Sáng tối bức tranh lợi nhuận ngân hàng

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Năm 2014 sắp đi qua với đủ cung bậc thăng trầm trong lĩnh vực ngân hàng. Trong khó khăn chung, cũng có những nụ cười hoan hỷ về đích. Nhưng ngoài một số điểm sáng thì bức tranh chung về lợi nhuận của ngành năm 2014 và triển vọng 2015 khá ít gam màu sáng.

Sáng tối bức tranh lợi nhuận ngân hàng
Song song với quá trình tái cấu trúc thì kiểm soát rủi ro nợ xấu trong cho vay được Ngân hàng đặt lên hàng đầu. Nguồn: internet

Không dễ đạt chỉ tiêu

Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, năm 2014, Ngân hàng ước đạt lợi nhuận vượt kế hoạch. Tuy nhiên, tỷ lệ vượt không nhiều. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế (LNTT) Nam A Bank đưa ra cho năm nay ở mức 210 tỷ đồng (năm 2013, Ngân hàng đạt 185 tỷ đồng lợi nhuận).

Theo ông Vũ, cái khó để có thể kỳ vọng được lợi nhuận cao trước tình hình hiện nay vẫn là rủi ro nợ xấu. Vì thế, với Nam A Bank, song song với quá trình tái cấu trúc thì kiểm soát rủi ro nợ xấu trong cho vay được Ngân hàng đặt lên hàng đầu.

Tại Sacombank, tính đến ngày 30/11, tổng huy động đạt 166.408 tỷ đồng; tổng dự nợ cho vay đạt 126.754 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng đạt 15%; LNTT đạt 2.766 tỷ đồng. Vì thế, kỳ vọng hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay là không quá khó. Tuy nhiên, phía Sacombank tỏ ra thận trọng vì cho rằng, trước tình hình nợ xấu hiện nay, việc trích lập dự phòng luôn được ưu tiên.

Cho đến thời điểm này, không nhiều ngân hàng công bố ước tính lợi nhuận cả năm, nhưng diễn biến thị trường tài chính thời gian qua phần nào cho thấy, bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2014 nhiều khả năng có gam màu tối nhiều hơn gam màu sáng. Một phần, do dư nợ tín dụng khó tăng trưởng, dù lãi suất giảm, trong khi đó các ngân hàng phải áp dụng những quy định mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng chặt chẽ hơn theo Thông tư 09/2014/TT-NHNN.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay bình quân của OCB hiện nay chỉ là 2,1%/năm đối với cả khách hàng DN và cá nhân.

“Để cho vay, ngân hàng buộc phải giảm lãi suất, nếu không sẽ khó tăng trưởng tín dụng”, ông Tùng nói và chia sẻ, tín dụng của OCB đến cuối quý III/2014 vẫn âm và cho tới thời điểm này tăng trưởng khá chậm. LNTT của OCB trong 3 quý đầu năm đạt 134 tỷ đồng, giảm gần 30% và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 106 tỷ đồng, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế hoạch LNTT năm nay của Ngân hàng là 350 tỷ đồng.

DongA Bank báo lỗ 76 tỷ đồng trong quý III/2014, lũy kế 9 tháng đầu năm, LNTT chỉ đạt 220 tỷ đồng, LNST đạt 149 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân là do tỷ lệ nợ quá hạn tại DongA Bank đến cuối quý III/2014 chiếm đến 13% tổng dư nợ, cho dù nhà băng này đã bán gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong quý III. Vì thế, kế hoạch 550 tỷ đồng LNTT năm 2014, theo lãnh đạo DongA Bank, là bài toán khó khi phải trích dự phòng cao. 

Thận trọng chỉ tiêu 2015

Các nhà băng đang nỗ lực xử lý nợ xấu, nhưng xem ra chỉ khả thi với giải pháp trích dự phòng rủi ro. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho rằng, việc xử lý nợ xấu để thu hồi trong lúc này được xem là nhiệm vụ bất khả thi, đặc biệt là phát mại tài sản để thu hồi nợ, bởi cơ quan thi hành án xử lý nợ quá chậm.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý III/2014 của ACB là 664,39 tỷ đồng, tăng 94,76% so với cùng kỳ năm ngoái và lũy kế 9 tháng đầu năm lên tới 2.714 tỷ đồng. Nợ xấu của ACB đến cuối tháng 9/2014 là 3,07%, không giảm so với đầu năm. Vì thế, 9 tháng đầu năm, ACB chỉ đạt LNTT 1.071 tỷ đồng và LNST là 837 tỷ đồng, giảm lần lượt 27,6% và 25,1% so cùng kỳ năm ngoái. ACB chưa tiết lộ ước tính lợi nhuận đạt được cả năm, cũng như chỉ tiêu dự kiến đưa ra cho năm 2015, nhưng lãnh đạo ACB cho biết, sẽ thận trọng.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank nhận định, khó khăn đối với hoạt động ngân hàng sẽ chưa hết trong năm sau, nhất là khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/2/2015. Do vậy, việc xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2015 sẽ được cân nhắc kỹ.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cũng có nhận định như trên và cho biết, sẽ thận trọng khi đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2015. Tuy nhiên, ông Khang cho rằng, thị trường bất động sản đang “ấm” dần đối với phần khúc nhà ở được xem là cơ hội cho Ngân hàng trong việc đẩy mạnh tín dụng mua nhà, vốn là thế mạnh của Sacombank. Dư nợ tín dụng mua nhà đang chiếm phần lớn trong tổng dư nợ tín dụng cá nhân tại Sacombank.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc DongA Bank cho hay, chủ trương của DongA Bank trong thời gian qua và hiện nay là đẩy mạnh cho vay song song với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Thế nhưng, do phải áp dụng các quy định mới phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro theo Thông tư 09 nên nợ xấu gia tăng.

Nhìn chung, nhiều ngân hàng phải “hy sinh” lợi nhuận để trích dự phòng, thậm chí cả với khoản nợ đã bán cho VAMC. Tín dụng ngân hàng không tăng trưởng là mối lo của không chỉ ngân hàng, mà toàn nền kinh tế, nhưng theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, không nên chạy theo mục tiêu tín dụng mà nhà băng cho vay thiếu kiểm soát chặt chẽ hoặc hạ chuẩn tín dụng. Trong bối cảnh nợ xấu cao, khả năng hấp thụ vốn của DN yếu, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra ở mức thấp, ngân hàng có thể tìm hướng đầu tư khác an toàn hơn để giải quyết ách tắc vốn, chẳng hạn TPCP.