Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường

Thanh Tú

Vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện là một trong những thách thức đối với nhiều địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đặc biệt là ở những nơi đông dân cư sinh sống, môi trường là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, ý thức của cộng đồng dân cư trong tham gia bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất quan trọng để môi trường sống trong lành.

Cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường.
Cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường… Đáng chú ý, lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường.

Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể: Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có quyền yêu cầu chủ dự án đầu tư, cơ sở cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.

Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với dự án đầu tư, cơ sở đó, trừ trường hợp các thông tin này thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; thực hiện biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

Chủ dự án đầu tư, cơ sở phải thực hiện yêu cầu của đại diện cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật. 

Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp có trách nhiệm xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể: Hộ gia đình, cá nhân giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định; Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư; Không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh;

Hộ gia đình, cá nhân chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật; Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư; Có công trình vệ sinh theo quy định; Chuồng trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình phải bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm tiếng ồn, phát tán mùi khó chịu; chất thải từ hoạt động chăn nuôi phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân ở đô thị theo quy định của pháp luật về xây dựng có trách nhiệm thẩm định, cấp giấy phép xây dựng trong đó bao gồm công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.