Giải quyết những thắc mắc, bất cập trong thực tế
Cùng với quá trình phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm đến việc hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN). Trong mỗi giai đoạn, cơ chế chính sách và sự đầu tư cho phát triển KH&CN được Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN ban hành đều bám sát yêu cầu thực tiễn. Trong giai đoạn 2003-2013, hàng năm NSNN luôn ưu tiên bố trí đủ 2% tổng chi NSNN dành cho KH&CN (tương đương 0,5 - 0,6% GDP), tốc độ tăng chi bình quân hàng năm là 18,6%, tương đương với tốc độ tăng tổng chi NSNN. Đến nay, NSNN vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm 65-70% tổng đầu tư toàn xã hội cho hoạt động KH&CN. Cùng với mức chi 2% tổng chi NSNN dành cho KH&CN, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi phù hợp với đặc thù của KH&CN.
Ngoài ra, các cơ chế, chính sách về dự toán và sử dụng ngân sách KH&CN cũng được đổi mới theo hướng: Xây dựng định mức và quy định bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên của các tổ chức KH&CN công lập trong dự toán các nhiệm vụ KH&CN và nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; Hoàn thiện cơ chế khoán kinh phí (khoán theo sản phẩm cuối cùng); Đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán; Điều chỉnh và bổ sung các nội dung chi cũng như định mức kinh phí theo từng nội dung chi của nhiệm vụ KH&CN.
Các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp (DN) đầu tư để đổi mới công nghệ trong sản xuất và kinh doanh; DN được trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập DN để lập Quỹ phát triển KH&CN; DN ngoài nhà nước được khuyến khích trích thu nhập tính thuế để thành lập Quỹ phát triển KH&CN của mình (tối đa 10% theo quy định tại Luật thuế thu nhập DN) hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển KH&CN của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của Quỹ cũng đã được triển khai mạnh mẽ.
Những đổi mới chính sách tài chính cho KH&CN được cho là khá linh hoạt nhưng trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những bất cập, vướng mắc trong thực hiện. Vướng mắc không phải vì không có tiền mà các đề tài, nhiệm vụ khoa học phải qua rất nhiều khâu, từ lựa chọn, thẩm định cho đến phê duyệt đề tài. Cơ chế tài chính chi theo dự toán, các nhà khoa học muốn rút tiền phải nộp đầy đủ chứng từ… Nhiều cơ chế, chính sách đã được thực hiện theo hướng hỗ trợ thuận nhất cho hoạt động KH&CN nhưng với quy trình xét duyệt như hiện nay dù có giải ngân ngay thì thời điểm giao kinh phí cũng cách thời điểm đề xuất nhiệm vụ hàng năm. Chưa kể, ngành KH&CN còn phải áp dụng thêm quy trình thẩm định lại một lần nữa đề tài đã được phê duyệt khi tiến hành giải ngân, khiến việc cấp kinh phí nghiên cứu đã chậm càng thêm chậm.
Quy định mới tạo thúc đẩy KH&CN phát triển
Áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN thông qua hệ thống quỹ phát triển KH&CN; buộc DN nhà nước hàng năm phải trích từ 3% - 10% thu nhập tính thuế thu nhập DN để lập quỹ phát triển KH&CN của DN… Đó là những điểm mới từ chính sách tài chính cho KH&CN phát triển được quy định tại Nghị định số 95/2014/NĐ-CP.
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính
Cơ chế quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN đã có nhiều điểm mới. Cụ thể, trước đây, ngày 31/7 hàng năm là hạn chót mà Bộ KH&CN phải tập hợp các đề tài, nhiệm vụ khoa học để gửi Bộ Tài chính dự trù ngân sách. Những đề xuất được tập hợp sau ngày 31/7 phải chờ thêm một năm nữa. Tuy nhiên, cơ chế này đã thay đổi. Theo Nghị định mới, việc xác định và phê duyệt nhiệm vụ KH&CN được thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm trên cơ sở dự toán nguồn NSNN được phê duyệt và các nguồn kinh phí khác cân đối cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong năm kế hoạch và các năm tiếp theo tương ứng với thời gian thực hiện nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt.
Việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được tiến hành thông qua hệ thống quỹ phát triển KH&CN các cấp hoặc các đơn vị dự toán cấp II, cấp III. Giám đốc các quỹ và thủ trưởng các đơn vị dự toán cấp II, cấp III có trách nhiệm cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN đã được phê duyệt vào tài khoản tiền gửi của cơ quan chủ trì tại Kho bạc Nhà nước theo tiến độ xác định trong hợp đồng do cơ quan có thẩm quyền ký với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp chưa có quỹ phát triển KH&CN, Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ.
Một trong những điểm mới quan trọng của cơ chế tài chính là việc thực hiện khoán chi. Cụ thể, nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí: nhiệm vụ KH&CN có sản phẩm cuối cùng đã xác định được rõ tên sản phẩm cụ thể, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được, số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí; dự toán của nhiệm vụ KH&CN đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định.
Các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được khoán chi từng phần là nhiệm vụ KH&CN có tính rủi ro cao, không thể xác định được tiêu chí cụ thể của sản phẩm cuối cùng, cần đáp ứng các tiêu chí: có từng phần công việc xác định được rõ nội dung, mục tiêu, yêu cầu, kết quả, kinh phí thực hiện, được hội đồng KH&CN tuyển chọn, xét giao trực tiếp xác định thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần; dự toán phần công việc được khoán chi của nhiệm vụ KH&CN đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định.
Chi NSNN và đầu tư cho KH&CN
Nghị định nêu rõ, chi phát triển tiềm lực KH&CN, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho các tổ chức KH&CN không phân biệt thành phần kinh tế theo các nội dung: xây dựng mới, nâng cấp, tăng cường năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN; xây dựng khu nghiên cứu và phát triển cho các khu công nghệ cao; xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê về KH&CN; các hoạt động đầu tư khác phục vụ phát triển KH&CN. Chi sự nghiệp KH&CN gồm có chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; chi thường xuyên và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các tổ chức KH&CN công lập theo quy định pháp luật về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và nghiên cứu KH&CN; mua kết quả nghiên cứu KH&CN, mua công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chuyển giao và nhập khẩu công nghệ; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, truyền thông, hoạt động thông tin và thống kê KH&CN, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước…
Việc xác định và phê duyệt nhiệm vụ KH&CN được thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm trên cơ sở dự toán nguồn NSNN được phê duyệt và các nguồn kinh phí khác cân đối cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong năm kế hoạch và các năm tiếp theo tương ứng với thời gian thực hiện nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt.
Về kế hoạch, lập dự toán và phân bổ NSNN cho KH&CN theo Nghị định, Bộ KH&CN chịu trách nhiệm đề xuất cơ cấu chi giữa đầu tư phát triển và sự nghiệp KH&CN; tỷ lệ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Căn cứ vào hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN, Bộ KH&CN hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và dự toán NSNN cho KH&CN của năm kế hoạch tiếp theo.
Cùng với đó, căn cứ vào khả năng đáp ứng của NSNN, nhu cầu thực tiễn và kết quả sử dụng ngân sách đã phân bổ của năm trước liền kề cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ KH&CN đề xuất kế hoạch và dự toán ngân sách cho hoạt động KH&CN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính. Trên cơ sở đề xuất dự toán của Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT lập và trình Chính phủ dự toán chi đầu tư phát triển KH&CN. Bộ Tài chính lập và trình Chính phủ dự toán chi sự nghiệp KH&CN theo đề xuất dự toán của Bộ KH&CN. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ kinh phí từ nguồn ngân sách dành cho KH&CN được giao hàng năm, lập phương án bố trí kinh phí cho đầu tư phát triển và sự nghiệp KH&CN không thấp hơn mức Trung ương giao.
Thành lập Quỹ phát triển KH&CN
Việc lập và duy trì quỹ dựa trên nhiều nguồn kinh phí như nguồn vốn được cấp lần đầu từ NSNN dành cho phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; vốn bổ sung hàng năm từ phân bổ NSNN cho nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, tỉnh; các nguồn thu từ kết quả hoạt động của quỹ; kinh phí được điều chuyển tự nguyện hoặc nhận ủy thác từ quỹ phát triển KH&CN của DN; nhận ủy thác từ các quỹ phát triển KH&CN của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng và nhận ủy thác của tổ chức, DN, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.
Riêng đối với DN, mức đóng góp hình thành quỹ, nội dung chi và cách giải quyết khi chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ. Đây là vấn đề vướng mắc của nhiều DN. Cụ thể, DN nhà nước hàng năm phải trích từ 3% - 10% thu nhập tính thuế thu nhập DN để lập Quỹ phát triển KH&CN của DN. Đồng thời được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập DN một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển KH&CN của DN.
Xử lý vi phạm
Cùng với việc ban hành Nghị định 95/2014/ NĐ-CP, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2014/ NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ. Theo đó, hoạt động của hội đồng KH&CN được sửa đổi, bổ sung như sau: phạt cảnh cáo đối với cá nhân là thành viên hội đồng KH&CN không thực hiện đúng thủ tục hoặc đánh giá, chấm điểm không đúng với các tiêu chí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định khi tư vấn, thẩm định, tuyển chọn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN; phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân là thành viên hội đồng KH&CN công bố, cung cấp thông tin liên quan đến quá trình đánh giá, nhận xét và kết quả tư vấn khi chưa được sự cho phép của cơ quan quyết định thành lập Hội đồng.
Điều 6 của Nghị định mới được sửa đổi, bổ sung như sau: “vi phạm về đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN thì phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cá nhân, phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với tổ chức không đăng ký kết quả thực hiện nghĩa vụ KH&CN sử dụng NSNN theo quy định tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Ngoài ra, Chính phủ quy định phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức KH&CN công lập không thực hiện yêu cầu đánh giá để phục vụ quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức đánh giá độc lập có một trong các hành vi sau đây: thực hiện đánh giá, xếp hạng không đúng phương pháp, tiêu chí đánh giá; thực hiện đánh giá, xếp hạng không trung thực, không khách quan hoặc không đúng pháp luật; không công khai kết quả đánh giá, xếp hạng theo quy định của pháp luật”.
Quy định mới về chính sách tài chính phát triển khoa học công nghệ
(Tài chính) Ngày 17/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2014, Nghị định mới được đánh giá là có nhiều đổi mới nhằm giải quyết bất cập để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển.
Xem thêm