Phòng vệ thương mại chống hàng nhập khẩu gây hại
Các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu hiểu biết về quyền được sử dụng các biện pháp phòng vệ, thiếu sự gắn kết và cả nguồn lực vật chất.
Thiếu hiểu biết, thiếu liên kết
Ông có thể cho biết rõ hơn về các công cụ phòng vệ thương mại?Luật sư Matthew McConkey
Trong đó, biện pháp chống bán phá giá đối phó với hành vi bán sản phẩm giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường, tiến tới loại bỏ dần đối thủ cạnh tranh. Biện pháp chống trợ cấp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước, xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu. Còn biện pháp tự vệ là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp, nhằm hạn chế những tác động gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu.
Theo ông, khả năng phòng vệ thương mại của các ngành sản xuất ở Việt Nam đối với trường hợp hàng nhập khẩu gây thiệt hại như thế nào?
+ Lượng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam các năm qua đều tăng, một số sản phẩm có dấu hiệu tăng nhập mạnh và đang ảnh hưởng lớn đến các sản phẩm sản xuất trong nước như thép, dầu ăn...
Cụ thể so với năm 2011, lượng thép cán nóng cuộn Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản trong năm 2012 tăng 179%, thép tấm cán nóng tăng gần 200%, thép cuộn xây dựng tăng 557%. Lượng dầu đậu nành tinh chế nhập khẩu tăng gấp đôi, từ gần 300.000 tấn năm 2011 đến hơn 600.000 tấn năm 2012. Nguy cơ nhiều mặt hàng nội địa sẽ bị hàng nhập khẩu cạnh tranh rất lớn.
Tuy nhiên, hiểu biết của các hiệp hội, DN Việt Nam về quyền được sử dụng các biện pháp phòng vệ cũng như các thủ tục, phương pháp, kỹ năng cần thiết để sử dụng các biện pháp này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, nếu phải đi kiện, các DN nội lại thiếu gắn kết và cả nguồn lực vật chất. Theo một khảo sát gần đây thì Thái Lan, Indonesia, Malaysia là các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tích cực nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Thận trọng khi áp dụng
Vậy những cái được và không được khi DN Việt Nam tiến hành một vụ kiện phòng vệ thương mại là gì?
+ Cái được khi Việt Nam tiến hành một vụ kiện phòng vệ thương mại là tác động gây bất lợi đến lượng nhập khẩu sản phẩm. Nếu thắng kiện thì hàng nhập khẩu phải chịu mức thuế cao hơn, giá bán phải tăng và tất nhiên sẽ kém cạnh tranh hơn hàng nội địa. Cái được nữa là làm thay đổi thái độ của người tiêu dùng. Khi giá hàng nhập khẩu buộc bán giá cao hơn thì người tiêu dùng sẽ quay sang mua sản phẩm tương tự trong nước, từ đó hình thành thái độ tích cực đối với sản phẩm trong nước.
Tuy nhiên, có những điều cần xem xét khi tiến hành các biện pháp phòng vệ thương mại về phương diện chính trị. Thứ hai, phải xem xét về mức độ, thời gian ảnh hưởng của các ngành sản xuất trong nước. Thứ ba, cần xem xét ảnh hưởng của người tiêu dùng trong nước. Việc áp dụng các biện pháp không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế, xã hội trong nước.
Vì thế các DN cần thận trọng trong việc tìm hiểu, thu thập dữ liệu chứng minh thiệt hại kinh tế đối với mình. Đây là bước quan trọng và chủ yếu tác động đến thành công của một vụ kiện phòng vệ thương mại. Các DN, hiệp hội ngành hàng không phải cứ thấy hàng nhập khẩu là có ý định “đánh”.
Cần lưu ý rằng khi áp dụng các biện pháp phòng vệ, Chính phủ Việt Nam sẽ phải đền bù cho các đối tác thương mại bị ảnh hưởng. Bảo vệ một ngành này thì các ngành khác có thể bị ảnh hưởng, vì vậy Chính phủ bao giờ cũng sẽ thận trọng khi đưa ra quyết định.
Quyết định áp thuế nhập khẩu tạm thời 5% đối với dầu nành và dầu cọ nhập khẩu mới đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng biện pháp tự vệ. Ông có thể nói rõ hơn về mặt lợi, hại khi dùng biện pháp này?
+ Biện pháp tự vệ có thể được áp dụng kể cả khi đối tác thương mại kinh doanh chính đáng, không có tình trạng bán phá giá hoặc trợ cấp. Chính vì vậy, biện pháp này được áp dụng khắt khe hơn so với hai biện pháp còn lại.
Điều kiện để áp dụng biện pháp chống phá giá và chống trợ cấp chỉ dừng lại ở mức cơ quan điều tra phải chứng minh có tình trạng bán phá giá hay trợ cấp; việc bán phá giá hoặc trợ cấp đó gây thiệt hại “đáng kể” cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước. Ngược lại, trong các cuộc điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ, cơ quan điều tra phải chứng minh được tình trạng thiệt hại nghiêm trọng mà ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước phải hứng chịu do việc gia tăng bất thường của luồng hàng hóa nhập khẩu. Các nước được phép áp dụng nó để bảo vệ sản xuất nước mình nhưng phải trả giá cho những thiệt hại mà biện pháp này gây ra đối với các nhà sản xuất nước ngoài (như một hình thức cân bằng trong cam kết thương mại với nước khác).
Cụ thể, các nước áp dụng biện pháp tự vệ phải bồi thường thương mại cho các nước có hàng hóa bị áp dụng biện pháp tự vệ với những điều kiện nhất định. Nếu nước này không tuân thủ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước liên quan được áp dụng biện pháp trả đũa. Việt Nam cần thận trọng khi sử dụng biện pháp tự vệ, còn biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp cần được khuyến khích DN chủ động tiến hành vụ kiện nếu có đủ thông tin, bằng chứng.