Bài học từ quá khứ
Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2008 trở lại đây, sự phối kết hợp giữa CSTK và CSTT là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. Theo đó, CSTT đã được điều hành thận trọng, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trong từng giai đoạn.
Cụ thể như, từ ưu tiên kiềm chế lạm phát cao năm 2008 sang tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009, khôi phục đà tăng trưởng năm 2010 và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2011 và năm 2012.
Song song với đó, CSTK được hoàn thiện theo hướng bảo đảm thống nhất, minh bạch và công bằng; chính sách thuế được điều chỉnh theo hướng giảm dần và ổn định thuế suất, mở rộng đối tượng thu, điều tiết hợp lý thu nhập, nuôi dưỡng nguồn thu; vốn đầu tư từ ngân sách được tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn và phát triển các lĩnh vực xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Nhờ đó, mặc dù bị tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tăng trưởng kinh tế nước ta giai đoạn từ năm 2008 đến 2012 vẫn đạt mức khá cao với bình quân đạt gần 7%/năm; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên.
Tuy vậy, hiệu quả phối hợp trong thực thi hai chính sách này vẫn còn hạn chế, đôi khi thiếu đồng bộ và nhịp nhàng, làm ảnh hướng đến kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Chính phủ cũng đã khẳng định: “Việc phối hợp CSTK với CSTT, giải quyết mối quan hệ giữa ổn định kinh tê vĩ mô và tăng trưởng có lúc chưa thật phù hợp”. Cụ thể:
Thứ nhất, CSTT và CSTK đều được điều hành nhất quán theo hướng mở rộng để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế và thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, liều lượng sử dụng hai chính sách chưa phù hợp và sự phối hợp giữa hai chính sách cũng chưa nhịp nhàng, hiệu quả.
Để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, CSTT đã được nới lỏng cùng với CSTK mở rộng trong năm 2009, 2010. Sự nới lỏng và mở rộng của hai chính sách đã giúp Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng 5,3% trong năm 2009 và kiềm chế lạm phát ở mức 6,8%, thấp hơn nhiều so với 2 năm trước.
Bước sang năm 2010, trong khi CSTT đã giảm dần mức độ nới lỏng thì CSTK lại mở rộng quá mức, nhất là trong đầu tư công để đạt được mức độ tăng trưởng cao hơn năm 2009. Kết quả là mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt mức 6,78% nhưng lạm phát năm 2010 lại tăng tới 11,75%, cao gấp gần 2 lần với năm 2009 và là một trong số ít nước trên thê giới có mức lạm phát 2 con số. Điều tương tự cũng diễn ra trong năm 2010, ảnh hưởng tới lạm phát năm 2011.
Để kiềm chế lạm phát, năm 2008 và năm 2011, CSTT được điều chỉnh quyết liệt, mạnh mẽ trong theo hướng thắt chặt. CSTK cũng được điều chỉnh theo hướng thắt chặt, tuy nhiên mức độ điều chỉnh chưa tương xứng và chưa thực sự quyết liệt để tác động trực tiếp đến tổng cung, tổng cầu và hỗ trợ CSTT. CSTT thắt chặt đã làm cho đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh khi mặt bằng lãi suất cho vay vượt quá khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp và khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp.
Thứ hai, nhiều thời điểm lãi suất trái phiếu Chính phủ vận hành trái chiều với các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu điều hành CSTT quốc gia. Vấn đề tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng cũng như vấn đề quản lý nguồn ngoại tệ quốc gia cũng còn những bất cập và chưa thống nhất giữa NHNN và Bộ Tài chính, gây những khó khăn nhất định cho cả 2 cơ quan trong điều hành và phối hợp giữa chính sách tài khoá và CSTT.
Thứ ba, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng cơ chế trao đổi thông tin trong điều hành CSTT và CSTK giữa NHNN và Bộ Tài chính vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp chính sách giữa 2 cơ quan.
Hướng đến tương lai
Trong giai đoạn 2011-2020, một trong các giải pháp được đặt ra là: Thực hiện hệ thống cơ chế và chính sách phù hợp, đặc biệt là cơ chế, chính sách tài chính, tiền tệ nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởmg, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế.
Trong đó, chính sách tài chính quốc gia phải động viên hợp lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả mọi nguôn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; phân phối lợi ích công bằng, phấn đấu giảm dần bội chi ngân sách…; CSTT phải chủ động và linh hoạt thúc đẩy tăng trưởng bền vững, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền…
Như vậy, có thể thấy rằng, việc xây dựng, phối hợp thực thi CSTK và CSTT có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Tài chính và NHNN cần hết sức chú trọng khắc phục hạn chế và nâng cao hiệu quả phối hợp hoạch định và điều hành, thực thi các nội dung cụ thể sau:
Một là, thiết lập cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin thường xuyên, đáng tin cậy giữa các đơn vị chức năng của hai cơ quan để kịp thời năm bắt đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết phục vụ quá trình dự báo và hoạch định CSTK, CSTT trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Trong đó:
- NHNN cần cung cấp thường xuyên, đầy đủ, kịp thời cho Bộ Tài chính các thông tin liên quan trực tiếp đến quá trình theo dõi, nắm bắt và hoạch định, điều hành CSTK, như: Kế hoạch và diễn biến tăng trưởng, tăng phương tiện thanh toán, huy động vốn, dư nợ tín dụng, lượng tiền cung ứng, dự trữ bắt buộc, dự trữ ngoại hối nhà nước, cán cân thanh toán quốc tế; Diễn biến của thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối gồm các mức lãi suất điều hành của NHNN, lãi suất huy động và cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, khối lượng giao dịch nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, dư nợ tái cấp vốn, khối lượng giao dịch và diễn biến tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng; tình hình vốn khả dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng...
- Bộ Tài chính cần cung cấp thường xuyên, đầy đủ, kịp thời cho NHNN các thông tin liên quan trực tiếp đến quá trình hoạch định, điều hành CSTT, nhất là điều hành lượng tiền cung ứng, lãi suất như: Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm, kế hoạch điều hành thu, chi NSNN hàng quý (bao gồm cả kế hoạch huy động trái phiếu Chính phủ); Tình hình thực hiện thu, chi NSNN và kế hoạch huy động vốn để bù đắp thâm hụt NSNN; Kế hoạch bán ngoại tệ cho NHNN; Tồn quỹ tiền mặt tại hệ thống Kho bạc Nhà nước; Tình hình vay, trả nợ công nước ngoài; Kết quả phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và tình hình giao dịch của thị trường…
Hai là, thiết lập cơ chế tham vấn, đóng góp và tham gia ý kiến trực tiếp giữa các đơn vị chức năng của hai cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi CSTK và CSTT.
- Bộ Tài chính và NHNN cần thiết lập một cơ chế tham vấn, đóng góp và tham gia ý kiến trực tiếp, toàn diện giữa các đơn vị chức năng trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi các cơ chế chính sách có liên quan giữa hai cơ quan như: xây dựng chiến lược, mục tiêu, định hướng, giải pháp điều hành CSTK, CSTT trong từng giai đoạn và hàng quý, hàng năm; quản lý ngân quỹ của Chính phủ, quản lý nợ quốc gia và vốn ODA; Phát triển và thanh tra, giám sát thị trường tài chính; Quản lý thuế, hải quan...
- Đối với quá trình xây dựng chiến lược, mục tiêu, định hướng, giải pháp điều hành CSTK, CSTT: Hai cơ quan cần chủ động chia sẻ, thảo luận, tham gia ý kiến ngay trong quá trình xây dựng định hướng chiến lược, kế hoạch, mục tiêu và giải pháp điều hành CSTK và CSTT trong dài hạn. Điều này giúp đảm bảo sự nhất quán, thống nhất và phù hợp với mục tiêu, chiến lược, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và hướng tới tăng trưởng ổn định, bền vững. Hàng năm, hai cơ quan cần trao đổi và thống nhất quan điểm, mục tiêu, định hướng đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cơ bản cho năm kế hoạch tiếp theo để trình Chính phủ quyết định, bao gồm: tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ tiêu lạm phát, tăng trưởng tín dụng, đầu tư công, bội chi NSNN và dự kiến kế hoạch điều hành CSTK và CSTT. Sau đó, chủ động thống nhất giải pháp điều hành, thực thi CSTK và CSTT hàng năm, hàng quý, hàng tháng, tránh tình trạng xung đột và triệt tiêu lẫn nhau giữa hai chính sách.
- Trong lĩnh vực quản lý ngân quỹ của Chính phủ, quản lý nợ quốc gia và vốn ODA: Hai cơ quan cần phối hợp khuyến khích thu thuế qua hệ thống ngân hàng, thanh toán lương và các khoản chi NSNN qua tài khoản; xây dựng và triển khai kế hoạch hiện đại hóa và kết nối hệ thống thanh toán của Kho bạc Nhà nước với các hệ thống thanh toán qua ngân hàng; phối hợp xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược quản lý nợ quốc gia, Chiến lược quản lý nợ công; Phối hợp cân đối, đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế của Chính phủ, của nền kinh tế và tập trung ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước; Chủ động trao đổi và thống nhất quan điểm đối với các khoản vay các tổ chức tài chính quốc tế của Chính phủ.
- Đối với phát triển và thanh tra, giám sát thị trường tài chính: Hai cơ quan cần chủ động phối hợp xây dựng và ban hành các chính sách, biện pháp phát triển thị trường tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu, bảo hiểm trong từng thời kỳ, đặc biệt là các biện pháp và chính sách có tác động lẫn nhau trong việc phát triển các thị trường. Chủ động phối hợp trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức dụng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ, các ngân hàng chính sách và các định chế tài chính khác.
Ba là, CSTT và CSTK cần phối hợp để góp phần thực hiện cùng một lúc hai mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra về lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để ngăn chặn kịp thời tình trạng số lượng doanh nghiệp phá sản ngày càng tăng. Để thực hiện cùng một lúc các mục tiêu nêu trên trong bối cảnh nguy cơ lạm phát cao vẫn còn tiềm ẩn là nhiệm vụ khó khăn trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ và các cấp, các ngành trong năm 2013, cũng như trong CSTK và CSTT. Muốn vậy, CSTK và CSTT cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để vừa duy trì mức độ “thắt chặt” hợp lý nhằm kiểm soát lạm phát, vừa phải có bước “nới lỏng” thận trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để phối hợp nhịp nhàng và hỗ trợ tích cực cho CSTT, CSTK cũng cần tiếp tục duy trì mức độ “thắt chặt” hợp lý để kiềm chế hiệu quả lạm phát thông qua các giải pháp: (1) Kiểm soát chặt chẽ mức bội chi ngân sách để hỗ trợ CSTT kiểm soát chặt chẽ lượng tiền cung ứng và hạn chế áp lực phát hành trái phiếu chính phủ bù đắp thâm hụt ngân sách, góp phần giảm áp lực tăng lãi suất của hệ thống ngân hàng; (2) Điều hành chính sách giá, lãi suất trái phiếu chính phủ phù hợp với mục tiêu, giải pháp điều hành CSTT và diễn biến vĩ mô, diễn biến lạm phát để góp phần làm giảm kỳ vọng lạm phát; (3) Kiểm soát chặt chẽ quá trình tiết giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; (4) Kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng đầu tư công, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, tín dụng chính sách và triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.
Bốn là, trong dài hạn CSTT cần kiên trì theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát, CSTK phải sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.
- CSTT cần kiên trì theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát không chỉ khi lạm phát tăng cao mà ngay cả khi lạm phát ổn định đang ở mức thấp nhằm góp phần tạo lập niềm tin của thị trường vào các cam kết ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, phải duy trì hoạt động giám sát chặt chẽ việc mua, bán ngoại tệ để tránh tình trạng đầu cơ ngoại tệ, những cơn “sốt giá ảo” khiến cho tỷ giá gia tăng đột biến gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu và làm gia tăng dư nợ nước ngoài của NSNN.
- CSTK phải nỗ lực sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững, xác lập cơ sở kinh tế cho việc thực thi CSTT có hiệu quả. Thu, chi ngân sách và tín dụng nhà nước phải gắn chặt với nguyên tắc giữ ổn định tiền tệ.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 3 - 2013
Phối hợp điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ: Kinh nghiệm quá khứ, bài học cho tương lai
(Tài chính) Chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) tuy có những chức năng riêng nhưng lại có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế chung của mỗi quốc gia. Với một nước đang phát triển như Việt Nam thì mối quan hệ giữa hai chính sách này trong điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô càng trở nên quan trọng.
Xem thêm