Sau 30/6, khoảng cách giá vàng sẽ hợp lý hơn

Theo Đầu tư Chứng khoán

Đó là quan điểm của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI bởi cung - cầu gần đạt đến điểm cân bằng, nhu cầu của những người đầu tư thực sự sẽ không quá lớn, giá vàng trên thị trường quốc tế cũng đang trong xu hướng đi xuống.

    Giá vàng trong nước và trên thị trường quốc tế vẫn có khoảng cách rất lớn. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

    http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_05_30/20130529102309Ong-Phu-Chu-tich-Doji.jpg
    Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI

    Theo tôi, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn rất lớn xuất phát từ hai nguyên nhân:

    Thứ nhất, thời gian qua, giá vàng trên thị trường quốc tế rơi quá nhanh. Thời điểm giữa tháng 4, chỉ trong khoảng 3 ngày mà giá vàng đã mất tới 225 USD/ounce. Mức giảm giá nhanh này  không một doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, nhà kinh doanh vàng trong nước nào có thể điều chỉnh theo được. Bởi vì nếu thực hiện điều chỉnh theo kịp độ rơi của giá vàng quốc tế, khi giá vàng hồi phục trở lại sẽ là rủi ro rất lớn. Ở thị trường quốc tế, những nhà kinh doanh vàng có công cụ phòng ngừa rủi ro, cho nên có thể tất toán tất cả những trạng thái đã mua hoặc đã bán trên vàng phi vật chất, nhưng ở Việt Nam đã không còn công cụ này. Vì vậy, giá vàng trong nước luôn có sức ỳ, không thể dao động cùng biên độ với giá vàng quốc tế, khiến khoảng cách càng lớn.

    Thứ hai, nhu cầu vàng miếng của các ngân hàng thương mại để tất toán trạng thái vàng khá lớn, khoảng 20 - 25 tấn vàng cần thực hiện trong thời gian ngắn. Lực cầu này sẽ tác động làm cho khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế càng giãn ra vì không tạo ra điểm cân bằng giữa cung và cầu.

    Theo quan điểm của ông, ai được hưởng lợi từ việc chênh lệch giá vàng này?

    Những người tham gia thị trường như các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng không hoàn toàn được hưởng lợi từ khoảng chênh lệch này. Khoảng cách nếu có giữa giá vàng trong nước và quốc tế sẽ được ngân hàng nhà nước (NHNN) thu về ngân sách. Trong trường hợp các tổ chức tham gia đấu thầu vàng miếng mua được vàng miếng sau đó bán ra ngoài thị trường, thì lợi nhuận mà các tổ chức này được hưởng chỉ là chênh lệch từ giá trúng thầu so với giá trên thị trường và khoảng đó không quá lớn.

    Tuy nhiên, có thể nói, việc NHNN cung cho thị trường một lượng vàng hợp pháp, ổn định và đáp ứng được nhu cầu của những người tham gia đấu thầu chính là một nguồn cung rất tốt mà trước đây có thể nói là thị trường không có. Và khi đã cung lượng vàng đó ra thị trường thì các doanh nghiệp kinh doanh sẽ có phần thuận lợi hơn vì khi tham gia đấu thầu, họ đã căn cứ vào giá của thị trường và khả năng phỏng đoán đối với sự biến động giá của thị trường quốc tế để tham gia vào thị trường. Khi đã tham gia vào thị trường, để có giá sàn làm giá tham chiếu, giá đấu thầu để coi là thành công thì thường với các doanh nghiệp kinh doanh vàng doanh nghiệp có khoảng cách tương đối an toàn, dù lợi nhuận đó không phải đủ lớn nhưng ít nhất cũng giúp các doanh nghiệp, những người tham gia thị trường có thể đảm bảo rằng việc kinh doanh có nhiều điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn.

    Theo ông, làm thế nào để kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới?

    Vấn đề kéo sát giá vàng trong nước và quốc tế không hề dễ. Giá vàng quốc tế tại thời điểm này có những biến động rất bất ngờ. Chúng ta từng chứng kiến, chỉ trong một thời gian rất ngắn, giá vàng có thể mất tới 15% vào giữa tháng 4/2013 thì không có tổ chức nào trong nước có thể sẵn sàng theo kịp với nhịp độ đó. Việc kéo giá vàng trong nước về sát với giá vàng quốc tế là yêu cầu đặt ra, đồng thời cũng là mong mỏi của thị trường, nhưng thực tế, tôi nghĩ rằng quá trình này đầu tiên cần xem xét yếu tố nào tác động đến nó. Thực tế, trong thời gian vừa qua, cung - cầu chính là yếu tố tác động mạnh đến khoảng cách chênh lệch giá. Vì một khi lượng hàng bán ra trên thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu và lực cầu vẫn còn lớn chủ yếu xuất phát từ việc cần tất toán trạng thái của các ngân hàng trước đây đã sử dụng vàng bán ra để lấy tiền đồng, đến hạn ngày 30/6 là một áp lực lớn với thị trường.

    Khi nào áp lực ấy còn được giữ thì chắc chắn sẽ tác động vào nguồn cung. Nhưng nguồn cung của Nhà nước cũng không thể đưa ra một cách vô hạn và phiên đấu giá của NHNN cũng không thể đưa ra quá nhiều, nên một khi nguồn cung chưa đáp ứng hoàn toàn lực cầu thì chênh lệch giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng vẫn còn khoảng cách, vì vậy giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn duy trì ở khoảng cách cao. Khoảng cách này có thể thu hẹp được vì hiện nay NHNN có đầy đủ điều kiện, đủ công cụ thực hiện việc này. Nhưng song song là lượng cung đáp ứng đủ thị trường, và thị trường vàng quốc tế không có những phiên biến động quá đột ngột. Tôi tin rằng sau 30/6, khi cung - cầu gần đạt đến điểm cân bằng, nhu cầu của những người đầu tư thực sự sẽ không quá lớn, thị trường quốc tế cũng đang trong khuynh hướng xuống, thì giá vàng trong nước và quốc tế sẽ ngày càng thu hẹp và tạo ra khoảng cách hợp lý hơn so với bây giờ.

    Dự báo của ông về giá vàng từ nay đến cuối năm?

    Nhận định giá vàng là điều không hề đơn giản. Tuy nhiên, có thể thấy, chu kỳ tăng giá của giá vàng từ năm 2000 - 2012 là chu kỳ tăng giá liên tục. Trong vòng 12 năm, giá vàng đạt mức tăng trung bình 27%, thậm chí có những năm giá vàng tăng tới 33%.

    Nhưng bước sang năm 2013, giá vàng không còn đi theo chu kỳ tăng giá như trước mà đang theo xu hướng đi xuống. Trong 30 năm trở lại đây, chưa bao giờ giá vàng lại giảm mạnh trong khoảng thời gian ngắn như giữa tháng 4 vừa qua. Có thể nói, chu kỳ tăng giá của vàng có thể vẫn còn trong trung hạn. Trong ngắn hạn, giá vàng sẽ có áp lực giảm rất lớn, vì niềm tin vào vàng sẽ không còn như thời điểm trước.

    Nhìn rộng ra nền kinh tế toàn cầu, có thể thấy, đang xuất hiện nhiều dấu hiệu hồi phục, đồng USD mạnh lên, các chỉ số kinh tế của Mỹ khá ấn tượng. Vì vậy, các nhà đầu tư đang tìm những kênh đầu tư mang tính rủi ro cao hơn, họ không còn coi vàng như một kênh quá hấp dẫn. Mặt khác, các quỹ tín thác có khuynh hướng bán ra liên tục, tạo áp lực với thị trường vàng. Đối với giá quốc tế, có thể thấy rằng khuynh hướng giá vàng hiện nay vẫn đang ở mức khá thấp. Giá vàng có thời điểm xuống mức 1.321 USD/ounce và tiếp tục biến động nhưng dù có thời điểm tăng, vẫn chưa vượt được ngưỡng giá 1.400 USD/ounce.

    Tôi cho rằng, giá vàng trong nước hiện nay phải chịu áp lực khó có thể bứt phá tăng cao. Tuy nhiên, tôi cũng không hoàn toàn cho rằng giá vàng trong nước sẽ đi xuống từ giờ tới cuối năm, nhưng khó tăng ở mức độ cao như những năm trước.