"Quy hoạch treo" mạng lưới ngân hàng được cởi bỏ

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Cuối cùng, sau gần ba năm lơ lửng, cơ chế mới quy định mạng lưới hoạt động ngân hàng đã được ban hành. Vì sao nó bị “treo” lâu như vậy?

"Quy hoạch treo" mạng lưới ngân hàng được cởi bỏ
Cơ chế mới quy định mạng lưới hoạt động ngân hàng đã được ban hành. Nguồn: Internet

Ngày 9/9/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 21/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của các ngân hàng thương mại, có hiệu lực thi hành từ ngày 23/10/2013. Sau gần ba năm chờ đợi, cơ chế pháp lý cho việc tổ chức mạng lưới của hệ thống mới hết “quy hoạch treo”.

Qua thời tăng trưởng nóng

Cuối năm 2010 đầu năm 2011, kế hoạch mở rộng mạng lưới hoạt động của các ngân hàng thương mại gần như khựng lại. Tốc độ khai trương ồ ạt những năm 2007 - 2010 không thể nối tiếp, khi Ngân hàng Nhà nước đánh tín hiệu siết chặt cơ chế.

Một công văn của cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn các tổ chức tín dụng về việc mở chi nhánh mới phát đi, kế hoạch của nhiều nhà băng bị dồn toa. Theo nội dung công văn này, nhà quản lý tạm ngừng xét duyệt hồ sơ mở chi nhánh mới đối với những ngân hàng chưa đảm bảo vốn pháp định, áp thêm một số điều kiện theo hướng tăng cường giám sát… Văn bản này được xem là tín hiệu tạm giãn tốc độ mở rộng mạng lưới của hệ thống, trước khi có thông tư mới, quy định cụ thể được ban hành.

Từ bấy đến nay, đã gần ba năm, Ngân hàng Nhà nước xét duyệt chặt chẽ hơn việc mở chi nhánh, phòng giao dịch mới của các ngân hàng thương mại, trong khi thông tư mới vẫn “treo” mãi đến cuối tuần qua mới ban hành. Kế hoạch mở rộng mạng lưới của nhiều thành viên bị dồn toa, nếu không nói là vỡ kế hoạch bởi thời điểm đó có những trường hợp đã tuyển và đào tạo nhân sự, thuê địa điểm để chờ ngày “múa lân” nhưng rồi phải hoãn hoặc tạm hủy...

Với các ngân hàng, đây là khó khăn. Như tại đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm nay, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), báo cáo với cổ đông rằng, vài năm qua Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt cơ chế, việc mở chi nhánh mới trở nên khó khăn. Muốn lớn mạnh hơn nữa thì phải mở rộng mạng lưới, và khi cơ chế siết chặt thì con đường tối ưu là hợp nhất hoặc tìm sáp nhập ngân hàng khác.

Ở tình hình chung, đến đầu năm 2011 với tín hiệu siết lại trên, thời tăng trưởng nóng của mạng lưới ngân hàng đã qua. Một thống kê cho thấy, chỉ trong những năm 2008 - 2010, số lượng chi nhánh ngân hàng đã tăng tới 40%. Đó là một sự bùng nổ, đặc biệt là sau khi có 13 ngân hàng nông thôn chuyển đổi lên thành đô thị. Câu nói phổ biến lúc đó là: “Ra ngõ gặp… ngân hàng” (ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh).

Nhưng ba năm qua, không chỉ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà ở nhiều địa bàn khác, việc cấp phép mở chi nhánh đã trở nên rời rạc, không còn ồ ạt kiểu có ngân hàng một ngày khai trương tới cả chục điểm như trước.

Hãm phanh trước quan ngại

Sự phát triển quá nóng của mạng lưới hẳn gây những quan ngại. Và có phải Ngân hàng Nhà nước muốn hãm phanh bằng cách “treo” cơ chế? Bởi lẽ, thông tư liên quan sau một thời gian dài mới chịu ra đời; khi nó đang thai nghén thì việc cấp phép sẽ không đơn giản như trước.

Vì sao quan ngại? Suốt gần ba năm qua Ngân hàng Nhà nước chưa từng lý giải cụ thể với công chúng về nội dung này. Song có thể lường tính một số lý do.

Thứ nhất, từ 2008 - 2010, lạm phát bùng nổ và căng thẳng, đánh vào tổng cầu là một hướng để kiềm chế. Sự phát triển nóng của mạng lưới các ngân hàng thương mại dẫn tới hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư của ngành tham gia khuếch đại lực cầu trong nền kinh tế. Tương tự như ở đầu tư công, thắt chặt sự tham gia này cũng được xem là góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, đây có lẽ chỉ là lý do thứ yếu.

Thứ hai, quan trọng hơn, hãm phanh là yêu cầu đặt ra sau khi hệ thống bộc lộ những bất ổn và cần tăng cường kiểm soát.

Trong công văn của cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước đề cập ở trên, một điều kiện đặt thêm cho ngân hàng muốn mở chi nhánh mới là phải có văn bản cam kết không gây xáo trộn lãi suất gắn với chi nhánh đó. Điều kiện này gián tiếp cho thấy quan ngại của nhà quản lý.

Xáo trộn lãi suất là nỗi lo thường trực những năm 2008 - 2011. Bên cạnh những yếu tố vĩ mô, chính sự bùng nổ của mạng lưới ngân hàng cũng góp thêm tác nhân. Các ngân hàng liên tục mở chi nhánh, phòng giao dịch để tăng cường cạnh tranh huy động, đặc biệt là ở hai địa bàn lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các điểm giao dịch mới ra đời luôn gắn với áp lực chỉ tiêu. Để hoàn thành chỉ tiêu và nhanh chóng phát huy hiệu quả, cạnh tranh lãi suất là con đường ngắn nhất. Đây hẳn là điều Ngân hàng Nhà nước quan ngại.

Đến nay, khi trật tự hệ thống và thanh khoản đã tương đối ổn định, lãi suất đã hạ nhiệt không còn xáo trộn như trước, bối cảnh đã thuận lợi hơn cho việc chính thức ban hành thông tư với cơ chế mới. Dĩ nhiên, cửa không hẳn sẽ mở một cách thông thoáng như trước. Ngân hàng Nhà nước đã nâng cao điều kiện để lái sự phát triển của mạng lưới hệ thống một cách hợp lý hơn: hạn chế mật độ vốn đã dày đặc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, khuyến khích ngân hàng mở rộng ở các địa bàn xa - nơi các dịch vụ ngân hàng còn mỏng.

Theo đó, riêng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, để lập một chi nhánh mới, điều kiện mức vốn điều lệ đối ứng được nâng lên gấp ba lần so với trước đây (từ 100 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng), đồng thời mỗi ngân hàng chỉ được thành lập không quá 10 chi nhánh tại khu vực nội thành.

Điều kiện kỹ thuật cao hơn nhiều, nhưng cuối cùng cơ chế mới cũng đã được ban hành. Việc phát triển mạng lưới của hệ thống ngân hàng đã hết “quy hoạch treo” và trở nên rõ ràng hơn: đủ điều kiện thì qua, đã chạm ngưỡng thì dừng.