Sẽ “bịt” khe hở trong kế toán công ty chứng khoán

Theo Đầu tư Chứng khoán

Các công ty chứng khoán (CTCK) cần công bố chi tiết các khoản đầu tư OTC để nhà đầu tư có căn cứ đánh giá mức độ hợp lý của việc hạch toán này.

Sẽ “bịt” khe hở trong kế toán công ty chứng khoán
Việc hạch toán giá trị các cổ phiếu OTC tại nhiều CTCK  hiện khá lộn xộn

Báo cáo tài chính có kiểm toán được xem là căn cứ quan trọng để nhà đầu tư xem xét thực trạng tài sản, hiệu quả kinh doanh các DN. Tuy nhiên, việc phát sinh những vấn đề liên quan đến tài chính một số CTCK không được phản ánh trong các báo cáo tài chính liền trước đó khiến sức ép thay đổi chuẩn mực kế toán đối với nhóm CTCK đang lớn hơn bao giờ hết.

Sẽ xây dựng quy chế riêng về kế toán cho CTCK

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong thời gian tới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nghiên cứu, phối hợp với các bên để xây dựng lại quy định về chế độ hạch toán kế toán đối với các CTCK. Mục đích của việc sửa đổi này là nhằm xây dựng một khung pháp lý mới phù hợp nhất với đặc điểm tài sản của các CTCK.

Trước đó, phát biểu tại Hội thảo quốc tế về vai trò của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán, PGS.TS Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang kết hợp với các tổ chức nghề nghiệp, các DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng như các DN kinh doanh và các tổ chức quốc tế nghiên cứu cập nhật toàn bộ hệ thống 26 chuẩn mực kế toán (VAS) đã ban hành và công bố. Dự kiến, năm 2013 sẽ cập nhật xong và ban hành lại hệ thống này. Về chế độ hạch toán kế toán đối với các công cụ tài chính, ông Hùng cũng nhấn mạnh đến việc ban hành các chuẩn mực hạch toán kế toán đối với công cụ tài chính.

Hạch toán cổ phiếu OTC: sẽ có cơ chế ràng buộc mới?

Thống kê cho thấy, có 2 điểm lớn chưa được hạch toán thực sự minh bạch trong báo cáo tài chính các CTCK hiện nay, đó là hạch toán các nghĩa vụ tài chính của CTCK liên quan đến khoản phải thu, phải trả của CTCK và hạch toán các khoản đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch.

Liên quan đến hạch toán giá trị các cổ phiếu OTC, đây là câu chuyện đã được nhắc tới từ lâu, đã có hướng dẫn hạch toán nhưng với cách làm như hiện nay, các CTCK vẫn có thể “múa” được báo cáo tài chính.

Ngay như trường hợp CTCK SME, trong báo cáo tài chính quý III/2011 (báo cáo tài chính gần nhất mà đơn vị này công bố), SME hạch toán khoản đầu tư 95.000 cổ phiếu CTCP Xi măng Hạ Long trị giá 12,619 tỷ đồng, tương đương mức giá 13.283 đồng/cổ phiếu, dù thời điểm đó, Xi măng Hạ Long ra báo cáo lỗ rất lớn, vốn chủ còn lại thấp so với vốn điều lệ. Tương tự như vậy, nhiều CTCK có tổng giá trị đầu tư OTC lên tới hàng trăm tỷ đồng, mua vào ở mức giá cao, nhưng cũng sử dụng chính công cụ trích lập/hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính để điều chỉnh lãi lỗ, tạo nên bức tranh không chính xác về giá trị tài sản của công ty.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các CTCK đang hạch toán phần phải trích lập dự phòng/được hoàn nhập dựa trên mức giá ghi nhận là báo giá giao dịch bình quân của 3 CTCK. Trong điều kiện bình thường, nếu đây là báo giá cổ phiếu OTC của các giao dịch thực, báo cáo thực, thì sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, việc nhiều CTCK báo giá theo ý muốn của đối tác, hoặc báo giá dù không có giao dịch…, dẫn tới tình trạng sai lệch giá trị có thể có của cổ phiếu, hoặc cùng một cổ phiếu nhưng 2 CTCK khác nhau hạch toán ở 2 mức giá hoàn toàn khác biệt.

Vì thế, đã có ý kiến về việc đề xuất một kho dữ liệu chung về báo giá giao dịch cổ phiếu OTC, hoặc có thể lấy dữ liệu giá từ 5 CTCK môi giới lớn nhất để làm căn cứ hạch toán chung. Đồng thời, các CTCK cũng phải công bố chi tiết các khoản đầu tư OTC để nhà đầu tư có căn cứ đánh giá mức độ hợp lý của việc hạch toán này. Về các đề xuất này, ông Sơn cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nghiên cứu, cân nhắc để xây dựng cách hạch toán phù hợp, có tính khả thi cao.