Quản lý tuân thủ nghĩa vụ thuế ở các nước thuộc khối OECD
Nếu coi sự tuân thủ thuế của doanh nghiệp (DN) là hành vi chấp hành nghĩa vụ thuế theo đúng mục đích của luật pháp một cách đầy đủ, tự nguyện và đúng thời gian, thì hành vi tuân thủ thuế của DN có thể được nhìn nhận một cách toàn diện theo mô hình các cấp độ tuân thủ thuế.
Các cấp độ tuân thủ của DN thể hiện mức độ chấp nhận hoặc từ chối nghĩa vụ thuế hay thái độ tuân thủ nghĩa vụ thuế của DN. Đây chính là các cấp độ bày tỏ mối quan hệ và thái độ của DN với cơ quan thuế, nghĩa là mức độ chấp nhận hay từ chối các quy định của luật thuế, các kế hoạch và công cụ quản lý thuế. Tuân thủ nghĩa vụ thuế của DN hiện nay được thể hiện dưới 4 mức độ:
(i) Mức độ cam kết: Ở mức độ này, đối tượng sẵn sàng tuân thủ, DN cảm thấy “thoải mái” với hoạt động quản lý thuế, hợp tác với cơ quan thuế theo các kế hoạch quản lý thuế và tuân thủ một cách tích cực, thậm chí có thể thay mặt cơ quan thuế khuyến khích đối tượng khác tuân thủ;
(ii) Mức độ chấp nhận: DN chấp nhận những yêu cầu quản lý thuế và tin tưởng vào cơ quan thuế. Ở mức độ này, DN cố gắng tuân thủ nhưng đôi khi không thành công;
(iii) Mức độ miễn cưỡng: Đây là cách tiếp cận chống đối, DN có xu hướng không muốn tuân thủ nhưng nếu cơ quan thuế quan tâm, sát sao thì DN sẽ tuân thủ mặc dù rất miễn cưỡng;
(iv) Mức độ từ chối: DN quyết định không tuân thủ, hoàn toàn tách ra khỏi sự quản lý của cơ quan thuế.
Thực tế cho thấy, các cơ quan thuế cần phải phân định, phân chia DN thành các nhóm theo các cấp độ tuân thủ, khi đó mới có biện pháp quản lý, thanh tra, kiểm tra thuế phù hợp và hiệu quả. Việc phân định, phân chia DN thành các nhóm theo các cấp độ tuân thủ sẽ giúp cơ quan thuế tối ưu hóa chi phí quản lý thuế nói chung, chi phí thanh tra, kiểm tra nói riêng cũng như phân bố các nguồn lực một cách hiệu quả, tránh lãng phí.
Cụ thể: Đối với những DN vui lòng hợp tác, nguyên tắc là cơ quan thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tuân thủ và lựa chọn chiến lược tự quản lý (tự điều chỉnh) để khuyến khích sự tuân thủ tự nguyện thông qua các chương trình cụ thể như giáo dục và cung cấp các dịch vụ, điều kiện thuận tiện nhất, tốt nhất để DN thực hiện nghĩa vụ thuế của mình; Nếu đối tượng mắc sai sót nhưng cam kết sửa sai, họ cần được sự hỗ trợ của cơ quan thuế. Với cấp độ này, cơ quan thuế sẽ theo sát để giúp đối tượng tuân thủ nghĩa vụ thuế. Đối tượng có trách nhiệm sửa chữa lỗi với sự trợ giúp của cơ quan thuế nhưng cơ quan thuế cũng có cơ chế để đảm bảo DN sẽ thực hiện việc sửa sai và có được những thông tin phản hồi để đảm bảo sự tuân thủ của DN thực sự tốt hơn.
Ở 2 cấp độ này, cơ quan thuế sẽ thực hiện việc quản lý cưỡng chế thông qua các mệnh lệnh và hoạt động kiểm soát gắt gao. Cấp độ “mềm mỏng” của quản lý mệnh lệnh đó là, cơ quan thuế sẽ ngăn chặn trốn thuế bằng hoạt động thanh tra và xem xét sử dụng hình phạt ở mức độ vừa phải để cải thiện sự tuân thủ của DN. Còn trong trường hợp DN quyết tâm không tuân thủ pháp luật thuế, trốn thuế bằng mọi giá, thì cơ quan thuế sẽ buộc phải sử dụng tới quyền năng luật pháp cũng như áp dụng những mức phạt, hình phạt cao nhất, qua đó răn đe các trường hợp khác.
Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng có thể lựa chọn chiến lược tự quản lý bởi 3 lý do:
Thứ nhất, chiến lược tự quản lý sẽ giảm thiểu chi phí quản lý hành chính cho cơ quan thuế, đồng thời khiến cho chi phí tuân thủ thuế của DN cũng ít tốn kém hơn.
Thứ hai, chiến lược tự quản lý giảm gánh nặng quản lý thuế tới mức thấp nhất, nhấn mạnh đến sự hợp tác và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, bền vững giữa cơ quan thuế và DN.
Thứ ba, nguyên tắc giảm cưỡng chế từ trên xuống dưới, đẩy mạnh việc giao một số quyền quản lý thuế từ cơ quan thuế đến DN và tăng tính tự chủ của DN.
Cơ quan thuế chỉ nên di chuyển lên cấp độ cao hơn ở tháp quản lý, nếu DN lạm dụng quyền tự quản lý nói trên. Ở cấp độ “chấp nhận” của động cơ tuân thủ, cơ quan quản lý thuế cần hỗ trợ, tuyên truyền thêm cho DN và chưa thực sự cần đến các biện pháp mạnh tay. Ngược lại, ở cấp độ “miễn cưỡng” hoặc cấp độ “từ chối”, mối quan hệ giữa DN và cơ quan thuế trở nên “thù địch”, cơ quan thuế nên tiếp cận với các phương pháp cưỡng chế mạnh mẽ hơn.
Áp dụng mô hình tuân thủ, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan thuế các nước có xu hướng chuyển hoạt động thanh tra, kiểm tra chủ yếu tiến hành tại cơ sở kinh doanh sang thanh tra, kiểm tra chủ yếu tiến hành tại cơ quan thuế. Sự thay đổi này, sẽ tăng tính hiệu quả của hoạt động thanh kiểm tra, mở rộng số lượng, trường hợp DN được cơ quan thuế giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ thuế; Đồng thời, giúp cơ quan thuế có những sự chuẩn bị và có nhiều thông tin hơn cũng như xác định chính xác phạm vi nội dung khi tiến hành thanh tra kiểm tra tại trụ sở của DN.
Nhìn vào Hình 2 chúng ta thấy, cơ quan thuế sẽ chuyển đổi từ việc thanh tra, kiểm tra theo diện rộng, nặng tính cảm tính sang thanh tra, kiểm tra theo hệ thống tiêu thức lựa chọn khách quan, khoa học, đi vào chiều sâu theo mức độ vi phạm. Theo mô hình này, việc lựa chọn đối tượng thanh, kiểm tra theo xu hướng ngẫu nhiên, dàn trải và không phụ thuộc vào việc phân tích mức độ vi phạm pháp luật thuế của DN, sẽ được thay thế bởi một cơ chế lựa chọn đối tượng bị thanh, kiểm tra tập trung vào nhóm DN vi phạm pháp luật thuế.
Hình 3 là mô hình chuyển từ thanh tra kiểm tra toàn diện sang thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề và nội dung vi phạm. Với mô hình chuyển đổi này, hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế sẽ được nâng lên, đồng thời cơ quan thuế sẽ không bị rơi vào tình trạng lãng phí các nguồn lực rất hạn chế của mình cũng như không gây phiền hà, cản trở công việc kinh doanh của DN. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mô hình tuân thủ thuế cũng như các mô hình trên, cơ quan thuế cần đánh giá tương đối chính xác mức độ tuân thủ pháp luật thuế của DN. Nếu coi việc xảy ra hành vi gian lận thuế là một mối rủi ro thì cơ quan thuế cần xác định được khả năng xảy rủi ro đối với từng DN để lựa chọn chính xác DN cần tiến hành thanh, kiểm tra. Hơn nữa, sau khi lựa chọn chính xác DN cần thanh, kiểm tra, cần xác định chính xác đâu là nội dung vấn đề cần tập trung thanh, kiểm tra; Nội dung nào có thể tạm thời không quan tâm, để phân phối nguồn lực theo hướng tối đa lợi ích.
Mô hình tuân thủ thuế đã được áp dụng thành công để quản lý DN cũng như công tác thanh tra, kiểm tra thuế ở một số quốc gia như Úc, Newzealand. Để áp dụng mô hình này một cách hiệu lực, cơ quan thuế của bất kỳ quốc gia nào cũng phải đảm bảo các điều kiện như: Cần tìm hiểu về tình trạng động cơ tuân thủ thuế và các yếu tố ảnh hưởng đến động cơ tuân thủ của DN; Cơ quan thuế cần chắc chắn rằng, tất cả các DN hiểu đầy đủ về nghĩa vụ thuế và họ phải được đưa đến các cơ hội tuân thủ; Thay vì áp dụng các chiến lược cưỡng chế thuế, cơ quan thuế phải bắt đầu cơ bản từ việc cung cấp dịch vụ, điều kiện tốt hơn cho DN, tuyên truyền và hỗ trợ nhiều hơn cho DN. Đặc biệt, để tăng cường sự tuân thủ tự nguyện, cơ quan thuế cũng cần tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, chính khách và của cả cộng đồng. Bản thân cơ quan thuế và từng cán bộ thuế cần phải thực sự thay đổi theo hướng hành động minh bạch, công bằng.
Tổ chức bộ máy thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro
Cơ quan thuế các nước có hoạt động thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả thường chú ý đến việc tổ chức, phân bổ nguồn nhân lực và quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế. Do tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra thuế và các kỹ năng chuyên môn kèm theo, đa số cơ quan thuế các nước đều lập một hoặc nhiều phòng chuyên môn chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế đối với DN lớn, DN khác.
Qua nghiên cứu mô hình tổ chức thanh tra, kiểm tra của các nước, không có mô hình “chính xác” hoặc “áp dụng chung” để tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế. Tuy nhiên, nghiên cứu về mô hình tổ chức cơ quan thuế các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), có thể nhận thấy 2 xu hướng được lồng ghép, kết hợp khi tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế: (1) Sử dụng mô hình “chức năng” để tổ chức các hoạt động quản lý thuế; (2) Xuất hiện việc tổ chức theo nhóm các chức năng quản lý DN trên cơ sở phân đoạn DN. Trong thực tế, các nước này tổ chức một bộ phận chuyên thanh tra riêng các DN lớn và hình thành tổ chức thanh tra chuyên trách đối với các DN khác.
Với kinh nghiệm đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn, những nội dung có thể vận dụng quản lý rủi ro trong thanh tra thuế của các nước thuộc OECD để nâng cao chất lượng quản lý rủi ro trong thanh, kiểm tra thuế ở Việt Nam gồm:
Một là, nghiên cứu, áp dụng toàn diện mô hình quản lý tuân thủ trong quản lý thuế, là cơ sở để triển khai áp dụng có hiệu quả phương pháp thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về DN; Đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý và phân tích thông tin cho cán bộ thanh tra, kiểm tra;
Ba là, hoàn thiện hệ thống các tiêu chí đánh giá, phân tích rủi ro phục vụ cho việc lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu và hoàn thiện phương pháp lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra ngẫu nhiên.
Bốn là, xây dựng, hoàn thiện và trang bị các công cụ hỗ trợ cho cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế như quy trình và sổ tay nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra; Các công cụ điện tử cho phép truy cập cơ sở dữ liệu và kiểm tra các hồ sơ khai thuế của DN trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của DN; Các công cụ sử dụng trực tiếp trên máy tính xách tay đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ của cán bộ thanh tra, kiểm tra…
Năm là, nghiên cứu, kiện toàn bộ máy thanh tra, kiểm tra thuế, theo đó bên cạnh việc xây dựng, kiện toàn mô hình quản lý thuế theo chức năng đảm bảo chuyên sâu, chuyên nghiệp, có thể đề xuất thành lập thêm một bộ phận chuyên nghiệp đa chức năng để quản lý, tranh tra, kiểm tra các DN lớn; Nghiên cứu thành lập bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm thu thập, quản lý thông tin về DN, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá rủi ro và đánh giá rủi ro tập trung về DN.
Sáu là, tăng cường năng lực cho đội ngũ thanh tra, kiểm tra thông qua việc nghiên cứu, xây dựng, chuẩn hóa mô hình tiêu chuẩn về năng lực cán bộ thanh tra, kiểm tra. Mô hình tiêu chuẩn về năng lực cán bộ sẽ là cơ sở để xây dựng, triển khai kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và phát triển nguồn lực.
Bảy là, nghiên cứu, xây dựng và áp dụng hệ thống chỉ tiêu đánh giá chất lượng hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
Tài liệu tham khảo:
1. Kỷ yếu Hội thảo “Thanh tra đối tượng nộp thuế lớn tại Châu Á – Thái Bình Dương”, Quỹ Tiền tệ quốc tế, 2005;
2. “Thông lệ quốc tế về lựa chọn trường hợp thanh tra dựa trên rủi ro”, ECOPA, 2010.
3. Tapchitaichinh.vn,...
Quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế ở một số nước và bài học cho Việt Nam
(Tài chính) Thực tế cho thấy, việc áp dụng thanh tra thuế trên cơ sở phân tích và quản lý rủi ro trong thanh tra thuế là cách tiếp cận đúng đắn, phù hợp với xu hướng quản lý thuế hiện đại. Trong bối cảnh hội nhập, ứng dụng kinh nghiệm quốc tế vào quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế là việc làm hết sức cần thiết. Kinh nghiệm tại một số nước về quản lý rủi ro là bài học Việt Nam có thể tham khảo cho công tác thanh tra thuế...
Xem thêm