Sáp nhập DaiABank - HDBank: Chưa rõ lộ trình

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Chủ trương sáp nhập DaiA Bank và HDBank đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ 100% cổ phần tham dự.

Sáp nhập DaiABank - HDBank: Chưa rõ lộ trình
Phương án DaiA Bank sáp nhật với HDBank với tỷ lệ hoán đổi cổ phần 1:1 có lợi cho cổ đông DaiA Bank. Nguồn: Internet

Mặc dù biên bản ghi nhớ nguyên tắc sáp nhập giữa DaiA Bank và HDBank đã được ký cách đây gần 1 năm và đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận về chủ trương, song đến kỳ ĐHCĐ lần 2 vừa qua của DaiA Bank, chủ trương sáp nhập với HDBank mới được trình cổ đông thông qua. Tuy nhiên, lộ trình sáp nhập vẫn chưa được hai bên công bố cụ thể.

Trong tài liệu phát cho cổ đông tại kỳ họp ĐHCĐ lần này của DaiA Bank không đề cập đến nội dung sáp nhập với HDBank, mà HĐQT DaiA Bank chỉ cho biết, do nhu cầu thoái vốn của các cổ đông lớn, trong đó có ACB, nên Ngân hàng phải thực hiện tái cơ cấu. Phương án tái cấu trúc được DaiA Bank cho biết, có thể tự tái cơ cấu hoặc sáp nhập, hợp nhất với một ngân hàng khác.

Tuy nhiên, tại ĐHCĐ diễn ra sáng 15/6 tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), một số cổ đông lớn đã đề nghị đưa vào chương trình nghị sự về nội dung Thỏa thuận hợp tác giữa HDBank và DaiA Bank (cụ thể là chương trình sáp nhập giữa 2 ngân hàng) và chủ tọa đoàn đã thống nhất bổ sung nội dung này vào cuộc họp. Kết quả, chủ trương sáp nhập DaiA Bank vào HDBank đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ 100% cổ phần tham dự.

Theo báo cáo của HĐQT DaiA Bank, trong Đề án Tái cơ cấu DaiA Bank giai đoạn 2013-2015, Ngân hàng đã chọn phương án hợp tác với HDBank để tái cơ cấu.

Vì thế, DaiA Bank đã ký thỏa thuận nguyên tắc với HDBank vào ngày 9/10/2012 về chủ trương tái cấu trúc theo công văn chấp thuận của NHNN số 804/NHNN-TTGSNN.m ngày 17/10/2012. Khi hợp nhất, cổ phần DaiA Bank sẽ được hoán đổi sang ngân hàng hợp nhất theo tỷ lệ 1:1, tức 1 cổ phần DaiA Bank được hoán đổi thành 1 cổ phần của ngân hàng hợp nhất. Về nhân sự, cán bộ chủ chốt của 2 ngân hàng đều được giữ nguyên cho đến khi sáp nhập và cán bộ nhân viên được giữ ổn định sau sáp nhập. Ngân hàng sau sáp nhập sẽ được tăng năng lực tài chính cũng như quy mô hoạt động.

ĐHCĐ DaiA Bank lần này đã bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT, nâng tổng số thành viên HĐQT lên con số 7. Trong 4 thành viên mới, có 2 thành viên từ HDBank là ông Nguyễn Minh Đức (Phó tổng giám đốc) và bà Nguyễn Thị Vân (Phó giám đốc tài chính). Hai thành viên còn lại là ông Chu Việt Cường và ông Đinh Việt Phương đều là người của Sovico, cổ đông đang tham gia điều hành HDBank.

Với kết quả biểu quyết 100% ủng hộ phương án sáp nhập với HDBank, có thể thấy rằng, tỷ lệ hoán đổi cổ phần 1:1 sau sáp nhập giữa 2 ngân hàng là khá có lợi cho cổ đông DaiA Bank. Bởi lẽ, nếu xét về quy mô tài sản, vốn điều lệ và kết quả hoạt động, HDBank tốt hơn hẳn so với DaiA Bank. HDBank hiện có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh có lãi liên tục trong những năm qua.

Năm 2012, HDBank đạt lợi nhuận 326 tỷ đồng; nợ xấu chiếm tỷ lệ 2,35% tổng dư nợ. Trong khi đó, tại DaiA Bank, vốn điều lệ mới đạt mức 3.100 tỷ đồng và tình hình nợ xấu của Ngân hàng tăng mạnh trong năm 2012, lên mức 5,28%. Năm qua, DaiA Bank chỉ đạt lợi nhuận 246 tỷ đồng, tương đương 40% kế hoạch ĐHCĐ giao.

Như vậy, sau một thời gian chờ đợi khá dài, kế hoạch sáp nhập giữa DaiA Bank và HDBank đã được đưa ra xin ý kiến và được cổ đông DaiA Bank chấp thuận. Nhưng thông tin mà thị trường cũng như cổ đông của hai ngân hàng đều trông đợi là lộ trình sáp nhập cụ thể vẫn chưa được hai bên tiết lộ.

Hiện DaiA Bank có trụ sở chính tại tỉnh Đồng Nai và chi nhánh tập trung ở 2 thành phố lớn, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.