một đề án, giao Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan xử lý tiền ảo nói chung.

Ngân hàng Nhà nước cũng ngay lập tức ban hành văn bản không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán ở Việt Nam. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết, thực trạng tiền ảo ở Việt Nam khá sôi động: “Từ năm ngoái đến nay đã nhập khẩu 15.600 bộ máy đào bitcoin, ở TP. Hồ Chí Minh là hơn 9.000 bộ, còn lại là ở Hà Nội. Chính phủ dự kiến thời gian tới sẽ cấm nhập máy, nhưng cần xem xét thêm cơ sở pháp lý”.

Cũng vấn đề tiền ảo, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng tiền ảo là một trong những công cụ thanh toán ngang giá trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cho nên không nên cấm mà nên nghiên cứu tạo hành lang pháp lý.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đến giờ phút này, pháp luật Việt Nam chưa cho phép lưu hành tiền ảo. Còn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan nghiên cứu kỹ: “Sắp tới chúng ta phải có những chính sách đón trước những vấn đề như thế này” – Phó Thủ tướng nói.

Phòng chống tham nhũng không ảnh hưởng phát triển kinh tế

Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) cho biết, cuộc chiến chống tham nhũng được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá đạt một số kết quả nhất định, tăng niềm tin lớn của cử tri với Đảng, Nhà nước. Đại biểu này đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quyết tâm của Chính phủ với cuộc chiến này trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua đạt được kết quả to lớn, căn bản và được đồng bào, cử tri cả nước đồng tình ủng hộ, dư luận quốc tế đánh giá cao.

“Khi chúng tôi tham dự diễn đàn kinh tế, nhiều quan chức các nước hỏi rằng, nếu đấu tranh phòng chống tham nhũng mà gay gắt như vậy có ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh không. Chúng tôi trả lời: “Không”. Bằng chứng là năm 2017, chúng ta đã làm được toàn diện cả về mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí và cả kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết quan điểm của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay là phải làm nhiệm vụ “kép”, tạo năng lực sản xuất mới, đổi mới mô hình tăng trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… mặt khác phải biết cách thực hiện với vấn đề còn tồn tại nhiều trong nền kinh tế, nhất là lĩnh vực liên quan đất đai, cổ phần hóa, tài chính ngân hàng, hải quan, công tác cán bộ…

Kết quả thanh tra Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội về số vụ, số phát hiện qua công tác kiểm toán. Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an cũng tiến hành điều tra, khởi tố kịp thời đối tượng; xử nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng về kinh tế.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiêm túc chấp hành, thực hiện nghiêm chương trình công tác của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các cơ quan hữu quan, các ngành tư pháp, kết hợp với giám sát của Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng này.