Smartphone Trung Quốc tấn công phân khúc tầm trung
Giá bán trung bình smartphone của 3 thương hiệu hàng đầu Trung Quốc đã vượt qua mốc 300 USD (hơn 6 triệu đồng).
Đúng như dự đoán của giới phân tích từ đầu năm nay, tại thị trường Việt Nam, sau khi chiếm phần lớn thị phần ở phân khúc smartphone giá rẻ, nhiều thương hiệu điện thoại Trung Quốc bắt đầu lấn sân sang phân khúc các sản phẩm trung cấp, có giá từ 5 triệu đồng trở lên.
Dạo quanh các website bán hàng của thegioididong.com, vienthonga.vn hay Fpt.com.vn, không khó để nhận thấy ở phân khúc 5 triệu đồng là sự góp mặt của Lenovo, Coolpad hay Vivo. Còn phân khúc trên từ 5-10 triệu đồng là sự tham gia của Huawei và Oppo.
Ông Võ Lê Tâm Thanh, chuyên viên phân tích thị trường smartphone của Công ty IDC Việt Nam, nhận định, xu hướng này bắt đầu từ đầu năm nay và lần này, các hãng điện thoại Trung Quốc đang nhắm đến doanh số bán hàng thực, chứ không dừng ở việc làm thương hiệu như trước đây.
Từ đầu năm đến nay, các hãng điện thoại Trung Quốc đã chiếm hơn 1/3 tổng lượng smartphone bán ra ở thị trường Đông Nam Á, chủ yếu là giá rẻ, dưới 3 triệu đồng. “Họ đang thu hút khách hàng nâng cấp điện thoại”, ông Thanh cho biết. Xu hướng này được dẫn dắt bởi 3 hãng điện thoại dẫn đầu Trung Quốc là Huawei, Oppo và Vivo.
Sau khi hất cẳng Apple và Samsung ra khỏi bảng xếp hạng các nhà sản xuất smartphone chiếm thị phần nhiều nhất ở Trung Quốc, các công ty này vẫn không ngừng mở rộng thị phần sang các nước lân cận.
Theo thống kê tính đến quý II/2016 của IDC, Huawei, Oppo và Vivo là các công ty smartphone dẫn đầu thị trường Trung Quốc. Theo đó, Huawei bán được 19,1 triệu thiết bị, chiếm 17,2% thị phần; Oppo và Vivo bán được 18 triệu và 14,7 triệu thiết bị, chiếm lần lượt 16,2% và 13,2% thị phần.
Theo Jessie Ding, chuyên gia phân tích của Công ty Nghiên cứu thị trường Canalys ở Thượng Hải, giá bán trung bình smartphone của 3 thương hiệu hàng đầu Trung Quốc vượt qua mốc 300 USD (hơn 6 triệu đồng), gần gấp đôi so với mức giá trung bình trước kia, vốn chỉ 180 USD.
Cả Huawei, Oppo và Vivo đang chuyển hướng cạnh tranh về chất lượng, hệ thống phân phối và dịch vụ. Yếu tố giá rẻ đã không còn phát huy tác dụng, thậm chí có thể là tai họa. Như trường hợp của Xiaomi, một hiện tượng của giới công nghệ khi được định giá 45 tỉ USD vào năm 2014, đã có tình hình kinh doanh ảm đạm trong thời gian qua ở Trung Quốc, khi chỉ xoay quanh các sản phẩm giá rẻ, khoảng 3 triệu đồng.
Theo IDC, trong quý II vừa qua, Xiaomi chỉ bán được 10,5 triệu thiết bị, trong khi năm ngoái con số này là 17,1 triệu thiết bị. Điều này đã đưa Xiaomi từ vị trí dẫn đầu xuống thứ 4 trong bảng xếp hạng các công ty smartphone có thị phần nhiều nhất Trung Quốc so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh sụt giảm khiến Xiaomi giờ đây chỉ được định giá 4,5 tỉ USD. Tình hình này buộc Xiaomi phải thay đổi chiến lược kinh doanh, trong đó nhắm tới các sản phẩm cao cấp hơn.
Việc nâng mức giá trung bình các sản phẩm sẽ giúp các hãng điện thoại Trung Quốc có thêm lợi nhuận và mở rộng tầm cạnh tranh trên quy mô thế giới. Đặc biệt, các nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc đang được hưởng lợi từ vụ chính phủ nước này phạt hãng Qualcomm (Mỹ) vào năm 2015.
Để giải quyết chống độc quyền, nhà sản xuất chip di động Qualcomm đã chấp nhận án phạt 975 triệu USD và giảm phí bản quyền bằng sáng chế chip của Hãng ở Trung Quốc chỉ còn 65% trên giá bán tại thị trường nội địa, chứ không phải 100% như trước đây. Về sự kiện này, ông Erick Robinson, cố vấn bản quyền của Rouse, một công ty tại Lodon (Anh), nhận định: “Chính phủ Trung Quốc đã tặng tất cả các nhà sản xuất điện thoại của nước họ bị một món quà lớn. Nhờ đó, họ có thể cạnh tranh tốt hơn với Apple và Samsung”.
Tuy nhiên, sự chuyển hướng này sẽ không thể với tới các thị trường như Singapore, Mỹ hay châu Âu vì các hãng điện thoại Trung Quốc không có lợi thế cạnh tranh. Điển hình là rào cản bằng sáng chế, thứ vũ khí chiến lược mà các hãng điện thoại có tên tuổi vẫn thường xuyên sử dụng để bảo vệ các thị trường chính của mình. Huawei công bố có hơn 9.000 bằng sáng chế, nhưng con số này chẳng thấm vào đâu so với hơn 300.000 bằng sáng chế được đăng ký ở Mỹ của Samsung Electronics.
Do đó, theo IDC Việt Nam, các nước trong khu vực châu Á sẽ chịu tác động nhiều nhất khi các công ty smartphone có tên tuổi của Trung Quốc chuyển hướng sang dòng sản phẩm từ trung cấp trở lên. Theo thống kê gần đây của IDC và GfK, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển dần sang smartphone tầm trung, với mức giá từ 5 triệu đồng trở lên.
Do đó, IDC cho rằng sẽ có cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc điện thoại tầm trung trong thời gian tới, nơi tập trung của nhiều thương hiệu có tên tuổi lâu năm ở thị trường Việt Nam như Sony, HTC, LG hay ASUS.
Ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc Điều hành Mobiistar, cho rằng sự lấn lướt của dòng smartphone tầm trung từ Trung Quốc có cả lợi lẫn hại. Theo đó, khi các thương hiệu smartphone lớn của Trung Quốc tập trung vào các sản phẩm ở phân khúc trung cấp trở lên, bỏ qua phân khúc giá thấp sẽ có lợi cho Mobiistar, vốn đang chiếm ưu thế về thị phần ở phân khúc dưới 3 triệu đồng.
Nhưng về lâu dài, để bán được hàng, các công ty Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng, quảng cáo ở Việt Nam. Điều này sẽ gây khó khăn cho các thương hiệu nhỏ, ít tiền đầu tư cho các sản phẩm ở phân khúc trung cấp.
Chính vì thế, ông Kha cho biết Mobiistar cũng đang cố gắng tham gia phân khúc có giá sản phẩm từ 4 triệu đồng trở lên dù biết có nhiều khó khăn. “Chúng tôi đi từ từ, mỗi năm đưa ra 1 hoặc 2 sản phẩm giá từ 4-5 triệu đồng để phục vụ những khách hàng lâu năm”, ông Kha nói.
Không chỉ ông chủ Mobiistar lo lắng, theo giới phân tích đánh giá, các hãng điện thoại có thương hiệu khác ở Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí một số sẽ phải dừng chân trước sự tấn công ồ ạt vào phân khúc tầm trung của các hãng điện thoại từ Trung Quốc.