Sacombank chìm trong những cuộc lật đổ
Việc sáp nhập Eximbank-Sacombank dù mới chỉ được thông báo ở mức định hướng nhưng dường như đó là một phần của kế hoạch đã được lập trình sẵn với những cú lật đổ, rầm rập kẻ đến người đi.
Họ Đặng mất chỗ ở Sacombank
Với Sacombank, mọi thứ gần như đã thay đổi hoàn toàn và dường như đây là tâm của cơn bão. Toàn bộ đại diện gia đình ông Đặng Văn Thành đã rút lui khỏi ngân hàng này chỉ trong vòng khoảng 2 tháng gần cuối năm 2012.
Ngày 11/12, Hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank – STB đã họp và thống nhất thông qua nguyện vọng từ nhiệm của ông Đặng Hồng Anh. Với quyết định này, gia đình ông Đặng Văn Thành – bố ông Đặng Hồng Anh cũng là người gây dựng và phát triển Sacombank trong 20 qua đã không còn đại diện nào tại một trong NH này.
Không những thế, sự hiện diện của gia đình doanh nhân nổi tiếng này ở nhóm DN “Sacom”, có chăng chỉ còn lại ông Đặng Hồng Anh với vai trò trong HĐQT Sacomreal – DN địa ốc có quan hệ mật thiết với Sacombank.
Cũng trong khoảng thời gian này, bà Huỳnh Bích Ngọc – mẹ ông Đặng Hồng Anh – cũng từ nhiệm HĐQT công ty mía đường Bourbon Tây Ninh (mã SBT) sau khi khi từ bỏ chức danh chủ tịch HĐQT công ty này. Trước đó, Huỳnh Bích Ngọc cũng đã từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT tại Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS).
Bà Đặng Huỳnh Ức My, con gái ông Đặng Văn Thành, cũng thôi chức CEO Thành Thành Công – một DN của gia đình họ “Đặng” có nhiều khoản đầu tư vào ngân hàng Sacombank và các DN mía đường – với lý do sức khỏe yếu.
Trước đó, ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank đã xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT từ ngày 5/11 với lý do sức khỏe và các vấn đề cá nhân và không tham gia công việc tại ngân hàng quy mô chục nghìn tỷ (từ mức vốn ban đầu 3 tỷ). Người thay thế ông Thành, một ngày sau khi ông thành thôi chức Chủ tịch HĐQT Sacombank (1/11/2012) là ông Phạm Hữu Phú mới xuất hiện ở Sacombank sau cuộc thâu tóm.
Sự thay đổi ban lãnh đạo của Sacombank dường như đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ trước đó. Cụ thể, sau đại hội cổ đông của ngân hàng vào tháng 5/2012, cơ cấu HĐQT gần như thay đổi hoàn toàn, chỉ có chủ tịch HĐQT Đặng Văn Thành và phó chủ tịch Đặng Hồng Anh ở lại.
Trong cơ cấu ban Giám đốc, Sacombank khi đó bổ nhiệm mới 11 vị trí phó tổng giám đốc (TGĐ) và 1 vị trí TGĐ. Ông Phan Huy Khang chính thức lên làm TGĐ kể từ ngày 3/7 sau khi ông Trần Xuân Huy từ nhiệm. Cũng kể từ khi đó, ông Khang là người đại diện theo pháp luật của Sacombank, thay cho ông Đặng Văn Thành.
Lần lượt các thành viên gia đình họ Đặng rút lui khỏi Sacombank có lẽ là một kết cục khó tránh khỏi trong bối cảnh NH này gặp nhiều khó khăn, nhóm cổ đông lớn đã nắm được quyền chi phối và gia đình cũng như những người liên quan ông Thành lần lượt thoái vốn khỏi Sacombank.
Người mới đến rồi đi
Cho đến thời điểm này, vẫn khó có thể xác định được cơ cấu cổ đông lớn tại Sacombank sẽ còn thay đổi như thế nào, thay đổi nhiều hay ít, ai sẽ đến và ai sẽ rút lui. Đây là điều mà nhiều người đã nghĩ tới bởi gần đây nhất con trai của gia đình đình ông Trầm Bê đang nắm nhiều vốn tại Sacombank lđang đăng ký bán ra cổ phiếu.
Ngày 29/1/2013, ông Trầm Trọng Ngân – con trai lớn của ông Trầm Bê – đăng ký bán 30 triệu cổ phiếu trên tổng số 48 triệu cổ phiếu sở hữu (tương đương 4,93% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) từ dự kiến từ 1/2/2013 đến 2/3. Động thái này diễn ra trong bối cảnh trước đó ông Ngân đã đăng ký bán toàn bộ 48 triệu cổ phiếu (20/12/2012 đến 19/1/2013) nhưng không thành.
Tuy nhiên, đó là tương lai. Hiện tại, vai trò quản trị Sacombank vẫn đang thuộc những người mới đến ngân hàng Phương Nam trong cuộc họp đại hội cổ đông hồi giữa năm ngoái, đáng chú ý là 4 thành viên từ ngân hàng Phương Nam chuyển sang, đó là ông Trầm Bê, ông Trầm Khải Hòa (con ông Trầm Bê), ông Phan Huy Khang và bà Dương Hoàng Quỳnh Như.
Thống kê cho thấy, gia đình ông Trầm Bê hiện đang nắm nhiều vốn nhất trong số trong số các thành viên HĐQT Sacombank.
Ông Trầm Trọng Ngân, con trai lớn của ông Trầm Bê cho dù đang đăng ký bán 30 triệu cổ phiếu nhưng mới chỉ trên lý thuyết và vẫn đang đang sở hữu 48 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,47% vốn ngân hàng. Giả sử có bán thành công, số cổ phiếu ông Ngân nắm giữ vẫn còn 1,84%.
Ngoài ông Ngân, ông Trầm Khải Hòa – một người con trai khác của ông Trầm Bê, và là thành viên HĐQT Sacombank cũng đang nắm giữ gần 21 triệu cổ phiếu STB. Bà Trầm Thuyết Kiều, con gái ông Trầm Bê cũng đang sở hữu 3,15 triệu cổ phiếu STB, chiếm tỷ lệ 0,29% vốn. Trong khi đó, ông Trầm Bê – hiện đang là phó chủ tịch ngân hàng này, nắm giữ 115 nghìn cổ phiếu STB tương ứng 0,01% vốn.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là giống như lần đứng ra tuyên bố nắm quyền chi phối Sacombank (giữ 51%), người đứng ra công bố về định hướng sáp nhập lần này tiếp tục là Ngân hàng Eximbank.
Vai trò Eximbank với tư cách một cổ đông lớn nắm tới hơn 10% cổ phần STB có lẽ là mạnh mẽ nhất, át cả các cổ đông lớn khác như gia đình ông Trầm Bê và các thành viên đến từ Ngân hàng Phương Nam vốn chiếm phân nửa bộ máy quản trị Sacombank.
Viễn cảnh Sacombank xem ra còn có nhiều diễn tiến. Chỉ có một điều chắc chắn là gia đình đại gia Đặng Văn Thành đã bị lật đổ khỏi ngân hàng nhưng người ta lại đang tiếp tục chờ đợi những cuộc lật đổ mới ở Sacombank.