Rộng cửa cho vốn ngoại tái cơ cấu ngân hàng
(Tài chính) Tuy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “bật đèn xanh” cho nhà đầu tư ngoại mua cổ phần vượt trần tại ngân hàng yếu, nhưng không có nghĩa nhà đầu tư nào cũng có thể dễ dàng thâu tóm ngân hàng nội.
Tỷ lệ của từng trường hợp cụ thể sẽ được Thủ tướng quyết định, song điều này có nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài có thể được mua cổ phần chi phối đối với ngân hàng yếu, thậm chí sở hữu 100% vốn ngân hàng yếu. Đây chính là điều các nhà đầu tư nước ngoài mong đợi từ lâu.
Một doanh nghiệp ngoại từng nói, sẽ là viển vông nếu nghĩ nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua lại những ngân hàng hoạt động trì trệ, yếu kém với tỷ lệ sở hữu từ 49% trở xuống.
Như vậy, có thể hiểu rằng, họ sẽ chỉ mua trong trường hợp được nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, đồng nghĩa với việc được nắm quyền kiểm soát, thay đổi toàn bộ quản trị, điều hành của ngân hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có dấu hiệu bão hòa, song Thông tư 38/2014/TT-NHNN vẫn mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam.
Thứ nhất, NHNN đã định hướng 3 năm tới, thị trường chỉ còn 15 - 17 ngân hàng, tức thị trường sẽ rộng mở hơn, cạnh tranh sẽ bớt quyết liệt hơn.
Thứ hai, tuy thị trường ngân hàng hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng ngân hàng ngoại tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều cửa làm ăn, bởi họ có nhiều dịch vụ mà ngân hàng nội chưa có hoặc rất yếu. Bên cạnh đó, ngân hàng ngoại có lượng khách hàng riêng rất hùng hậu mà ngân hàng nội khó chiếm lĩnh, đó là khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang lớn mạnh rất nhanh ở nước ta. Hầu hết các doanh nghiệp này đều lựa chọn giao dịch với ngân hàng nước ngoài.
Thứ ba, việc xin được giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam không hề đơn giản. Chưa kể, nếu thành lập, các ngân hàng ngoại cũng không dễ mở rộng mạng lưới chi nhánh của mình. Trong khi đó, nếu mua lại ngân hàng yếu kém, cải tổ lại thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài, thì ngân hàng ngoại dễ dàng có giấy phép, đồng thời có thể tận dụng ngay mạng lưới chi nhánh của ngân hàng đó.
Tất cả những yếu tố trên khiến ngân hàng yếu đang trở thành món hàng hấp dẫn trong mắt không ít nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư ngoại nào cũng có thể dễ dàng mua ngân hàng yếu kém.
Việc đưa ra những ràng buộc trách nhiệm trên với nhà đầu tư ngoại là rất cần thiết, nhằm loại bỏ được những nhà đầu tư không có năng lực, không có ý định gắn bó lâu dài với ngân hàng yếu và không có ý định tái cơ cấu thực sự ngân hàng yếu.
Để lọt vào “mắt xanh” của các ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng trước hết phải minh bạch, các báo cáo phải được kiểm toán. Đồng thời, cổ đông lớn của các ngân hàng đó cũng phải chấp nhận trả giá. Sẽ khó có giá hời cho ngân hàng yếu, quản trị kém, nợ xấu cao, tài chính bết bát. Trong trường hợp nhà đầu tư ngoại mua cổ phần chi phối, nhưng không phải mua 100% vốn, sự thành công của thương vụ còn phụ thuộc vào khả năng hợp tác giữa hai bên, sự hiểu nhau và sự thống nhất quan điểm trong xây dựng và phát triển ngân hàng.
Rõ ràng, Thông tư 38/2014/TT-NHNN đã mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như cơ hội xử lý ngân hàng yếu kém tại Việt Nam, nhưng để biến cơ hội thành hiện thực, các bên phải có quyết tâm rất lớn. Nhà đầu tư sẽ nản lỏng nếu các ngân hàng “xác sống” không được xử lý dứt điểm mà vẫn được cho phép tồn tại vật vờ, ảnh hưởng xấu tới cả hệ thống. Sự “chắc lép” của các ngân hàng yếu cũng làm thương vụ khó thành công. Trường hợp GPBank gần 2 năm chưa đàm phán xong thương vụ bán 100% vốn cho Ngân hàng UOB (Singapore) là một ví dụ điển hình.