Quỹ đầu tư tư nhân Đông Nam Á bắt đầu hút được nguồn tiền châu Âu
Indonesia và các quốc gia có mức tăng trưởng cao khác được coi là khu vực đầu tư mạo hiểm “lớn tiếp theo”.
Các nhà đầu tư châu Âu dường như đang có những bước thâm nhập đáng chú ý vào lĩnh vực vốn tư nhân tại Đông Nam Á, lĩnh vực từ trước đến nay vốn dành cho những nhà đầu tư khu vực và Mỹ.
Đông Nam Á hiện có hàng loạt các quỹ mới thành lập với thành viên góp vốn đến từ châu Âu. Tại Indonesia, một quỹ đầu tư tư nhân được thành lập nhằm mục đích kết nối nguồn tiền từ châu Âu với nguồn vốn tư nhân đang ngày càng phát triển tại quốc gia này.
Sau khi đi vào hoạt động vào tháng 8, Panta Capital cho biết họ dự định đầu tư 30 triệu euro (35 triệu USD) vào Indonesia trong năm tới. Đồng thời quỹ cũng công bố khoản đầu tư 500.000 euro vào công ty khởi nghiệp phân bón Rembuyung.
Dù 30 triệu euro có vẻ nhỏ hơn con số đầu tư thường thấy tại quần đảo Indonesia – một công ty khởi nghiệp đơn lẻ có thể thu về gấp đôi số tiền này chỉ trong một vòng gọi vốn – nhưng Panta mang đến cho các công ty Indonesia một điều mới mẻ. Họ là những người châu Âu.
Đông Nam Á nổi lên như một khu vực có mức tăng trưởng cao, nhưng hoạt động của nhà đầu tư châu Âu tại đây vẫn diễn ra khá chậm chạp. Theo số liệu của Preqin vào tháng 9, trong số tất cả những nhà đầu tư mạo hiểm và vốn tư nhân đầu tư vào các công ty quản lý quỹ ASEAN, có 56% đến từ Bắc Mỹ, 21% từ châu Á và 18% từ châu Âu.
Một số liệu khác từ các nhà cung cấp dữ liệu Anh cho thấy chỉ có 127 nhà đầu tư tổ chức tại châu Âu đang hoạt động đầu tư mạo hiểm và vốn tư nhân tập trung vào khu vực ASEAN, thấp hơn so với con số 322 tại Mỹ.
“Hầu hết các nhà đầu tư mà tôi biết đều không có mối quan hệ để đầu tư vào quỹ vốn tư nhân Indonesia”, Daniel Tjoa, người thành lập Panta Capital, cho biết. “Việc này không được quảng bá tại châu Âu. Tôi nghĩ rằng họ có đôi chút lo sợ châu Á vì nó quá khác biệt với thị trường châu Âu…. Đối với họ, rủi ro tiềm ẩn và nỗi sợ hãi là rất cao”.
|
Nguyên nhân của việc thiếu nhà đầu tư châu Âu tại các quỹ vốn tư nhân Đông Nam Á có thể đến từ lịch sử của doanh nghiệp, Ee Fai Kam, quản lý chi nhánh khu vực châu Á của Preqin cho biết.
Bởi vì vốn mạo hiểm và vốn tư nhân được hình thành tại Mỹ và đã tồn tại từ rất lâu nên họ “thoải mái hơn” với việc đầu tư thông qua cấu trúc này, Kam nói.
Cũng có thể có các yếu tố khác, Kam nói.
“Các đối tác góp vốn tại Mỹ có nội lực mạnh hơn, và điều này đồng nghĩa với việc họ có khả năng phân bổ các quỹ tại nhiều khu vực hơn”, ông nói. “ASEAN đứng đẩu bảng thị trường mới nổi, nhưng lại không nằm trong top ưu tiên của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Đứng đầu nhóm thu hút các nhà đầu tư trên toàn thế giới sẽ vẫn là những nền kinh tế như Mỹ và Tây Âu”.
Nhưng theo Amit Anan, đối tác quản lý tại Jungle Ventures, điều này có thể đang được thay đổi. Công ty vốn mạo hiểm có trụ sở tại Singapore huy động được 240 triệu USD cho quỹ Đông Nam Á thứ ba của mình, với các nhà đầu tư châu Âu tham gia với tư cách là đối tác góp vốn.
“Trong năm 2015 và 2016, Jungle chỉ huy động được chưa đến 2% vốn từ châu Âu, trong khi tôi nghĩ số vốn huy động được vào năm 2019 là gần 35%”, Anan nói.
“Đã có sự thay đổi đáng kể khi so sánh hôm nay và 4 hoặc 5 năm trước. Đây là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Chắc chắn châu Âu tiếp cận cơ hội phát triển tại châu Á chậm hơn nhưng họ cuối cùng cùng cũng nhận ra rằng đây có lẽ là khu vực duy nhất có mức độ tăng trưởng 5-6% trước khi Covid-19 xảy ra. Không có nơi nào tốt hơn thế”.
Trendlines Group, công ty đầu tư đến từ Israel, niêm yết tại Sàn giao dịch Chứng khoán Singapore, cùng Tamasek và Librae Holdings, tổ chức liên quan đến ông trùm bất động sản người Anh gốc Iran Vincent Tchenguiz, thành lập một quỹ tại Singapore.
Dù các nhà đầu tư đang dần quan tâm hơn đến Đông Nam Á, nhưng có lẽ sẽ phải mất một thời gian để họ có thể hoàn toàn nắm bắt được khu vực này.
“Có một vài nhà đầu tư đến từ Anh, và khi chúng tôi nói với họ về chiến lược của quỹ, họ nói ‘Tại sao lại là châu Á, và tại sao lại không phải là châu Phi’”, Anton Wibowo, CEO của Trung tâm Trendlines Agrifood Innovation, quản lý quỹ, cho biết. Thậm chí ngay cả khi các nhà đầu tư châu Âu tỏ ra quan tâm tới châu Á, “thị trường đầu tiên họ nghĩ đến là Trung Quốc”.
“Họ sẽ hỏi về những điều chúng tôi biết về Trung Quốc, làm sao chúng tôi đưa các công ty thuộc danh mục đầu tư của mình đến Trung Quốc.... Tôi không nghĩ rằng bất kỳ nhà đầu tư châu Âu nào chúng tôi từng đối thoại sẽ nói ‘Bạn làm việc tại Đông Nam Á, và điều đó thật tuyệt'”.
Dave Richards, đồng sáng lập và là đối tác quản lý tại Capria Ventures có trụ sở Mỹ, điều hành mạng lưới đầu tư mạo hiểm toàn cầu, nhắc đến một vấn đề cần cân nhắc khác. “Vẫn có những mâu thuẫn khi đầu tư tại Đông Nam Á”, ông nói, đồng thời đề cập đến “nhiều quốc gia và nhiều quy định”.
Trong khi người châu Âu đã quen với việc đầu tư xuyên biên giới, không có mâu thuẫn, nhờ có Liên minh châu Âu, Đông Nam Á lại thiếu các quy định đồng bộ ở mức tương tự, ngay cả với các sáng kiến như Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
“ASEAN cũng hữu ích theo cách nào đó”, Richards nói, và bổ sung rằng vẫn có nhiều điều cần phải hoàn thiện “để giúp các công ty đã phát phát triển trong một lĩnh vực thuộc một quốc gia này bước vào một quốc gia khác trong khu vực một cách dễ dàng hơn”.
Ông đưa ra ví dụ về Liên minh Thái Bình Dương. Nhóm các quốc gia Mexico, Columbia, Chile và Peru đã “tạo ra một thị trường thú vị và giảm bớt các rào cản, để các công ty tại bất cứ đâu trong khu vực có thể mở rộng toàn bộ khu vực”.
Anan của Jungle Ventures tin rằng, bất chấp những thách thức, thị trường vốn tư nhân Đông Nam Á sẽ ngày càng thu hút được các nhà đầu tư châu Âu.
“Tôi tin rằng châu Âu sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn tại Đông Nam Á thậm chí là hơn cả Mỹ”, ông nói. “Nhà đầu tư Mỹ thường tập trung khá nhiều ở Trung Quốc, nhiều hơn đáng kể so với châu Âu, và theo một cách nào đó, tôi cảm thấy đây là cơ hội để châu Âu đảm bảo rằng khu vực lớn tiếp theo không bị Mỹ chi phối”.