Phục hồi đất ngập nước để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu

PV.

Trên toàn cầu, đất ngập nước đang bị suy thoái. Bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước là các biện pháp cần thiết để giảm thiểu biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước là các biện pháp cần thiết để giảm thiểu biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Ảnh: internet
Bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước là các biện pháp cần thiết để giảm thiểu biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Ảnh: internet

Theo Tài liệu tập huấn về quản lý và bảo tồn đất ngập nước của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đất ngập nước là các hệ sinh thái giàu có, có tiềm năng lưu trữ cacbon cao nhưng đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Trên phạm vi toàn cầu, diện tích của đất ngập nước ước tính đã giảm từ 64% đến 71% trong Thế kỷ 20. Trong đó, đất ngập nước nội địa đã giảm nhiều hơn, nhanh hơn (mất trung bình 61%) so với vùng đất ngập nước ven biển (mất 46%). Đất ngập nước đã bị suy giảm trong tất cả các khu vực: 12% ở Châu Đại Dương và 59% ở Châu Mỹ Latinh, và dữ liệu gần đây cho thấy khoảng 35% đất ngập nước nội địa và biển/ven biển đã bị mất từ năm 1970 đến 2015.

Tỷ lệ tổn thất ngày càng tăng, trong thế kỷ vừa qua ước tính lớn hơn 3,7 lần so với các thế kỷ trước tác động đến hệ sinh thái bao gồm: giảm tỷ lệ hấp thụ cacbon, giảm chức năng bảo vệ vùng ven biển, tăng lũ lụt, thay đổi khả năng cung cấp nước và làm mất môi trường sống của các thủy sinh vật và cá.

Đất ngập nước dù chỉ chiếm từ 5% đến 8% tổng diện tích mặt đất, nhưng chứa tới hơn 35% lượng cacbon hữu cơ lưu trữ trong đất, ước tính khoảng 1.500 tỷ tấn. Thực vật trong các hệ sinh thái đất ngập nước hấp thụ cacbon thông qua quá trình quang hợp, tạo sinh khối thực vật và cũng có thể tích lũy trong đất dưới dạng chất hữu cơ.

Đất ngập nước cũng giải phóng cacbon vào khí quyển ở dạng khí nhà kính cacbon điôxit (CO2) và metan (CH4). Sự cân bằng giữa cacbon được hấp thụ và cacbon giải phóng ra môi trường thay đổi tùy theo loại hình đất ngập nước và quy định khả năng hoạt động như một bể chứa cacbon.

Hiện nay, khí hậu Trái đất đang thay đổi với tốc độ chưa từng thấy. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là rất lớn và thay đổi theo những khu vực khác nhau theo tác động của nước biển dâng và các dạng thiên tai ngày càng gia tăng.

Trên phạm vi toàn cầu, những rủi ro liên quan đến thiên tai khí hậu đang ngày càng gia tăng, trong đó ước tính khoảng 90% các thảm họa liên quan đến nước. Vì vậy, cần thiết phải có các chiến lược để ứng phó hiệu quả hơn với thiên tai khí hậu. Bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước là các biện pháp cần thiết để giảm thiểu biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Các vùng đất ngập nước, đặc biệt là vùng đất than bùn và vùng ven biển (đầm lầy, đồng muối, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển) lưu trữ một lượng lớn cacbon, cả trong sinh khối thực vật và đặc biệt là trong đất. Sự cạn kiệt nguồn nước hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng vùng đất ngập nước không chỉ làm giảm khả năng hấp thụ và lưu trữ cacbon mà còn có thể làm cho một lượng lớn cacbon đã được tích lũy trước đó bị mất/chuyển từ đất vào khí quyển (như CO2).

Các vùng đất ngập nước cũng làm tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng đối với thiệt hại do bão lụt và các hiện tượng cực đoan gây ra. Nhiều loại đất ngập nước, như rừng ngập mặn, bãi cạn, than bùn ven biển... là những vùng đệm tự nhiên chống lại các tác động của thời tiết, sạt lở và suy thoái ở nhiều khu vực có liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng các tác động của biến đổi khí hậu.

Do đó, việc phục hồi các vùng đất ngập nước là điều cần thiết để bảo vệ cacbon được lưu trữ và giảm lượng khí thải cacbon có thể tránh được. Về tổng thể, các hệ sinh thái rừng ngập mặn lưu trữ một lượng cacbon nhiều hơn lượng cacbon chứa trong các hệ sinh thái rừng trên toàn thế giới.

Khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt tăng về tần xuất, việc bảo vệ và phục hồi đất ngập nước sẽ làm tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho cộng đồng bằng cách giảm nhẹ các tác động của các cơn bão ven biển, giảm thiệt hại do sóng và lũ lụt, giảm sạt lở bờ biển, cung cấp nước và ổn định vi khí hậu cho địa phương. Như vậy, vùng đất ngập nước là một phần quan trọng của các hoạt động thích ứng dựa trên hệ sinh thái được thiết kế để tăng, cường khả năng phục hồi cộng đồng và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Bên cạnh đó, đất ngập nước đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ nước cho cảnh quan, duy trì chu kỳ nước, khí hậu địa phương và giảm cực đoan nhiệt độ. Đất ngập nước lưu trữ nước mưa và dần dần thả ra môi trường xung quanh, có thể hỗ trợ việc nạp nước cho các tầng chứa nước ngầm và duy trì chu kỳ nước trong khí quyển. Bay hơi và sự thoát hơi nước từ thảm thực vật có tác dụng làm mát cục bộ. Sự thoát nước trong vùng đất ngập nước làm giảm lưu trữ nước cục bộ và có thể dẫn đến làm tăng nhiệt độ cục bộ vào ban ngày.

Bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước ngoài lợi ích giảm nhẹ biến đổi khí hậu và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu còn đem lại các lợi ích khác về mặt sinh thái, văn hóa và kinh tế - xã hội như: cung cấp thực phẩm, năng lượng và nước sạch, hỗ trợ sinh kế và đa dạng sinh học... Xác định và định giá đầy đủ các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước cung cấp một cơ sở chắc chắn để bảo tồn và phục hồi chúng.

Bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu không những phản ánh một nguyên lý chính của Kế hoạch chiến lược Ramsar mà còn hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, cũng như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mục tiêu Aichi về đa dạng sinh học, cũng như các mục tiêu quan trong khác về chính sách trên toàn cầu.