QE3 mở cơ hội thu hút FDI từ Mỹ
Nhận định gói nới lỏng định lượng thứ ba (QE3) của Mỹ ít có tác động kích thích xuất khẩu của Việt Nam, song chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nhà tài chính người Mỹ gốc Việt lại cho rằng, QE3 có thể mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn FDI từ Mỹ.
Thưa ông, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tung ra gói QE3. Theo đó, mỗi tháng, FED sẽ bơm 40 tỷ USD vào thị trường để góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, làm tăng sức mua, phục hồi sản xuất… Theo ông, mục tiêu này liệu có đạt được không?
QE3 là gói chính sách tiền tệ mà FED đưa ra, tạo điều kiện cho vay với lãi suất thấp nhất để doanh nghiệp (DN) Mỹ phát triển, phục hồi kinh tế.
Từ năm 2000 đến nay, có khoảng 50.000 xí nghiệp đóng cửa do tác động của tự do hóa thuế quan, hàng hóa do Mỹ sản xuất không cạnh tranh được với hàng giá rẻ từ các nước, nhất là từ Trung Quốc. Vấn đề cốt lõi của cấu trúc thị trường Mỹ là chi phí, đặc biệt là chi phí lao động quá cao, khoảng 20 USD/giờø, trong khi tại Trung Quốc, Việt Nam… chỉ 6-8 USD/ngày. Chính vì vậy, dù Chính phủ Mỹ có bơm tiền với lãi suất thấp thì DN Mỹ cũng khó đầu tư sản xuất trong nội địa, mà sẽ mang tiền đi đầu tư ở những quốc gia có chi phí sản xuất rẻ hơn, như Trung Quốc, Việt Nam…
Hơn chục năm qua, các DN Mỹ hầu như không tạo được việc làm mới trong nước, mà hầu hết đều sản xuất ở các quốc gia có chi phí rẻ. Chính vì vậy, chỉ riêng chính sách tiền tệ như gói QE3 sẽ không giải quyết được bế tắc của nền kinh tế Mỹ, bởi cốt lõi của vấn đề là chi phí lao động ở Mỹ quá cao. Dù có bơm tiền, DN vẫn sẽ không đầu tư trong nước, không tạo ra việc làm, người dân không có thu nhập thì vẫn không thể kích thích sức mua, giúp phục hồi nền kinh tế Mỹ.
Nói như vậy, tác động tích cực của gói QE3 tới nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là về xuất khẩu, sẽ không mấy lạc quan như một số chuyên gia từng nhận định?
Gói QE3 không giải quyết được bế tắc nội tại của nền kinh tế Mỹ, vì vậy, người dân sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Do đó, xuất khẩu sang Mỹ vẫn sẽ gặp khó. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều do kim ngạch không lớn (trên 10 tỷ USD/năm). Để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, nước ta cần giảm các mặt hàng tiêu dùng, chuyển hướng sang các mặt hàng nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, cần tìm các đầu mối xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, thay vì xuất khẩu qua các trung gian ở Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore... như hiện nay.
Vậy theo ông, cơ hội lớn nhất của Việt Nam từ gói QE3 là gì?
Theo tôi, cơ hội lớn nhất mà gói QE3 là cơ hội thu hút đầu tư từ Mỹ. Như tôi đã nói, FED tung ra gói kích thích, nhưng DN Mỹ có thể sẽ không vay tiền để sản xuất nội địa, mà sẽ đưa luồng tiền này sang những nơi có chi phí rẻ hơn, quản lý thông thoáng, minh bạch nhất để sản xuất.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đã đủ thông thoáng, minh bạch… để thu hút luồng đầu tư này chưa? Theo tôi, Việt Nam có tiềm năng khá lớn trong thu hút vốn FDI từ Mỹ, song nếu quản lý chưa thông thoáng, minh bạch, trình độ tay nghề lao động chưa được nâng cao, tham nhũng chưa giảm bớt… thì cơ hội này sẽ trôi qua. Pháp luật của Mỹ rất nghiêm, giám đốc của một công ty Mỹ hối lộ quan chức địa phương sẽ bị bỏ tù.
Nhiều người cho rằng, gói QE3 được tung ra, kèm theo sự mất giá của đồng USD và nguy cơ tăng làm lạm phát là nguyên nhân khiến giá vàng thời gian qua tăng phi mã. Ông có đồng tình với ý kiến này?
Giá vàng thời gian qua tăng mạnh không hẳn chỉ là do tác động của gói QE3, mà là do nền kinh tế thế giới bất ổn, vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn. Còn tỷ giá bị ảnh hưởng là có, nhưng không lớn. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ Mỹ liên tục in thêm tiền, nhưng tỷ giá vẫn biến động không nhiều và lạm phát của Mỹ hầu như không tăng, do Chính phủ Mỹ quản lý rất tốt lưu lượng tiền cho nền kinh tế.
Còn trong nước, vấn đề tỷ giá phụ thuộc nhiều vào chính sách. Nếu nhập siêu vẫn ở mức trầm trọng và lãi suất cho vay vẫn ở mức trên 15%/năm, thì DN sẽ rất khó khăn, dẫn đến sự suy yếu của tiền đồng, khi đó vàng và tỷ giá sẽ tiếp tục diễn biến căng thẳng.