Sáng tối trong bức tranh kinh tế thế giới 2014
(Tài chính) Thế giới đang đi về những ngày cuối của năm 2014. Nhìn lại một năm, giới chuyên gia quốc tế nhận định, năm qua kinh tế thế giới tiếp tục là bức tranh với những mảng sáng và khoảng tối đan xen.
Điểm sáng lớn nhất là kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng ổn định và đúng hướng với hầu hết các ngành và lĩnh vực đều ghi nhận những chuyển biến mạnh mẽ. Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III vừa qua đạt 3,5%, cao hơn mức dự báo 3% của Nhà Trắng và các chuyên gia. Tốc độ tăng trưởng này chỉ kém mức tăng 4,6% trong quý trước đó. Trong 6 tháng qua, tốc độ tăng GDP của Mỹ đạt cao nhất kể từ năm 2003. Đầu tư của các doanh nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng tăng là nguyên nhân chính thúc đẩy đà tăng trưởng GDP nhanh hơn. Với tốc độ tăng trưởng cao trong hai quý liên tục vừa qua, các chuyên gia xác định đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã bước vào giai đoạn bền vững. Kinh tế phát triển nhanh đã góp phần cải thiện thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 giảm xuống mức 5,9% so với 6,1% trong tháng 8. Trung bình từ đầu năm tới nay, nền kinh tế Mỹ tạo ra mỗi tháng khoảng hơn 200.000 việc làm mới.
Trước những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, FED đã quyết định chấm dứt toàn bộ các gói cứu trợ đã theo đuổi suốt từ tháng 11.2008 nhằm cứu giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua cuộc Đại Suy thoái 2007-2009. Chấm dứt chương trình cứu trợ được nhìn nhận là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách tài chính của Mỹ, cho thấy sự tin tưởng của FED đối với đà phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Tuy nhiên, FED cũng tuyên bố giữ nguyên tỷ lệ lãi suất thấp nhằm kích thích đầu tư và tín dụng.
Trong khi đó, những khoảng tối là không nhỏ. Kinh tế Nhật rơi vào suy thoái là một thông tin gây bất ngờ. Thủ tướng Shinzo Abe từng cam kết sẽ chấm dứt tình trạng kinh tế Nhật Bản trì trệ kéo dài suốt 2 thập kỷ bằng chiến lược “Abenomics” - bao gồm kế hoạch cải cách và thúc đẩy kinh tế quy mô lớn. Tuy nhiên, GDP của Nhật Bản đã giảm 1,6% trong quý III năm nay trong bối cảnh các gia đình hạn chế chi tiêu và các doanh nghiệp giảm đầu tư cơ bản sau khi Chính phủ tiến hành tăng thuế tiêu thụ. Thực tế này diễn ra bất chấp nhiều dự đoán của giới chuyên gia rằng nền kinh tế của đất nước “Mặt trời mọc” sẽ hồi phục sau khi tuột dốc trong giai đoạn quý II năm 2014.
Sự suy yếu của nền kinh tế Nhật Bản có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nhiều khu vực khác nếu các doanh nghiệp cắt giảm đầu tư và hạn chế nhập khẩu những mặt hàng như máy móc, linh kiện điện tử và nguyên liệu thô. Hiện quốc đảo này là một trong những nhà nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới và đứng thứ 3 toàn cầu về thu mua khí đốt tự nhiên.
Tăng trưởng của Trung Quốc - gã khổng lồ trong ngành sản xuất toàn cầu - đang chững lại ở mức 7,5% trong năm 2014, trong khi con số này ở năm 2010 là 10,4%. Sự bùng nổ về tăng trưởng tại Trung Quốc là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thế giới trong thập kỷ trước, bởi vậy, sự chững lại này cũng có những ảnh hưởng nhất định.
Nền kinh tế của 18 quốc gia thành viên khu vực đồng euro (Eurozone) hiện đang vẫn đang phải vật lộn để tăng trưởng kể từ khi thoát khỏi suy thoái hồi năm ngoái. Nền kinh tế khu vực trong quý III năm nay đã tăng 0,2% so với giai đoạn 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, mối đe dọa lạm phát gia tăng khi giá thành giảm lại đang góp phần làm trầm trọng thêm những thách thức mà các nền kinh tế khu vực phải đối mặt. Tăng trưởng có thể bị hủy hoại bởi người tiêu dùng sẽ có tâm lý tạm ngừng chi tiêu với hy vọng giá thành sẽ tiếp tục giảm.
Dự đoán về triển vọng kinh tế thế giới năm sau, Liên Hợp Quốc cho rằng xu thế tăng trưởng là khả quan bất chấp những tàn dư từ cuộc khủng hoảng tài chính, thách thức địa chính trị toàn cầu và đại dịch Ebola ở Tây Phi kìm hãm đà tăng trưởng. Các chuyên gia dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt mức 3,1% trong năm 2015 và tăng lên thành 3,3% trong năm 2016.
Phân tích một số nền kinh tế của các quốc gia và khu vực, báo cáo cho rằng Mỹ có bức tranh kinh tế sáng sủa nhất khi duy trì tăng trưởng hơn 2% năm 2014 và dự báo tiếp tục tăng 2,8% năm 2015 và 3,1% năm 2016. Xu hướng này trái ngược với sự hồi phục ì ạch ở một số nước Tây Âu và sự tăng trưởng chậm lại ở Nhật Bản do tiêu thụ tư nhân giảm.
Cũng theo báo cáo, khu vực Đông Á được dự báo có mức tăng trưởng nhanh nhất trong những năm tới, đạt khoảng 6%. Tuy vậy, việc tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế mới nổi lớn, đặc biệt ở Trung Quốc, sẽ tác động không nhỏ lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bất ổn giá dầu cũng đem lại rủi ro cho các nước xuất và nhập khẩu dầu, trong khi các cuộc khủng hoảng địa chính trị như Ukraine, Iraq, Libya và Syria cản trở sự phát triển kinh tế và là nguồn gốc của sự bất ổn.