Quyền tự chủ kinh doanh được xem trọng
(Tài chính) Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, Luật Đầu tư (sửa đổi) đã có những điểm sáng và tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng DN. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 46 của Luật Đầu tư có quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư.
Có thể thấy, chế định chuyển nhượng dự án đầu tư trong Luật Đầu tư (sửa đổi) thông thoáng hơn là chế định chuyển nhượng dự án trong Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Bởi lẽ, tại Khoản 1 Điều 51 Luật Kinh doanh BĐS chỉ cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS trong trường hợp chủ đầu tư dự án BĐS nếu không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án thì được phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án.
Quy định này đã khiến nhiều DN băn khoăn về quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS nếu có nhu cầu của chủ đầu tư dự án BĐS, ngay cả với điều kiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt và đã được giải phóng mặt bằng.
Còn TS. Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc CTCP Phát triển nhà Thủ Đức cho rằng, bên cạnh chế định về chuyển nhượng dự án thì quy định về chấm dứt hoạt động của dự án cũng có nét mới rất tích cực. Cụ thể, tại Điều 47 về giãn tiến độ đầu tư đối với dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải đề xuất bằng văn bản khi giãn tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và đưa công trình chính vào hoạt động hay tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư.
Còn tại Điều 48 về tạm ngừng, ngừng hoạt động của dự án đầu tư thì nhà đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư…
Chế định nêu trên được cộng đồng DN đánh giá rất cao về tính chi tiết, phù hợp thực tiễn thị trường. Như vậy, Luật đã tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư dự án, đều hoàn toàn khác với chế định thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai tại Điều 64 Luật Đất đai 2013, quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, phải đưa đất vào sử dụng;
Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này, hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.