Ráo riết chống hàng nhập lậu cuối năm
Đã thành quy luật, cuối năm, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng Trung Quốc nhập lậu qua biên giới thuộc các tỉnh biên giới từ Bắc vào Nam trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Lợi dụng nhu cầu hàng hóa vào dịp cuối năm tăng cao, nhiều đối tượng buôn lậu ráo riết tìm mọi cách để đưa hàng vào sâu trong nội địa, tập kết hàng để tìm thời điểm thuận lợi tung ra thị trường.
Thực tế câu chuyện 200 tấn nội tạng động vật tạm nhập, tái xuất vào thị trường nội địa bị hải quan Lạng Sơn bắt giữ vừa qua là minh chứng cho việc các quy định của Luật vẫn còn nhiều kẽ hở. Kẻ xấu ngang nhiên nhập thực phẩm đã bị hư hỏng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vào thị trường nội địa, chứa trong các kho ngoại quan, rồi mua hóa đơn để hợp thức hóa thành hàng tiêu thụ trong nước. Theo Ban chỉ đạo 127 tỉnh Lạng Sơn, bình quân một ngày có hàng tỷ tiền hàng hóa nhập lậu được vận chuyển, chỉ cần cho mã số thuế và số lượng là hàng sẽ về đến tận nơi kèm chứng từ hóa đơn đầy đủ. Trong khi đó, công tác giám định, kiểm định chất lượng hàng hóa vừa thiếu, vừa yếu lại chi phí cao đã vô tình hạn chế công tác ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng không đảm bảo vệ sinh thực phẩm vào thị trường nội địa.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, khi bị quản lý chặt hàng tạm nhập tái xuất sẽ được các đối tượng đưa về thị trường nội địa theo đường mòn lối mở. Tổng cục Hải quan cũng đề xuất giải pháp là Thủ tướng giao cho 1 bộ chủ trì phối hợp với lực lượång chức năng thu thập nắm bắt diễn biến sự thay đổi chính sách mậu biên của Trung Quốc để đưa ra những khuyến cáo cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất những thông tin cần thiết để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, tránh thiệt hại lớn về kinh tế, tránh tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu. Buộc chủ hàng phải tái xuất hàng hóa về nước xuất khẩu hoặc sang nước thứ ba theo công ước Basel, nếu không tái xuất được thì buộc doanh nghiệp phải tiêu hủy, nếu không tiêu hủy được thì phải chịu mọi chi phí tiêu hủy.
Qua quá trình đấu tranh và bắt giữ rượu giả trong số các loại hàng giả khác, lực lượng chức năng cho biết, có yếu tố móc nối của cá nhân với tổ chức nước ngoài làm hàng giả, nhất là giả mạo xuất xứ các thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước. Hàng lậu, hàng giả nước ngoài còn được “nội địa hóa” bằng phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới thành các sản phẩm của Việt Nam. Việc kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn đang tăng lên, khó kiểm soát. Trong khi đó, chế tài xử phạt không đủ sức răn đe, khiến các đối tượng xấu liên tục tái phạm.
Một điều rất dễ nhận thấy hiện nay, là trong các chợ, trung tâm thương mại, đặc biệt ở các chợ biên giới, cửa khẩu lượng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất lớn 90-95%, át hẳn các mặt hàng trong nước sản xuất. Nhưng chắc chắn không ai có thể khẳng định được trong số đó có tỷ lệ bao nhiêu là hàng được nhập hợp pháp. Chính vì khó kiểm soát được cụ thể, nên hàng lậu vẫn “có đất” để tồn tại trên thị trường. Và đương nhiên với lợi thế giá rẻ, mẫu mã đẹp, phong phú nó sẽ “bóp chết” hàng nội, gây khó khăn cho sản xuất trong nước, nhất là trong bối cảnh hàng tồn kho lớn như hiện nay. Điều nguy hiểm hơn cả đang diễn ra tại một số tỉnh phía nam là các đối tượng vi phạm còn lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để đặt sản xuất hàng giả, hàng nhái Việt Nam ở nước khác rồi đưa về thị trường nội địa tiêu thụ.
Rõ ràng các thủ đoạn vận chuyển, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp. Các lực lượng chức năng mặc dù đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhưng xem ra cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn hết sức cam go. Các chế tài xử phạt vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, một mặt các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực này, tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành để kiểm tra, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, xử phạt nghiêm hơn nữa trường hợp vi phạm. Mặt khác, quan trọng hơn, đó là các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm với giá cả cạnh tranh so với hàng nhập ngoại. Bên cạnh đó, cần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân trong nước cũng như sự hiểu biết về các chủng loại, chất lượng hàng hóa trên thị trường để có sự lựa chọn sáng suốt. Có lẽ, đây mới là biện pháp căn cơ, lâu dài để đẩy lùi hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái vào thị trường trong nước.