Ranh giới “đỏ” tín dụng ngoại tệ?
Mặc dù dự trữ ngoại hối đang ở mức kỷ lục và tỷ giá tại các ngân hàng thương mại (NHTM) từ đầu năm đến nay đã giảm 0,18%, song gần đây tín dụng ngoại tệ có dấu hiệu tăng mạnh cũng gây ra nhiều lo ngại.
Bởi bên cạnh các yếu tố thuận lợi vẫn có những bất lợi như huy động vốn ngoại tệ tăng chậm, sức ép nhập siêu tăng cao, nên khi nhu cầu vay vốn ngoại tệ lớn dễ gây áp lực lên thị trường ngoại hối trong nước và thanh khoản ngoại tệ của các NH trong những tháng cuối năm.
Tín dụng ngoại tệ tăng mạnh
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến đầu tháng 8 đạt 1.634.800 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ và tăng 10,92% so với tháng 12/2016. Theo loại tiền, dư nợ tín dụng VNĐ đạt 1.480.600 tỷ đồng, chiếm 90,56% tổng dư nợ, tăng 20,27% so với cùng kỳ; dư nợ bằng ngoại tệ đạt 154.200 tỷ đồng, chiếm 9,44% tổng dư nợ, tăng 15,47% so với cùng kỳ.
Tính từ đầu năm đến nay, dư nợ ngoại tệ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh luôn tăng đều hàng tháng, trong khi năm 2016 liên tục ghi nhận mức giảm trong các tháng và chỉ tăng nhẹ 1,12% vào tháng 12.
Về huy động, từ đầu năm đến đầu tháng 7/2017, tiền gửi ngoại tệ tại các NHTM ở TP. Hồ Chí Minh đều giảm, chỉ đến đầu tháng 8 mới ghi nhận mức tăng 6,28% so với cùng kỳ. Hiện vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 12,01% tổng vốn huy động trên địa bàn, trong khi vốn huy động VNĐ chiếm đến 87,99%.
Ở quy mô cả nước, trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết ước tính đến hết tháng 8-2017, tín dụng tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%). Cơ cấu tín dụng theo loại tiền duy trì ổn định. Tín dụng VNĐ chiếm khoảng 91,5%, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,5% tổng tín dụng.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã lưu ý, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đang cao hơn nhiều so với cùng kỳ, ước tăng 11,5%, cao hơn đáng kể so với mức 1,7% của cùng kỳ năm 2016 và tập trung chủ yếu ở nhóm NHTMCP. Ngay sau đó, NHNN đã ban hành Văn bản 7295, yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, đồng thời kiểm soát tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng ngoại tệ ở mức phù hợp, đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay, tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng bằng ngoại tệ.
Lo ngại áp lực tỷ giá
Thực tế, NHNN đã từng thực hiện chủ trương ngừng cho vay ngoại tệ trong năm 2016, tuy nhiên với nhu cầu hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, kênh vốn này được mở lại đến hết năm 2017. Theo NHNN, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn, nhất là DN xuất khẩu, chính sách tín dụng ngoại tệ được triển khai trong năm 2017 cũng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc công ty xuất khẩu tôm đông lạnh cho biết, đối với các DN xuất khẩu, vay ngoại tệ được xem là “món ăn được ưa chuộng”, vì lãi suất vay USD ngắn hạn chỉ từ 2,8-4,7%/năm. Trong khi đó, dù lãi suất VNĐ cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên đã giảm nhưng vẫn cao hơn, từ 6-6,5%/năm. Khi vay USD, DN sẽ tiết kiệm được một khoản lớn để giảm chi phí vốn so với vay VNĐ.
Ở góc độ quản lý nhà nước, việc vay ngoại tệ nhiều sẽ ảnh hưởng đến chính sách chống đô la hóa nền kinh tế. Thế nhưng các DN cũng muốn hưởng lãi suất tốt để hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác nên DN xuất khẩu chỉ muốn vay USD. Với NH, hiện nay huy động USD với lãi suất 0%/năm, trong khi cho vay ngoại tệ ngắn hạn với lãi suất 2,8-4,7%/năm nên nhiều NH cũng tích cực hỗ trợ DN xuất khẩu tiếp cận vốn vay ngoại tệ.
Theo một chuyên gia tài chính, đà tăng tín dụng ngoại tệ mạnh sẽ gây áp lực đến tỷ giá cuối năm, nên việc lo ngại của cơ quan quản lý là đương nhiên, bởi sức ép nhập siêu hiện nay tăng cao. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy mức nhập siêu của Việt Nam tính chung 8 tháng là 2,13 tỷ USD.
Trong khi đó các khoản vay ngoại tệ của DN thường đáo hạn vào khoảng cuối quý III đến hết quý IV trong năm, nên nhu cầu mua ngoại tệ để hoàn trả các khoản vay cũng tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Song song đó, nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh cuối năm theo yếu tố mùa vụ cũng gia tăng, và không loại trừ trường hợp NHTM mua ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN.
Trong bối cảnh như vậy, áp lực ngoại lai như phía Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) dù quyết định tiếp tục duy trì lãi suất chính sách ở mức 1-1,25%, nhưng dự kiến sẽ tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất chính sách vào tháng 12. Bên cạnh đó là xu hướng biến động khó lường của nhân dân tệ và yên Nhật sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.
Siết chặt quản lý
Siết chặt quản lý
Rõ ràng, sự thận trọng của NHNN khi tín dụng ngoại tệ tăng mạnh là điều cần thiết, khi thực tế chênh lệch huy động và cho vay ngoại tệ tại các NH đang khá lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, chỉ có một số NH như ACB, Eximbank, SHB, Vietcombank huy động vốn ngoại tệ tăng so với cùng kỳ, nhưng mức tăng khá thấp.
Cụ thể, vốn huy động ngoại tệ tại ACB tăng 1,3%, Eximbank tăng 1,4%, SHB tăng 7%, Vietcombank tăng 6,7%. Song cho vay ngoại tệ của các NH này tăng trưởng rất khá như tại ACB tăng 8,4%, Eximbank tăng 11,8% và SHB tăng 35,2%. Trong khi đó, có khá nhiều NH huy động ngoại tệ giảm nhưng cho vay lại tăng mạnh, như huy động ngoại tệ của VietinBank giảm 0,1% nhưng cho vay ngoại tệ tăng đến 11,5%, cho vay ngoại tệ tại BIDV tăng 6,3% trong khi huy động giảm 10,7%, thậm chí tại MB và VPBank tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng rất mạnh lần lượt ở mức mức 24,9% và 45,5%, trong khi huy động ngoại tệ của MB giảm 3,6% và VPBank giảm 13,8%.
Năm 2017, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã không ngừng tăng và đạt con số cao kỷ lục từ trước đến nay 42 tỷ USD. Đây là một yếu tố quan trọng giúp NHNN giữ ổn định được tỷ giá VNĐ/USD. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn chưa vượt quá mức 2,5 tháng nhập khẩu trong các năm qua và một số năm tới, trong khi theo quy ước quốc tế dự trữ ngoại hối của một quốc gia phải tương đương với ít nhất 3 tháng nhập khẩu mới an toàn để chống đỡ với các cơn sốc về cầu ngoại tệ.
Do đó, các chuyên gia kinh tế lưu ý, dù dự trữ ngoại hối đạt được kỷ lục nhưng cũng không thể chủ quan và NHNN cho thấy quan điểm này trong điều hành chính sách tiền tệ của mình.
Tại Văn bản 7925, NHNN đã thể hiện sự nghiêm khắc và dứt khoát khi đưa ra hàng loạt yêu cầu buộc các TCTD phải chấp hành. Cụ thể, các TCTD tự kiểm tra, phát hiện những vi phạm về mức lãi suất huy động; chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị của TCTD để xảy ra vi phạm, không chấp hành các quy định của NHNN.
TCTD phải chủ động báo cáo về NHNN những TCTD cạnh tranh không lành mạnh vi phạm quy định về mức lãi suất huy động bằng ngoại tệ. Cơ quan Thanh tra, giám sát NH và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của NHNN về lãi suất huy động bằng ngoại tệ từ ngày 12/9 và những trường hợp vi phạm sẽ được xử phạt nghiêm tùy theo mức độ vi phạm.