Sai lầm khi dùng thẻ tín dụng như ATM

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Dùng thẻ tín dụng nhưng vẫn giữ thói quen cũ với thẻ ATM như: rút tiền mặt, quẹt thẻ tẹt ga mà quên mình đang tiêu bằng tiền đi vay... có thể khiến bạn tiền mất tật mang.

Không nên cho mượn, chụp lại thẻ tín dụng. Nguồn: internet
Không nên cho mượn, chụp lại thẻ tín dụng. Nguồn: internet
1. Để thẻ tín dụng ở khắp mọi nơi

Khác thẻ ATM (thẻ ghi nợ nội địa), thẻ tín dụng (credit card) không cần nhập mã PIN (mật khẩu) khi thanh toán tại quầy. Hơn nữa, chỉ cần có đủ thông tin ở mặt trước và mặt sau thẻ tín dụng, người dùng (không phân biệt chủ thẻ hay không), vẫn có thể thanh toán trực tuyến. Do đó, các tổ chức phát hành luôn khuyến cáo người sử dụng tuyệt đối giữ bí mật thông tin chủ thẻ.

Tuy nhiên, giám đốc trung tâm thẻ của một ngân hàng chi nhánh nước ngoài có thị phần khá lớn cho biết, tình trạng cho mượn thẻ tín dụng của người Việt Nam rất phổ biến. "Cho người nhà mượn thẻ để thanh toán nhưng đôi khi họ lại vứt thẻ linh tinh. Một số người thậm chí còn chụp ảnh chiếc thẻ mà quên không làm mờ các chữ số in trên đó. Tất cả đều rất nguy hiểm".

Theo một thống kê gần đây, khoảng 70% thông tin cá nhân bị đánh cắp do khách hàng lơ là, không quan sát thẻ khi thanh toán. Nhiều người vẫn giữ thói quen đưa thẻ cho nhân viên quẹt trong khi kẻ gian hoàn toàn có thể chụp lại mặt trước và sau và lấy cắp thông tin để trục lợi. 

2. Quên rằng mình đang tiêu tiền đi vay

Quẹt thẻ ATM thì bạn đang chi tiêu bằng tiền của mình có sẵn trong đó. Ngược lại, khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, thực chất bạn đang tiêu bằng số tiền đi vay trước của ngân hàng. Tuy nhiên, không ít khách hàng, đặc biệt là những người trẻ, lại thường quên điều này khi đứng trước những cạm bẫy mua sắm.

Sau tối đa 45 ngày, người dùng phải hoàn trả lại tiền đã tiêu nhưng thực tế cho thấy, không ít người chỉ thanh toán số dư tối thiểu thay vì toàn bộ số tiền mua sắm trong tháng. Hiện lãi suất các ngân hàng tính đều khá cao, từ 20-30% một năm. Do đó, bạn chỉ nên chi tiêu bằng thẻ tín dụng khoản tiền mà mình chắc chắn sẽ hoàn lại trong tháng. Nếu không, bạn sẽ dính sâu vào những nợ nần. 

3. Mở quá nhiều thẻ tín dụng

Lại một thói quen xấu của thẻ ATM ảnh hưởng đến việc sử dụng thẻ tín dụng của bạn. Do công ty thay đổi ngân hàng trả lương, các chương trình miễn phí phát hành thẻ nhiều... nên việc một người cùng lúc có gần chục thẻ ATM là điều bình thường. Tuy nhiên, với thẻ tín dụng, nếu mở quá nhiều sẽ là một cái bẫy rất lớn đối với mọi người sử dụng vì nó sẽ ảnh hưởng đến ví tiền của bạn. 

Theo lãnh đạo một ngân hàng, mỗi người chỉ nên có tối đa 2 thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, xếp hạng tín dụng - tiêu chí quan trọng để có thể vay tiền ngân hàng từ nay về sau - sẽ không tốt nếu các nhà băng biết bạn mở quá nhiều thẻ tín dụng. 

Nếu được cấp hạn mức khá lớn, bạn chỉ cần mở một thẻ. Không nên vì nghe những quảng cáo "miễn phí phát hành", "miễn phí thường niên"... của các nhân viên tư vấn mà tự làm khó cho mình. Bên cạnh đó, phí thường niên thường chỉ miễn phí năm đầu tiên và phí dịch vụ liên quan đến thẻ tín dụng của mọi nhà băng thường đắt hơn rất nhiều so với thẻ thông thường. 

4. Không nhớ ngày thanh toán

Vì không bao giờ phải trả lại tiền đã tiêu cho ngân hàng khi dùng thẻ ATM nên nhiều người thường quên lịch thanh toán khi dùng thẻ tín dụng. Phí trả chậm cũng không hề thấp. Chưa kể, lãi suất sẽ bắt đầu được tính với các khoản chi tiêu trong tháng.

Quan trọng hơn, bạn sẽ bị nhảy nhóm nợ xấu nếu đến hạn chưa thanh toán dư nợ tối thiểu trong kỳ. Do đó, để khắc phục tình trạng này, nên để nhắc nhở trên điện thoại hoặc chủ động thanh toán ngay khi có lương, có khoản thu nhập. 

5. Rút tiền mặt

Vai trò chính của thẻ tín dụng là thanh toán chứ không phải để rút tiền mặt. Tuy nhiên, không ít người vẫn quên khuấy điều này dù tất cả các nhà phát hành đều tính phí rút tiền mặt khá cao (từ 3-4% số tiền rút). Chưa kể, khoản tiền này sẽ được xem như khoản vay cá nhân với lãi suất được tính ngay từ thời điểm rút tiền. 

Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số người mở thẻ tín dụng chỉ để rút tiền, bất chấp phí rất đắt. Cách thức này chỉ nên dùng trong trường hợp hạn hữu bởi sẽ khiến bạn dễ dàng rơi vào vòng xoáy nợ nần.