Rộng cửa đón doanh nghiệp Đức

Theo Báo Đầu tư

Việt Nam cam kết tạo thuận lợi tối đa, mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp Đức, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, năng lượng, giáo dục và đào tạo.

Rộng cửa đón doanh nghiệp Đức
Tròn một năm kể từ ngày Việt Nam và CHLB Đức chính thức trở thành đối tác chiến lược (tháng 10/2011), mối quan hệ Việt Nam - Đức đã phát triển mạnh mẽ và tích cực trên tất cả các mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - đầu tư. Đức liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).

Vào dịp hai nước kỷ niệm 37 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và chuẩn bị kỷ niệm 22 năm ngày Quốc khánh Đức, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức Philipp Roesler cùng 56 doanh nghiệp hàng đầu của Đức đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào ngày 17/9. Song song với đó, Bộ trưởng Philipp Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng có chuyến thăm chính thức 4 ngày tới CHLB Đức và dự Diễn đàn Thương mại đầu tư Việt - Đức.

“Đức rất mong muốn có được những cơ hội mới trong hợp tác với Việt Nam ở các lĩnh vực chăm sóc y tế, năng lượng, giáo dục và đào tạo. Đây đều là những lĩnh vực mà Đức có nhiều kinh nghiệm và công nghệ hiện đại”, Bộ trưởng Philipp Roesler khẳng định tại cuộc hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đàm phán cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

đề xuất trên của Bộ trưởng Philipp Roesler đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, với lời cam kết tạo thuận lợi tối đa, mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp Đức.

Trong chuyến đến thăm tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp Đức đã đề nghị các cơ chế hợp tác với Việt Nam. ông Klaus Hellmann, Tổng giám đốc Hellmann Worldwide Logistics đề nghị được trở thành đối tác theo mô hình hợp tác công tư (PPP) tại dự án y tế của Việt Nam. Bộ trưởng Philipp Roesler cũng đề nghị được thí điểm thành lập một bộ phận chuyên biệt phụ trách về mô hình PPP tại dự án này, với các thành viên tới từ Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Khẳng định đây là ý tưởng tốt, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho dự án này, vì việc áp dụng mô hình PPP trong lĩnh vực y tế còn khá mới mẻ tại Việt Nam. “Dù vậy, không quá khó khăn để thiết lập một lực lượng chuyên trách về mô hình PPP”, Bộ trưởng Vinh khẳng định.

Cùng với lĩnh vực y tế, các doanh nghiệp Đức cũng muốn hợp tác với Việt Nam trong chiến lược phát triển năng lượng. “Với lợi thế công nghệ, kinh nghiệm và vốn của Đức, sẽ là một giải pháp tốt nếu các doanh nghiệp Đức và Việt Nam có thể liên doanh trong ngành công nghiệp này”, ông Philipp Roesler khẳng định.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Đức cho biết, họ chờ đợi các cơ chế pháp lý rõ ràng hơn trong lĩnh vực năng lượng. “Giá bán điện của Việt Nam thấp hơn chi phí sản xuất điện gió, nên Việt Nam sẽ khó thu hút đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Pekka Paasivaara, đại diện Công ty Germanischer Lloyd nêu ví dụ.

Đối với hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các doanh nghiệp như Hellmann Worldwide Logistics, Siemens và Metro Cash & Carry khẳng định, họ sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo các nhân viên lành nghề, thông qua các trung tâm đào tạo và các khóa học của mình.

Tuần trước, Trường Đại học Việt - Đức tại TP.HCM, cũng tuyên bố sẽ xây một cơ sở mới tại Bình Dương, để đáp ứng nhu cầu nhân lực có trình độ ngày càng tăng của doanh nghiệp. Việc xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017, với kinh phí 180 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới và 2 triệu USD từ Chính phủ Việt Nam.

Một số công ty Đức bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm chế biến. Ông Andreas Campioni, Giám đốc tiếp thị toàn cầu của Công ty Thực phẩm Đức - Việt cho biết, Công ty sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác từ Đức để đem công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại vào Việt Nam.