Quỹ phát triển khoa học công nghệ: Liệu có đủ cho doanh nghiệp nội địa?

PGS., TS. Nguyễn Đình Tài Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

TCTC Online - Đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển lâu dài, bền vững đối với bất cứ một nền kinh tế nào. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) từ khu vực doanh nghiệp là giải pháp cần thiết để phát triển KH&CN nước nhà, mà Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp là một phương thức quan trọng.

 Nhu cầu đầu tư cho khoa học và công nghệ

Theo điều tra của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2006, trình độ công nghệ Việt Nam xếp thứ 92/117 quốc gia.  Còn dựa theo “tiêu chuẩn công nghệ” của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp Quốc (UNIDO) về những ngành công nghệ cao, công nghệ trung bình và công nghệ thấp, Bảng 1 cho thấy, nhìn chung trình độ công nghiệp của Việt Nam lạc hậu hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

 Bảng  1: Trình độ công nghệ sản xuất của Việt Nam so với các nước trong khu vực, năm 2005

Quốc gia

Công nghệ cao

Công nghệ trung bình

Công nghệ thấp

Việt Nam

20,6

20,7

58,7

Phillipines

29,1

25,5

45,7

Indonesia

29,7

22,6

47,7

Thái Lan

30,8

26,5

42,7

Malaysia

51,1

24,6

24,3

Singapore

73,0

16,5

10,5

Nguồn: Báo cáo đánh giá tiêu chuẩn công nghệ, UNDO, 2006

Có thể khẳng định mức độ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp so với yêu cầu phát triển. Tỷ trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) của doanh nghiệp chỉ khoảng 1% GDP và tập trung vào các doanh nghiệp lớn, chủ yếu là các DNNN. Thực tế cho thấy, mức đầu tư bình quân cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của một tập đoàn lớn của Nhà nước cũng chỉ đạt từ 5,8 tỷ đồng (năm 2005) đến 8,5 tỷ đồng (năm 2007), trong khi mức lợi nhuận trước thuế là hàng nghìn tỷ đồng. Khu vực kinh tế tư nhân hầu như chưa tham gia vào hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D). Đa phần doanh nghiệp đổi mới công nghệ một cách thụ động, mang tính tình huống, do nhu cầu phát sinh trong quá trình kinh doanh, không có kế hoạch dài hạn, phương thức được sử dụng nhiều nhất là nguồn công nghệ nhập khẩu. Theo khảo sát của GTZ và VCCI, doanh nghiệp khu vực tư nhân chỉ dành ít hơn 0,1% doanh thu cho hoạt động nghiên cứu, triển khai, phát triển công nghệ. Còn theo số liệu của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp cơ khí - điện tử chỉ dành chưa đến 1% doanh thu cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cao nhất là các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chế biến thực phẩm với 2,9% doanh thu (số liệu năm 2003).

Chính vì lẽ đó, phần lớn các doanh nghiệp của tư nhân có trình độ công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu. Theo kết quả điều tra của VCCI[1], chỉ có 8% doanh nghiệp tự xác định là có công nghệ tiên tiến, có tới 50% doanh nghiệp đạt trình độ công nghệ trung bình, còn lại 42% doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu hoặc không tự đánh giá được. Cũng theo cuộc điều tra nói trên, trong số 41.102 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có gần 6% doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo về kỹ thuật và công nghệ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam chưa coi trọng đúng mức đến các vấn đề kỹ thuật, công nghệ, trong khi đây lại là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trên thương trường.

 Các nguồn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ

Hàng năm, Quốc hội Việt Nam phân bổ khoảng 2% tổng chi ngân sách (tương đương khoảng 0,5% GDP) cho KH&CN, nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và áp dụng thành tựu KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. So với nhiều nước trên thế giới, nguồn chi cho KH&CN ở Việt Nam về con số tuyệt đối là rất thấp. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho KH&CN từ khu vực doanh nghiệp là giải pháp cần thiết để phát triển KH&CN nước nhà, mà Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp là một phương thức quan trọng. Với khoảng 500.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập (tính đến giữa năm 2010), theo tính toán của các chuyên gia, có thể huy động được khoảng 20 nghìn tỷ đồng mỗi năm đầu tư cho KH&CN. Vấn đề là cần có một cơ chế huy động, quản lý và sử dụng thích hợp để nguồn lực đầu tư cho KH&CN tại doanh nghiệp phát huy hiệu quả.

Ngày 16/5/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2007. Quỹ là tổ chức do doanh nghiệp thành lập để đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hoá sản xuất của doanh nghiệp. Nguồn vốn của Quỹ được hình thành từ: (i) Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp, mức trích cụ thể hàng năm theo quy định không quá 10%; (ii) Nguồn vốn đóng góp tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận của các tổ chức hợp pháp, cá nhân trong và ngoài nước; (iii) Nguồn vốn hợp pháp khác.

Quỹ có thể tổ chức dưới một trong hai hình thức: (i) Đơn vị độc lập có tư cách pháp nhân đầy đủ trực thuộc doanh nghiệp; hoặc (ii) Một bộ phận (không có tư cách pháp nhân riêng) thuộc doanh nghiệp.

Cũng theo Quyết định này, nguồn vốn của Quỹ dùng để thực hiện các hoạt động như: (i) Chi hoạt động quản lý chung của Quỹ (mức chi không vượt quá 15%); (ii) Cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án KH&CN của doanh nghiệp; (iii) Hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp: a) Trang bị cơ sở vật chất- kỹ thuật cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp; b) Mua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp... phục vụ cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp; c) Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH&CN để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (không bao gồm tiền lương quản lý chung của Quỹ); d) Chi phí cho đào tạo nhân lực KH&CN của doanh nghiệp; đ) Chi cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản  xuất.

Doanh nghiệp không được sử dụng nguồn vốn của Quỹ để đầu tư cho các hoạt động khác không gắn với việc phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Mỗi chu kỳ 05 năm, nếu số dư của quỹ còn từ 50% trở lên trên tổng số lợi nhuận đã trích trong 05 năm, thì doanh nghiệp phải trích nộp ngân sách nhà nước số thuế thu nhập doanh nghiệp trên số lợi nhuận trước thuế mà Nhà nước để lại cho doanh nghiệp tương ứng với số dư còn lại của quỹ cộng phần quỹ sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ khoản lợi nhuận trước thuế đó. Như vậy, về mặt  pháp lý, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN để đầu tư cho hoạt động KH&CN, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất của doanh nghiệp. Số tiền để hình thành Quỹ được trích từ lợi nhuận trước thuế với mức 10% lợi nhuận. Để hình dung được qui mô của Quỹ này, ta phân tích Bảng 2 dưới đây.

Bảng 2: Quy mô trung bình của các doanh nghiệp trong các  khu vực kinh tế

 

DN Khu vực TN

DNNN

DN FDI

2005

2008

2005

2008

2005

2008

Vốn chủ sở hữu trung bình/ 1 DN (triệu đồng)

1.220

3.679

38.752

242.706

71.118

76.871

Lợi nhuận trung bình/1 DN (triệu VND)

54

258

3.050

29.964

14.126

18.410

Tài sản trung bình/ 1 DN (triệu VND)

3.314

14.660

129.713

887.488

157.462

192.763

Doanh thu thuần trung bình/ 1 DN (triệu VND)

6.089

17.244

77.214

473.188

106.201

169.762

Lao động trung bình/1 DN (người)

27

24

363

462

267

325

 

225,3

710,7

212,9

1,024,7

397,4

522,0

 Nguồn: Tổ Công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Đầu tư, MPI, 2010

Bảng 2 cho thấy tốc độ tăng lợi nhuận của doanh nghiệp cả 3 khu vực từ 2005 đến 2008 đều rất nhanh, đặc biệt các doanh nghiệp khu vực tư nhân và khu vực nhà nước. Tuy nhiên, về giá trị tuyệt đối thì lợi nhuận trung bình/doanh nghiệp khu vực tư nhân rất thấp, chỉ có 258 triệu đồng trong năm 2008. Giả sử, mỗi doanh nghiệp trích ra 10% lợi nhuận để lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ, thì qui mô trung bình của Quỹ cũng chỉ tầm 26 triệu đồng, một con số rất nhỏ nhoi để có thể làm được một cái gì “ra tấm ra món” cho khoa học, công nghệ. Do vậy, Quỹ này có lẽ chỉ có ý nghĩa đối với các DNNN (qui mô trung bình quỹ tầm 3 tỷ đồng) và các doanh nghiệp FDI (tầm 1,8 tỷ đồng), còn đối với khu vực tư nhân đông đảo thì tác dụng của Quỹ có chăng chỉ đối với các công ty tư nhân qui mô lớn.

Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tư nhân khó có thể trông cậy vào Quỹ  Phát triển Khoa học và Công nghệ với nguồn vốn nhỏ nhoi trích từ lợi nhuận trước thuế. Vấn đề cần bàn ở đây là ngoài Quỹ này ra, các DNNVV còn phải huy động tiền cho phát triển khoa học và công nghệ của chính mình từ đâu.

Hiện nay đang tồn tại 4 “kênh huy động chính thống” các doanh nghiệp có thể khai thác được. Đó là: Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia; các Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa; và các Quỹ Bảo lãnh Tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP của Chính phủ với chức năng tài trợ, cho vay để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức và cá nhân đề xuất. Vốn cấp năm đầu của Quỹ khi thành lập là 200 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học. Hàng năm, Quỹ được cấp bổ sung từ nguồn ngân sách ít nhất 200 tỷ đồng. Đối tượng được nhận tài trợ toàn phần, một phần hoặc cho vay không lấy lãi, lãi suất thấp bao gồm các nghiên cứu cơ bản, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất mới phát sinh có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có triển vọng nhưng nhiều rủi ro, các dự án sản xuất thử nghiệm. Ngoài ra các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên của Nhà nước do doanh nghiệp thực hiện; các dự án ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và hiệu quả các hoạt động kinh tế- xã hội cũng sẽ được hưởng các ưu đãi của Quỹ.

Để được nhận tài trợ hoặc vay vốn, các tổ chức cá nhân phải đáp ứng hai điều kiện: có đủ năng lực chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất - kĩ thuật phù hợp với từng loại nhiệm vụ khoa học và công nghệ và khi vay vốn phải tuân theo các quy định pháp luật có liên quan. Sau khi có đơn xin tài trợ hoặc vay vốn của các tổ chức cá nhân, việc xét chọn được tiến hành công khai, dân chủ và bình đẳng thông qua Hội đồng khoa học, công nghệ do Quỹ thành lập. Các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong kế hoạch của Nhà nước không nằm trong diện hưởng ưu đãi của Quỹ.

Sau khi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia  ra đời, hàng loạt Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của địa phương cũng nối tiếp nhau xuất hiện (TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Hải Dương…).  Đó  là các tổ chức tài chính trực thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do chủ tịch UBND quyết định thành lập. Các Quỹ này hoạt động theo nguyên tắc bảo tồn vốn, bù đắp chi phí và không vì mục đích lợi nhuận.

Các Quỹ Bảo lãnh Tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập theo Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp DNNVV.  Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được hình thành theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp DNNVV (thay thế Nghị định 90). Quỹ này có mục đích tài trợ các chương trình trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV, chú trọng hỗ trợ hoạt động đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. (Điều 7  Nghị định 56).

Ngoài ra, Nghị định 61/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mới ban hành gần đây (4/6/2010) đã tạo thêm một kênh vốn cho KH&CN. Theo đó, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư được Quỹ Hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới do doanh nghiệp chủ trì thực hiện nhằm thực hiện dự án; hỗ trợ 30% tổng kinh phí đầu tư mới để  thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm được cấp có thẩm quyền phê duyệt (không tính trang thiết bị, nhà xưởng đã có vào tổng mức kinh phí). Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hướng dẫn thi hành Nghị định này theo hướng: a) Đề tài, dự án có mức kinh phí đề nghị hỗ trợ từ 2 tỉ đồng trở lên do Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia xem xét tài trợ; b) Đề tài, dự án có mức kinh phí đề nghị hỗ trợ dưới 2 tỉ đồng do Quỹ Hỗ trợ Phát triển Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh xem xét tài trợ.

 Giải pháp nào để doanh nghiệp đủ vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ?

Để thực sự tạo được nguồn vốn đầu tư cho phát triển KH&CN, các doanh nghiệp, nhất là các DNNVV sẽ phải biết vận dụng, kết hợp nhiều kênh khác nhau. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước phải “để tâm” một cách thực sự đến việc hỗ trợ nguồn vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp, đặc biệt các DNNVV, chứ không chỉ tập trung giám sát chặt chẽ các khoản chi cho KH&CN.

Đối với các doanh nghiệp qui mô khác nhau không thể áp chung một chính sách. Tác giả bài này đề nghị hai nhóm giải pháp cho hai nhóm doanh nghiệp: nhóm DNNVV và nhóm doanh nghiệp lớn.

 Giải pháp đối với các DNNVV

Mặc dù, cho đến nay, chưa có điều tra, tổng kết tình hình hoạt động của các Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp, nhưng từ phân tích logic vấn đề, có thể hiểu được, các DNNVV không “mặn mà” cho lắm đối với Quỹ này. Ở đây có hai lý do: Thứ nhất, việc chi cho R&D cho dù không lấy tiền từ Quỹ này thì doanh nghiệp cũng vẫn được hạch toán vào giá thành sản phẩm; Thứ hai, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực tư nhân, không vì để trích tiền cho Quỹ mà khai báo đúng lợi nhuận. Do vậy, nguồn vốn đầu tư cho R&D của khu vực này không thể trông cậy vào Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp, ít nhất, với cơ chế quỹ như hiện nay.

Giải pháp cho R&D của khu vực DNNVV, theo tôi, nên là:

- Khuyến khích sự liên kết giữa doanh nghiệp với trường đại học, viện nghiên cứu trong hoạt động ứng dụng công nghệ mới. Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ” cho mối liên kết này thông qua việc cấp kinh phí R&D từ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và các Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của địa phương;

- Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới bằng cơ chế hỗ trợ kiểu  “chi 1 tặng 3” (Tức là, chẳng hạn, nếu doanh nghiệp bỏ ra 1 đồng đầu tư cho R&D thì Nhà nước góp cho 3 đồng);

- Nhà nước nên có Chương trình xúc tiến công nghệ dành cho các DNNVV, theo đó các doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ tài chính từ Chương trình;

- Các chính quyền địa phương thành lập các “Trung tâm đổi mới” (Innovation Centre) và các “Vườn ươm công nghệ cao” (High-tech Park/Incubator) như nhiều nước đã, đang làm và được đánh giá chung là có hiệu quả tốt. Các Trung tâm và Vườn ươm này sẽ trợ giúp những DNNVV tiếp cận được công nghệ mới khi khởi sự kinh doanh;

- Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của DNNVV, như đã phân tích ở trên, nói chung là nhỏ. Do vậy, để tránh lãng phí, đề nghị không thành lập Ban quản lý Quỹ (khái niệm Quỹ ở đây nên hiểu đơn thuần là một đầu mục tài khoản/một bút toán, chứ không phải là một pháp nhân/tổ chức).

  Giải pháp đối với doanh nghiệp lớn

Như đã nói ở phần trên, đối với các doanh nghiệp qui mô lớn, đặc biệt các tổng công ty 90, 91, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp là cần thiết, vì 10% lợi nhuận trước thuế, trong nhiều trường hợp, có thể là con số hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, để đầu tư thực sự cho R&D thì nguồn tiền từ Quỹ này cũng không đủ. Do vậy, theo tôi, đối với nhóm doanh nghiệp lớn cần có thêm            các giải pháp sau:

- Khuyến khích các doanh nghiệp lớn thành lập viện R&D chuyên nghiên cứu phát triển công nghệ cho mình; khuyến khích sự liên kết giữa doanh nghiệp với trường đại học, viện nghiên cứu trong hoạt động ứng dụng công nghệ mới, như trường hợp đối với DNNVV;

- Hình thành và phát triển loại hình Quỹ Đầu tư mạo hiểm nhằm vào đối tượng là các doanh nghiệp lớn;

- Khuyến khích sự liên kết các doanh nghiệp lớn nội địa với các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để qua đó phát triển hoạt động R&D./.



[1] Điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa của VCCI tại 30 tỉnh phía Bắc năm 2007.