Kinh nghiệm ở một số quốc gia châu Á

Singapore

Trọng tâm chính của chính sách tài khóa (CSTK) của Singapore trong năm 2014 là cung ứng những hàng hóa thiết yếu và những dịch vụ công ích cần thiết đến với người dân của nước này. Theo đó, Chính phủ nước này đã mạnh tay chi cho các lĩnh vực then chốt là giáo dục, nhà công vụ, chăm sóc sức khỏe và an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore cũng cam kết xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng kinh tế và các dịch vụ xã hội mang đẳng cấp quốc tế.

Xác định thuế là nguồn thu chủ yếu vào ngân sách, nên Chính phủ Singapore luôn tìm cách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là có các chính sách thuế ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đây tìm cơ hội hợp tác sản xuất kinh doanh. Chính sách thuế linh hoạt, bình đẳng, cộng với chương trình chi tiêu thận trọng, đã mang lại những thành công cho Singapore trong những năm qua. Cùng với đó, việc điều hành phối hợp chính sách tiền tệ (CSTT) với CSTK là vấn đề hàng đầu do đó, Chính phủ Singapore đã điều hành chính sách này theo hướng rất thận trọng và linh hoạt để hỗ trợ tích cực cho CSTT trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và duy trì mức lạm phát thấp trung bình 2,1% năm trong suốt hơn 30 năm qua.

Mục tiêu CSTK của Singapore là hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, chứ không điều chỉnh theo chu kỳ hoặc phân phối thu nhập. Do đó, Chính phủ Singapore đã áp dụng hai nguyên tắc chủ yếu: (i) tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển; (ii) chính sách thuế và chi tiêu công tập trung vào các lĩnh vực như khuyến khích tiết kiệm, đầu tư và DN…

Trong những năm qua, Singapore đã điều hành CSTK thận trọng và duy trì được mức thặng dư ngân sách ở mức hợp lý. Đồng thời, Singapore là quốc gia hiếm hoi đạt được tỷlệ đầu tư cao nhất trên thế giới mà không phải gánh chịu những khoản nợ nước ngoài.

Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) mới đây công bố, CSTT của Chính phủ nước này trong năm 2014 sẽ tiếp tục duy trì thận trọng trong quản lý tỷgiá ngoại hối hiệu quả danh nghĩa (NEER) của đồng đô la Singapore (SGD), tức là SGD được giao dịch theo tỷgiá không công bố. MAS khẳng định, chính sách trên là phù hợp để khống chế được sức ép về lạm phát, giữ tỷlệ lạm phát không thay đổi nhiều và hỗ trợ cơ cấu lại nền kinh tế. Singapore thực hiện CSTT bằng cách điều chỉnh giá trị SGD so với một rổ tiền tệ không được tiết lộ, chứ không điều chỉnh lãi suất. Trong khi đó, cuối tháng 02/2014, Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) dự báo nền kinh tế Singapore đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 4% trong năm 2014.

Trung Quốc

Trong giai đoạn 2009 - 2010, Trung Quốc chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu của nước này bị thu hẹp, áp lực của các ngành nghề sản xuất hàng xuất khẩu gia tăng, đầu tư bị thu hẹp, tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt đầu giảm sút. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã thực hiện CSTK tích cực và CSTT nới lỏng.

Theo đó, trọng tâm của CSTK chuyển sang chú trọng vào chất lượng và hiệu quả kinh tế, tăng chi NSNN cho các lĩnh vực cải thiện đời sống nhân dân, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời, CSTT cũng được nới lỏng theo hướng giảm tỷlệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, xóa bỏ hạn mức, mở rộng hợp lý quy mô cho vay tín dụng. Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc tiếp tục duy trì CSTK “tích cực”, và thực hiện CSTT “ổn định” nhằm hỗ trợ hợp lý tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn chú trọng kiểm soát rủi ro tín dụng, ngăn ngừa nguy cơ lạm phát quay trở lại.

Vì vậy, việc kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là ưu tiên số một trong hoạch định và thực thi chính sách của Trung Quốc. Có thể thấy, vai trò của việc phối hợp CSTK và CSTT trong điều tiết vĩ mô ngày càng được nâng cao, thể hiện qua sự thay đổi tư duy của Chính phủ Trung Quốc những năm gần đây.

Năm 2014, Trung Quốc tiếp tục thực hiện CSTK chủ động vượt qua khó khăn và CSTT thận trọng để kiềm chế lạm phát và đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định. Dự kiến, mức thâm hụt ngân sách của Trung Quốc trong năm nay là 1,35 nghìn tỷNDT (tương đương 220 tỷUSD), tăng 150 tỷNDT so với năm 2013. Dự kiến, nguồn cung ứng tiền tệ mở rộng (M2) của Trung Quốc trong năm 2014 đạt mức tăng trưởng khoảng 13%, gần tương đương với M2 của năm 2013 (13,6%). Trong khi đó, mục tiêu cuối cùng của CSTT thận trọng là duy trì ổn định giá cả. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2014 lần lượt là 7,5% và 3,5%. Đáng chú ý, cả hai mục tiêu này là không thay đổi so với năm ngoái.

Nhật Bản

Sự phối hợp chặt chẽ CSTK và CSTT là yếu tố quan trọng để khôi phục sự ổn định của kinh tế Nhật Bản sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế và tài chính có chiều hướng tiêu cực sau khủng hoảng, tháng 01/2009, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thông qua “CSTK trung và dài hạn - tổng quan về kinh tế và tài khóa trong vòng 10 năm tới”, nhằm mục tiêu tiếp tục hồi phục kinh tế và củng cố vị thế của nước này.

Theo đó, về ngắn hạn, ưu tiên chính sách kinh tế đầu tiên của Chính phủ Nhật Bản là tập trung vào mục tiêu khôi phục kinh tế trong vòng 3 năm, kể từ năm 2009. Các giải pháp để đạt mục tiêu trên thông qua việc thực hiện các gói kích thích kinh tế, nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do khủng hoảng tài chính thông qua 3 gói kích thích kinh tế trị giá 75.000 tỷYên, bao gồm việc giảm thuế, cấp một khoản tiền trợ cấp nhất định cho một số đối tượng, trợ cấp nhà ở và chi tiêu cho người thất nghiệp, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, chương trình hỗ trợ việc làm...

Về trung và dài hạn, CSTK hướng tới mục tiêu tập trung thu ngân sách. Trong bối cảnh thu thuế giảm mạnh do khủng hoảng và suy giảm kinh tế, mục tiêu tập trung thu ngân sách được đặc biệt chú trọng, để đạt được mức thặng dư ngân sách cơ bản vào năm 2011. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản cũng chú trọng cân đối giữa hai mục tiêu, đảm bảo phục hồi kinh tế trong ngắn hạn song không trì hoãn mà sẽ thực hiện CSTK thắt chặt đúng thời điểm nhằm duy trì kỷluật tài chính và đạt mức thặng dư ngân sách cơ bản.

Ngoài tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, nền kinh tế Nhật Bản còn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi động đất và sóng thần hồi tháng 03/2011. Do đó, cùng với CSTK mở rộng, CSTT tiếp tục được nới lỏng nhằm hỗ trợ cho các hoạt động tái thiết nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục giữ mức lãi suất thấp từ 0 - 0,1%, đồng thời tiếp tục cung cấp thanh khoản cho thị trường bằng các đợt “bơm” tiền liên tục sau thảm họa kép. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện đồng thời CSTK và CSTK mở rộng để vực dậy nền kinh tế.

Ngoài ra, BOJ có nghĩa vụ luôn phải duy trì liên lạc chặt chẽ và trao đổi với chính phủ về CSTT, đảm bảo tương thích với những lập trường cơ bản của chính sách kinh tế của chính phủ, Luật Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quy định BOJ sẽ “luôn luôn duy trì liên lạc chặt chẽ và trao đổi đầy đủ với chính phủ” tại (Điều 4) của Luật Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Nhật Bản đẩy nặng vai trò của BOJ trong việc thực thi các chính sách tiền tệ. Nghĩa vụ cung cấp thông tin sẽ giúp minh bạch hóa thông tin về các quyết định và qúa trình ra quyết định liên quan đến CSTT của ngân hàng trung ương cũng như tăng cường hiệu quả của các CSTT.

Với cam kết thúc đẩy phục hồi tài chính trong năm 2014, Chính phủ Nhật Bản sẽ hạn chế phát hành trái phiếu chính phủ mới ở mức 41.250 tỷYen, giảm 1.600 tỷYen so với tài khóa 2013, do doanh thu thuế ước tính sẽ đạt 50.000 tỷYen trong năm nay.

Năm tài khóa 2014 đánh dấu lần đầu tiên chi tiêu cho an sinh xã hội của Nhật Bản vượt mức 30.000 tỷYen, do dân số già khiến lương hưu và chi phí y tế tăng mạnh. Chi phí quốc phòng cũng sẽ tăng năm thứ 2 liên tiếp, lên tới gần 5.000 tỷYen trong bối cảnh nước này đẩy mạnh hoạt động giám sát các vùng biển do tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng gia tăng. Ngoài ra, 5.970 tỷYen sẽ phân bổ cho chi tiêu vào các dự án công; 5.440 tỷYen cho chi tiêu về giáo dục, thúc đẩy khoa học, kỹ thuật...

Ngân sách tài khóa 2014 của Nhật Bản bao gồm các biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực tiềm tàng của việc tăng thuế suất đột ngột đối với quá trình phục hồi kinh tế, ví dụ như triển khai các dự án công ích có tác động tích cực đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, các đảng đối lập đã phản đối điều hành CSTK của Thủ tướng Abe và cho rằng Thủ tướng Abe đã không thành công trong việc hạn chế lãng phí ngân sách và làm trầm trọng thêm tình trạng tài chính vốn không ổn định của Nhật Bản.

Một số hàm ý cho Việt Nam

Năm 2014 nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2014 - 2015 là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Từ kinh nghiệm các nước trên, bài viết đưa ra một số đề xuất để đạt được hiệu quả phối hợp CSTK và CSTT của Việt Nam trong giai đoạn 2014 – 2015, cụ thể là:

Thứ nhất, trong mỗi giai đoạn, việc xác định trọng tâm phối hợp hai chính sách này là điều hết sức cần thiết, cần phải được xem xét trong tương quan với các mục tiêu phát triển kinh tế trong trung và dài hạn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các chính sách cần hướng tới ưu tiên kiểm soát lạm phát, sau đó mới là tín dụng và lãi suất. Muốn làm được điều đó, NHNN cần thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tín dụng tăng trưởng an toàn, hiệu quả theo nhu cầu của nền kinh tế.

Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ: Kinh nghiệm một số nước châu Á - Ảnh 1

Thứ hai, xác định “liều lượng” phối hợp giữa CSTK và CSTT ở mức hợp lý. Để làm được điều đó, các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu trên cả 2 giác độ định lượng và định tính để phát huy tối đa hiệu quả của chính sách trong nền kinh tế. Trong quá trình điều hành chính sách, các cơ quan chức năng cần tính đến độ trễ của chính sách để khi ban hành mức độ tác động đến đời sống xã hội ở mức hợp lý và có những giải pháp dự phòng. Tránh hiệu ứng chính sách tác động “quá liều” nhằm đạt mục tiêu ngắn hạn nhưng sẽ có tác động tiêu cực trong tương lai.

Thứ ba, CSTK và CSTT phải được sử dụng đồng thời trong sự kết hợp với các chính sách khác, đặc biệt là các biện pháp giám sát vĩ mô thận trọng nhằm quản lý dòng vốn, tạo sự ổn định tài chính. Sự kết hợp phong phú hơn của các công cụ chính sách sẽ đem lại ổn định kinh tế, tài chính bền vững hơn là các chính sách đơn phương. Tuy nhiên, cần xác định thời điểm phối hợp, can thiệp chính sách. Mỗi chính sách mỗi giải pháp được đưa ra đều có độ trễ nhất định mới phát huy tác dụng, vậy khi nào cần can thiệp thị trường, khi nào cần thoái lui cũng là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.

Thứ tư, lựa chọn các phương pháp can thiệp chính sách phù hợp. Đối với các công cụ hành chính, cần phải có sự đánh giá và xem xét mức độ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Cần có một lộ trình phối hợp nhằm tránh tạo ra những tác động “đột ngột” đến nền kinh tế. Vì vậy, cũng sẽ tác động đến sự thành công của phối hợp chính sách.

Thứ năm, tăng cường sự trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng chính sách, đặc biệt là sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và NHNN.

Tóm lại, thể chế kinh tế và chính trị của Việt Nam hiện tại là cơ sở tốt cho việc phối hợp CSTK và CSTT. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã diễn ra sự lệch pha và hi sinh lẫn nhau giữa các biến số vĩ mô, đặc biệt là giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Điều này cho thấy hiệu quả phối hợp CSTK - tiền tệ ở nước ta chưa cao. Kinh nghiệm của Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy, các chỉ tiêu vĩ mô cần phải cùng đạt được ở mức hài hòa và hợp lý; cần nâng cao tính khoa học và khả thi trong việc hoạch định chỉ tiêu để tránh sự đánh đổi giữa các chỉ tiêu đặt ra và sự bất định trong từng chỉ tiêu vĩ mô hàng năm.

Tài liệu tham khảo:

1. Hasan & Isgut (2009),“Effective coordination of monetary and fiscal policies: conceptual Issues and Experiences of selected Asia-Pacific countries”, UN Economic and Social Commission for Asia and the Pacific, July 2009;

2. Mohan, R., (2008),“The role of fiscal and monetary policies in sustaining growth with stability in India”, IDEAS Working paper No. 1778.

Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ: Kinh nghiệm một số nước châu Á

ĐỖ THỊ MAI HOÀNG HÀ - Đại học Tài chính – Marketing

(Tài chính) Sự khác nhau về thể chế và đặc điểm kinh tế của mỗi quốc gia đã dẫn tới sự điều hành cũng như những thách thức đặt ra trong việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng khác nhau. Kinh nghiệm từ một số nước châu Á là những bài học cho các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tham khảo trong việc nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Xem thêm

Video nổi bật