Sẽ mất nhiều hơn được nếu điều chỉnh tỷ giá
Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã vượt ngưỡng 21.000 đồng/USD, tại các ngân hàng thương mại cũng tăng kịch biên độ. Theo ý kiến của nhiều người, sự tăng giá này đón đầu sự điều chỉnh tỷ giá sắp tới của Ngân hàng Nhà nước. Dù vậy, việc điều chỉnh tỷ giá, biên độ điều chỉnh như thế nào chưa có sự thống nhất giữa các luồng quan điểm.

Một số chuyên gia cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước neo tỷ giá suốt năm 2012 đã đẩy gánh nặng sang năm 2013. Thực tế, xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2012 đã bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét việc điều chỉnh tỷ giá. Để các doanh nghiệp xuất khẩu không bị thiệt thòi, tỷ giá hối đoái cần phải điều chỉnh giảm 2 - 3%. Việc điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ giúp cán cân thanh toán nước ta được cân bằng.
Tuy nhiên, luồng quan điểm thứ hai cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá thời điểm này là lợi bất cập hại, vì nhiều lý do. Trước hết, nền kinh tế của nước ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất. Phá giá đồng Việt Nam sẽ khiến giá thành sản xuất trong nước bị đội lên, sản phẩm khó tiêu thụ, tồn kho càng tiếp tục tăng. Theo Giám đốc Công ty thức ăn chăn nuôi Bình Minh Lưu Tiến Tú, điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến mọi gánh nặng đổ lên đầu người nông dân, trong khi tăng xuất khẩu thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Không ai phủ định quy luật đồng tiền giảm giá thì hỗ trợ cho xuất khẩu. Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng bản thân tỷ giá riêng lẻ nó không quyết định cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, vì đây là một hàm nhiều biến, mà tỷ giá hối đoái chỉ là một biến số. Vả lại, xuất khẩu ở nước ta phụ thuộc không quá nhiều vào tỷ giá hối đoái. Ngay cả những doanh nghiệp xuất khẩu cũng chưa chắc đã được lợi. Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền phân tích, doanh nghiệp sẽ phải vay tiền đồng hoặc sử dụng tạm ứng của đối tác nếu tỷ giá được điều chỉnh lên trên mức 21.000 đồng/USD. Những thuận lợi do điều chỉnh tỷ giá không bù đắp được việc chi phí đầu vào tăng, nhất là với vay ngoại tệ để thanh toán đơn hàng, nhập khẩu nguyên liệu. Đồng quan điểm này, đại diện Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp ngành thép sẽ gặp khó khăn do hiện đã nhập siêu lên tới 5,5 tỷ USD.
Theo Ts Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, cần cân nhắc kỹ câu chuyện điều chỉnh tỷ giá, và chỉ điều chỉnh khi cực chẳng đã. Bởi việc điều chỉnh tỷ giá chỉ được lợi cho xuất khẩu nhưng lại ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, cũng như thực hiện mục tiêu giảm nhập siêu.