“Phủ sóng” hàng Việt ở nông thôn

Trang Trần

(Tài chính) Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, việc khẳng định thương hiệu Việt trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thực hiện cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt, đặc biệt là đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng nông thôn là bước đi tiên quyết cho công cuộc này.

Các DN cần có chiến lược kinh doanh dài hạn để chiếm lĩnh thị trường nông thôn. Nguồn: internet
Các DN cần có chiến lược kinh doanh dài hạn để chiếm lĩnh thị trường nông thôn. Nguồn: internet

“Mảnh đất” màu mỡ…

Việt Nam hiện nay với hơn 90 triệu dân trong đó có đến hơn 68% dân số tập trung ở khu vực nông thôn. Cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống người dân ở nông thôn ngày càng được nâng cao. Theo nghiên cứu của Nielsen hồi tháng 5/2014, người tiêu dùng tại nông thôn Việt Nam thu nhập trung bình tăng đến 44%. Nhờ vậy mà nhu cầu tiêu dùng tăng cao và dần thay đổi theo hướng tiện ích, hiện đại, người dân không chỉ quan tâm giá cả, hình thức mà còn chú ý đến xuất sứ, chất lượng sản phẩm và hưởng ứng phong trào dùng hàng Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã được tổ chức ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Thực tế cho thấy, những chương trình này đã tạo sức hấp dẫn, sự hào hứng cũng như sức mua dồi dào của người tiêu dùng nông thôn. Bên cạnh đó, sau mỗi chương trình, hầu hết các doanh nghiệp (DN) tham gia đều đã từng bước gây dựng được hệ thống phân phối, đảm bảo duy trì nguồn hàng và có chỗ đứng nhất định tại phân khúc thị trường này.

Có thể nói, thị trường nông thôn với lượng người tiêu dùng dồi dào và sức tiêu thụ chưa được khai thác là thị trường tiềm năng, được đánh giá như mảnh đất sống và phát triển màu mỡ của DN Việt. Đây cũng chính là nhân tố tạo ra lợi thế so sánh giúp hàng Việt cũng như các DN Việt Nam đứng vững trước xu hướng hội nhập quốc tế nếu được khai thác một cách hiệu quả, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng.

… để hàng Việt “bám rễ”

Các DN cần có chiến lược kinh doanh dài hạn để chiếm lĩnh mảng thị trường nông thôn bằng việc tối ưu hóa sản phẩm cũng như hệ thống phân phối. Theo đó, DN Việt cần mở rộng các hình thức phân phối đặc biệt là lấy mạng lưới chợ bán lẻ làm hạt nhân, tạo cơ sở hình thành các chuỗi cửa hàng. Cùng với đó là tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ nhằm đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, những chủ trương, chính sách khuyến khích của Nhà nước nói chung và chính quyền các địa phương nói riêng là yếu tố không thể thiếu để hàng Việt có thể “bám rễ” ở nông thôn. Mỗi địa phương cần chủ động có những biện pháp hỗ trợ các DN trong công cuộc đưa hàng Việt về địa phương mình như kết nối cung – cầu hàng hóa, chia sẻ thị hiếu người tiêu dùng trên địa bàn; hỗ trợ về địa điểm đại lý, cửa hàng cho DN; kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Đồng thời, các DN cần phối hợp với chính quyền từng địa phương trong công tác tuyên truyền về chất lượng và sự tin dùng của hàng Việt Nam cũng như khơi gợi lòng yêu nước qua việc sử dụng hàng Việt. DN cần chủ động đầu tư cho quảng bá, truyền thông để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm của mình cũng như làm tốt khâu chăm sóc khách hàng trước và sau bán hàng… Đặc biệt, với 28% người tiêu dùng nông thôn ở độ tuổi 18-24 hiện đang sở hữu điện thoại thông minh (thống kê của Nielsen tháng 5/2014) thì bán hàng trực tuyến cũng là một phương thức để DN khai thác.