Sẽ đồng loạt giảm lãi suất?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Ngày 9/6, Vietcombank đã chính thức giảm lãi suất tại kỳ từ một đến ba tháng giảm thêm 1-3 điểm phần trăm. Hiện mức lãi suất thấp nhất áp dụng cho kỳ hạn gửi 1 tháng bằng VND chỉ còn 5,1%/năm. Như vậy, hiện Vietcombank đang là ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm thấp nhất. Thị trường kỳ vọng sẽ có sự lan tỏa từ động thái này của Vietcombank vì lãi suất cần giảm thêm nữa để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và thị trường.

Sẽ đồng loạt giảm lãi suất?
NHNN cho biết lãi suất có thể sẽ giảm thêm 1 – 2%, tùy từng năng lực của mỗi ngân hàng. Nguồn: internet

Cơ sở của sự kỳ vọng này là do tính đến 22/4, tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng mới đạt 0,62%, trong khi nhiều DN vẫn kêu lãi suất cho vay còn cao so với sức chịu đựng. Quan trọng hơn, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết lãi suất có thể sẽ giảm thêm 1 – 2%, tùy từng năng lực của mỗi ngân hàng.

Mong lãi suất giảm thêm

Thực tế, lãi suất huy động kỳ ngắn hạn của nhiều ngân hàng tuy chưa giảm nhưng đang ở mức rất thấp so với trần lãi suất 6% của NHNN. Ví như BIDV kỳ 1 tháng là 5,25%, 2 tháng là 5,5%, 3 tháng là 5,75%; ACB kỳ hạn gửi 1, 2 tháng lãi suất đối với tiền gửi VND lĩnh lãi cuối kỳ là 5,5%/tháng, kỳ hạn 3 tháng là 5,6%; Eximbank kỳ hạn gửi 1, 3 tháng lãi suất đối với tiền gửi VND lĩnh lãi cuối kỳ là 5,7%/tháng…

Tuy vậy, nhưng hiện dòng tiền tiết kiệm vẫn đang chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng. Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 4, huy động vốn tăng 3,09% so với cuối năm 2013. Các chuyên gia dự tính, dòng tiền vẫn sẽ chảy vào hệ thống ngân hàng, ít nhất là đến cuối năm. Do vậy, việc ế vốn sẽ là động lực dẫn tới việc từng bước cắt giảm lãi suất huy động để tiết kiệm chi phí.

Theo một số chuyên gia nhận định, bên cạnh xu hướng giảm lãi suất huy động, các ngân hàng sẽ còn giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Đây cũng là thông điệp mà Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra hồi đầu năm, nếu có điều kiện mặt bằng lãi suất sẽ giảm tiếp 1-2% trong năm 2014.

Bà Vũ Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội DN nữ Hà Nội, cho biết NHNN nói lãi suất cho vay ngắn hạn hiện chỉ 7-8% và trung hạn không quá 11% nhưng thực tế không phải DN nào cũng tiếp cận được. "Trên thực tế vẫn còn nhiều khoản vay cũ có lãi suất 14%. Vậy nên kiến nghị ngân hàng thực sự xắn tay vào cuộc, giảm lãi suất các khoản vay cũ. DN cũng mong muốn ngân hàng xem xét cho DN vay khi họ hết tài sản thế chấp bằng cho vay bằng thế chấp hợp đồng, bảo lãnh hợp đồng hoặc thế chấp bằng hàng hóa", bà Hương đề xuất.

Nhiều DN cũng cho rằng, mặc dù lãi suất đã giảm mạnh, nhưng sau một thời gian dài chống chọi với khủng hoảng, năng lực đã kiệt quệ, cho nên, lãi suất cho vay hiện nay với khoảng 9 – 12%/năm, vẫn cao so với khả năng hấp thụ vốn của DN. Nếu có thể, ngân hàng nên giảm lãi suất thêm khoảng 1 – 2% nữa để hỗ trợ DN.

Ngân hàng ráo riết "săn" doanh nghiệp

Thực tế, thời gian này, các ngân hàng đang ráo riết "săn" DN tốt và cuộc giành giật khách hàng tốt đang diễn ra rất quyết liệt trong hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, do niềm tin đang bị khủng hoảng bởi "khối" nợ xấu khổng lồ và chưa có hướng giải quyết quyết liệt, nên các ngân hàng rất thận trọng trong việc giải ngân.

Đại diện Công ty CP Ba Vì cho biết hình như trong thời gian qua, khi DN khó khăn, các ngân hàng cho vay hơi thoáng. Nhưng giờ, ngân hàng khó khăn, NH co lại quá, nên dẫn đến DN tốt cũng khó vay được vốn do NH lo mất vốn. Thấu hiểu vì NH là đơn vị kinh doanh, nhưng nếu NH điều tra tốt hơn, sẽ cho vay. Cần điều tra rõ hơn về DN, để DN không chết oan. Nếu thu thập thông tin đầy đủ, sẽ giúp một số DN có khả năng phát triển.

Theo bà Hương, thực tế vừa qua, nhiều DN nhỏ trong hiệp hội đều rất tốt, làm ăn tốt, nhiều ngân hàng mời chào, nhưng đa phần các hội viên DN cần vốn nhưng không tiếp cận được do thiếu tài sản thế chấp. Cũng có vài hộ kinh doanh nhỏ chỉ cần vay vài chục triệu đồng, tuy nhiên, do năng lực hạn chế nên rất sợ đọc hợp đồng vay vốn dày mấy trang, nhưng họ đều là những DN tốt. Với đối tượng này, ngân hàng cần tư vấn kỹ cho họ.

Về vấn đề này, nhiều ngân hàng cho biết họ đang săn tìm DN tốt, không kể lớn bé, hộ kinh doanh cá thể, miễn sao hoạt động kinh doanh tốt, dòng tiền ổn định và có khả năng trả nợ. Thực tế, thời gian qua, khá nhiều ngân hàng tung ra những gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho DN nhỏ, hộ kinh doanh cá thể như SeABank, OceanBank, TPBank…

Đại diện BIDV cũng cho rằng từ trước đến nay, nhiều DN quan niệm DN cần ngân hàng. Nhưng bản thân ngân hàng rất cần DN. "Trong năm 2013, đầu năm 2014, vốn gần như không bơm ra dược, chúng tôi rất sốt ruột, mong tiêu thụ đồng vốn, huy động rồi không cho vay được. Cho nên, bản thân ngân hàng cũng rất nóng lòng, đưa ra các gói tín dụng. Năm nay, BIDV tiếp tục tham gia nhiều gói tín dụng ưu đãi. Chúng tôi sắp đưa ra gói 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn cho các DN và cũng tìm hiểu nhu cầu của DN đưa ra để có những thiết kế sản phẩm phù hợp hơn", vị đại diện này cho biết.

Ông Lê Đăng Khoa, Phó Tổng giám đốc SHB, cho biết SHB là ngân hàng đi đầu trong tái cấu trúc DN theo chủ trương của Chính phủ, NHNN. Ngay sau khi sáp nhập, SHB không ngừng phát triển mạnh mẽ, đồng hành với DN phát triển sản xuất kinh doanh. SHB cam kết sẽ hỗ trợ DN một cách tối đa nhằm đạt hiệu quả cao nhất, định mức 7-8% cho vay ngắn hạn, 11% cho vay dài hạn. Sẽ hỗ trợ DN, thẩm định, cho vay hiệu quả nhất.

Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ là khách hàng đầu tiên của SHB được vay với lãi suất 7%/năm khi tham gia chương trình kết nối ngân hàng – DN do UBND TP. Hà Nội và NHNN Hà Nội tổ chức.