Quốc hội bác “quỹ lạ” trong dự án Luật Đất đai sửa đổi

Theo dddn.com.vn

Lại thêm một “quỹ lạ” nữa nẩy sinh khi dự án Luật Đất đai sửa đổi được trình Quốc hội sáng nay. Đáng chú ý, mặc dù Quốc hội đã yêu cầu không được “đẻ” thêm nhiều loại quỹ, dồn gánh nặng lên người dân nhưng hiện trạng “sinh luật, sinh quỹ” vẫn tiếp tục tái diễn.

Quốc hội bác “quỹ lạ” trong dự án Luật Đất đai sửa đổi
Quốc hội thảo luận tại hội trường

Hiện tượng cơ quan trình dự thảo luật cố gắng “nhét” thêm một điều khoản quy định về quỹ đã bị Quốc hội “rung chuông” nhiều lần, điển hình như: quỹ bảo vệ môi trường, quỹ bình ổn xăng dầu, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ bảo trì đường bộ... Và nay, một dự án luật quy mô như Luật Đất đai liên quan tài sản đặc biệt, cứ ngỡ không có chỗ cho khái niệm quỹ. Ấy thế nhưng, “quỹ lạ” này lại được đưa vào!

Cụ thể, Điều 108 quy định “Quỹ phát triển đất”, ghi:

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập quỹ phát triển đất của địa phương; quyết định ủy thác cho quỹ đầu tư phát triển hoặc quỹ tài chính khác của địa phương quản lý quỹ phát triển đất.

2. Nguồn tài chính để hình thành quỹ phát triển đất được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, huy động từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật và được sử dụng vào bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho người có đất thu hồi; tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để đấu giá quyền sử dụng đất.

Trước nguy cơ người dân phải gánh thêm khoản chi có tên gọi “quỹ” nói trên, đại biểu Quốc hội đã phản bác gay gắt tại phiên thảo luận sáng nay. Các ý kiến nhận định, tình trạng “lạm phát quỹ” đang “ăn bám” dự luật, cần phải được chấn chỉnh bởi suy cho cùng, mọi nguồn quỹ đều rút tiền từ người dân, trong khi mục đích chi, chi như thế nào là dấu hỏi lớn. Các quỹ đều đội mũ bình ổn này, bình ổn kia nhưng thực chất là chỉ một bộ phận nhỏ hưởng lợi. Đối với đất đai, không có lý do gì để hình thành quỹ.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng việc thành lập tổ chức này không phù hợp với ngân sách quốc gia hiện nay, cần tập trung thu gọn vào các quỹ có sẵn để hoạt động hiệu quả hơn, không thể cứ lập quỹ làm khó người dân. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) phản bác việc lập quỹ và khẳng định, không có cơ sở nào để thành lập quỹ đất, hoàn toàn không rõ ràng, thậm chí chưa xác định cụ thể về tên gọi và chức năng của tổ chức này.

Đồng thời, việc huy động tài chính từ "các nguồn khác" nhưng cũng chưa nêu rõ là từ nguồn nào. Ông Minh gay gắt: “Việc thành lập tổ chức mới đồng nghĩa với việc tăng biên chế tổ chức bộ máy, tăng chi phí quản lý, như vậy là đi ngược lại với chủ trương tiết kiệm và tinh giảm biên chế của Nhà nước"...

Dự án Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội sáng nay cũng điều chỉnh quy định về giá đất, kỳ vọng chấn chỉnh hiện trạng lợi dụng bồi thường để làm sai lệch, trục lợi khi thửa đất có cùng đặc điểm, tính chất nhưng “bên tiền tấn, bên nửa cân”... Về nguyên tắc định giá đất (Điều 110), có ý kiến cho rằng việc quy định về nguyên tắc, phương pháp định giá đất là rất khó vì quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu.

Nhiều loại đất, nhiều khu vực chưa phát sinh chuyển nhượng, đấu giá nên rất khó xác định giá thị trường, do đó, đề nghị giá đất do Nhà nước quy định thống nhất. Có ý kiến đề nghị quy định rõ thời điểm xác định giá đất và thời điểm quyết định giá đất. Có ý kiến đề nghị đối với “đất sản xuất kinh doanh” chủ yếu được Nhà nước giao không thu tiền (đất nông nghiệp) hoặc cho thuê theo thời hạn, thị trường chuyển nhượng không phát triển nên chủ yếu xác định giá theo phương pháp thu nhập. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu được tham gia thị trường bất động sản. Dự thảo Luật quy định việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc theo mục đích sử dụng; thời hạn sử dụng; phù hợp với giá đất phổ biến của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, đấu giá thành công hoặc phù hợp với thu nhập từ việc sử dụng đất đối với trường hợp xác định được thu nhập; các thửa đất liền kề nhau có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất như nhau, có cùng mục đích sử dụng, cùng một thời điểm thì có mức giá như nhau. Do đó, giá đất “Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, đấu giá quyền sử dụng đất thành công hoặc phù hợp với thu nhập từ việc sử dụng đất đối với trường hợp xác định được thu nhập.”

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nguyên tắc định giá đất theo quy hoạch xây dựng về chiều cao công trình, mật độ, hệ số sử dụng đất và theo thời hạn sử dụng đất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về nguyên tắc định giá đất trong dự thảo Luật là nguyên tắc chung định hướng cho việc định giá đất. Trên cơ sở nguyên tắc chung, việc định giá các loại đất sẽ phải tính đến những yêu cầu đặc thù, đặc điểm cụ thể của các loại đất. Các yêu cầu định giá đất theo chiều cao công trình, mật độ, hệ số sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất… sẽ được quy định trong các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật.