Sáng kiến chung Việt-Nhật giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn V khởi động vào cuối tháng 7/2013 và kết thúc vào tháng 12/2014.

Sáng kiến chung Việt-Nhật giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Lễ ký kết Sáng kiến chung Việt-Nhật giai đoạn VI. Nguồn: internet

Sau 18 tháng triển khai, về cơ bản, hai bên đã thực hiện tốt Kế hoạch hành động giai đoạn V. Thông qua các cuộc đối thoại chính sách, nhiều khuyến nghị mang tính xây dựng của phía Nhật Bản đã được các bộ, ngành liên quan tiếp thu hoặc ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách, cũng như việc tổ chức thực thi.

Theo kết quả đánh giá của Ủy ban Đánh giá và xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, trong tổng số 104 tiểu hạng mục, đã có 95 hạng mục triển khai tốt hoặc đang được triển khai và chỉ có 9 tiểu hạng mục chưa triển khai.

Trong số 95 hạng mục này, có 81 tiểu hạng mục đã triển khai tốt và đúng tiến độ; 14 tiểu hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ. Trong đó, các hạng mục hoàn thành tốt gồm các vấn đề liên quan đến vận tải-hải quan, an toàn thực phẩm, thuế, ngân hàng và phi ngân hàng, sở hữu trí tuệ, xây dựng kết cấu hạ tầng.

Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản được khởi xướng vào tháng 4/2003 và đến nay, đã qua 5 giai đoạn thực hiện.

Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản được đánh giá là sáng kiến độc đáo, duy nhất mới chỉ có ở Việt Nam và là hình mẫu để một số nước học theo.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định: Mô hình này giúp cho các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư - kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam. 

Đây là mô hình thành công trong mối liên kết giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân, đồng thời là một trong những kênh thông tin hữu hiệu cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách.

Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản Takahashi Kyouhei chia sẻ: Cuối năm 2015 sẽ hình thành cộng động kinh tế chung ASEAN, lúc đó, môi trường cạnh tranh sẽ gay gắt hơn rất nhiều. Chính vì thế, bước tiếp theo, cần tiếp tục thực hiện Sáng kiến chung giai đoạn tới để môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn hơn, tìm ra lợi thế so sánh riêng của mình. Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc này.

Ông Takahashi Kyouhei cũng đánh giá cao những phản ứng kịp thời của Chính phủ sau khi nhận được thông tin về những cá nhân liên quan đến tham nhũng một số dự án.

Cũng tại cuộc họp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn V, hai bên đã ký kết Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn VI.