Rốt ráo xử lý sở hữu chéo ngân hàng

Theo sggp.org.vn

(Tài chính) Việc sở hữu, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam là một trong những nguyên nhân gây cản trở quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Để góp phần bảo đảm cho hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh, minh bạch cũng như phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của TCTD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xác định rõ mục tiêu là phải xử lý sở hữu chéo. Thời gian qua, trong quá trình tái cấu trúc, các ngân hàng cũng đã có chủ trương hợp nhất, sáp nhập nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Việc “quy về một mối” này cũng nằm trong lộ trình giảm sở hữu chéo của các ngân hàng.

Rốt ráo xử lý sở hữu chéo ngân hàng
Việc sở hữu, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD Việt Nam là một trong những nguyên nhân gây cản trở quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Nguồn: internet
Sáp nhập để giảm sở hữu chéo

Theo các chuyên gia, sở hữu chéo tăng lên trong hệ thống ngân hàng trước đây là do sức ép tăng vốn pháp định của các ngân hàng thương mại (NHTM) theo quy định, các cổ đông đã góp vốn bằng tiền ảo vì không có năng lực góp vốn. Về sở hữu chéo và tình trạng vốn ảo hiện nay, lãnh đạo NHNN Việt Nam cũng nhìn nhận việc này đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và có thể ảnh hưởng hệ thống TCTD. Chính vì thế, việc đẩy mạnh mua bán sáp nhập (M&A) các ngân hàng trong thời gian qua cũng nhằm khắc phục tình trạng này. Các ngân hàng có chung nhiều cổ đông lớn đã được gom về một mối như giải pháp để “cắt” sở hữu chéo. Đầu tiên là sự hợp nhất 3 ngân hàng có chung một chủ vào cuối năm 2011 là SCB, TinNghiaBank và Ficombank thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Tiếp đến DaiABank và HDBank cũng sáp nhập với nhau và mua thêm một công ty tài chính khác thành Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) vào cuối năm 2013. Trước đó, cổ đông lớn của HDBank có sở hữu cổ phần lớn tại DaiA Bank và công ty tài chính này.

Ngoài 2 thương vụ sáp nhập thành công trên, tại mùa đại hội cổ đông vừa qua, nhiều ngân hàng cũng đã công bố kế hoạch sáp nhập như MB Bank, Ngân hàng Bản Việt, Sacombank, Maritime Bank… Hiện một số ngân hàng đã công bố tên ngân hàng sẽ sáp nhập như Southern Bank - Sacombank, MDB - Maritime Bank. Qua báo cáo cho thấy, các ngân hàng này đều có hình dáng chung về cơ cấu sở hữu cổ đông. Có ý kiến cho rằng, thương vụ sáp nhập Southern Bank và Sacombank được cho là phương án khả thi để xử lý sở hữu chéo cũng như giải quyết được vấn đề vượt tỷ lệ sở hữu cho phép. Bởi lẽ, ông Trầm Bê và gia đình hiện sở hữu trên 20% cổ phần tại Southern Bank và trên 6% cổ phần tại Sacombank. Tương tự, hiện Maritime Bank đang nắm giữ trên 10% cổ phần tại MeKong Bank và trong đại hội cổ đông mới đây, Maritime Bank và MeKong Bank đã có kế hoạch sáp nhập với nhau.


“Cắt” sở hữu chéo

Theo các chuyên gia tài chính, trước đây, sở hữu chéo diễn ra dưới nhiều hình thức, nhưng hiện tượng khá phổ biến là các công ty con của ông chủ phát hành trái phiếu, ngân hàng mẹ mua, sau đó chuyển cho ông chủ để góp vốn vào ngân hàng mẹ. Đó là vấn đề bức xúc nhất dẫn đến những tiêu cực, chứ bản thân sở hữu chéo không xấu. Chính vì thế, để hạn chế những tiêu cực trong sở hữu chéo, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhất là đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần. Bên cạnh đó, cũng cần giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các TCTD; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán...

Trong các cuộc họp về ngành ngân hàng, lãnh đạo NHNN cũng đã khẳng định sẽ xử lý sở hữu chéo bằng cách sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng. Tuy vậy, vị lãnh đạo này cũng cho rằng, sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD là vấn đề mang tính lịch sử nên không thể giải quyết ngay một lúc mà cần phải có thời gian. Đặc biệt trong quá trình xử lý không được gây khó khăn và ảnh hưởng tiêu cực trong hoạt động của các ngân hàng. Và để hạn chế tình trạng này, NHNN đã dự thảo thông tư quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng để thay thế Thông tư 13.

Theo đó, dự thảo quy định rõ ngân hàng không được góp vốn, mua cổ phần của DN, tổ chức tín dụng khác là người có liên quan của cổ đông, thành viên góp vốn của chính ngân hàng. Bên cạnh đó, công ty con, công ty liên kết của ngân hàng không được góp vốn, mua cổ phần của nhau. Ngân hàng chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa của 2 tổ chức tín dụng với mức dưới 5% cổ phần có quyền biểu quyết. Trong đó, tỷ lệ này đã được tính luôn cả sự sở hữu cổ phần ngân hàng của thành viên hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát và người có liên quan. Quy định này nhằm hạn chế việc các cổ đông sáng lập kiểu gia đình bao gồm vợ, chồng, con… đồng sở hữu lượng cổ phần lớn tại nhiều ngân hàng khác nhau.

Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý nữa là dự thảo này quy định thêm nhiều đối tượng không được ngân hàng cấp tín dụng tín chấp (không có tài sản đảm bảo) và hạn chế nhiều đối tượng được cấp tín dụng có thế chấp, bao gồm: cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, kế toán trưởng, người thẩm định xét duyệt cấp tín dụng, công ty con - công ty liên kết - công ty mà ngân hàng nắm quyền kiểm soát. Đối với các khoản tín dụng có tài sản thế chấp được ngân hàng cấp cho các đối tượng trên, dự thảo cũng quy định các TCTD phải báo cáo với đại hội cổ đông, chủ sở hữu và NHNN để được theo dõi, giám sát… Nhiều ý kiến cho rằng, khi dự thảo thông tư được thông qua và ban hành sẽ “cắt” được tình trạng sở hữu chéo, cũng như tạo ra môi trường kinh doanh tiền tệ công khai, minh bạch.