“Số hóa” hàng bình ổn

Theo Thế Vinh - Nguyễn Phượng/baocongthuong.com.vn

Chương trình hàng bình ổn của TP. Hồ Chí Minh hiện nay không chỉ là một kênh mua sắm tin cậy của người dân mà còn được nâng tầm trong kiểm soát chất lượng theo phương thức "số hóa" hiện đại.

Dùng mã quét truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Nguồn: Internet
Dùng mã quét truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Nguồn: Internet

Lan tỏa hiệu ứng hàng bình ổn  

Năm 2017 là năm thứ 16 ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh thực hiện Chương trình hàng bình ổn giá thị trường. Chương trình luôn được đổi mới trong cách tổ chức và trở thành "điểm sáng" về hoạt động thương mại của cả nước.

Nếu như ngày đầu thực hiện chương trình, toàn thành phố chỉ có 3 doanh nghiệp (DN) tham gia, nguồn vốn đều do ngân sách cấp, số hàng hóa tham gia chưa tới chục mặt hàng. Đến nay, số lượng DN và lượng hàng tham gia đã tăng hàng trăm lần, đặc biệt chương trình đã được xã hội hóa và tính hiệu quả ngày càng cao, thiết thực. 

Cụ thể, năm 2017- 2018, Chương trình hàng bình ổn có 88 DN tham gia 4 chương trình gồm lương thực - thực phẩm; các mặt hàng sữa; hàng phục vụ học sinh và dược phẩm. Sản lượng hàng bình ổn giá sẽ chiếm 25-40% nhu cầu thị trường, tăng bình quân 30-35% so với kết quả thực hiện năm 2016.

Theo Sở Công Thương, năm 2002, Chương trình hàng bình ổn chỉ có 242 điểm bán, đến nay đã có hơn 10.550 điểm bán, phủ kín 24 quận, huyện. Trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 dự kiến có thêm 221 điểm bán và tổ chức hơn 300 chuyến bán hàng lưu động để phục vụ người dân nghèo các huyện ngoại thành.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, các DN đăng ký cung ứng gần 18.000 tỷ đồng, riêng hàng bình ổn chiếm hơn 7.000 tỷ đồng. Các DN tham gia cam kết giữ ổn định giá trong dịp Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Một số hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Satra, Big C tham gia chương trình hàng bình ổn cam kết giảm giá từ 5- 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.

Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- cho rằng, chương trình đã hình thành mạng lưới phân phối hàng Việt theo hướng văn minh, hiện đại. Hiệu quả của chương trình đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nhiều năm qua. 

"Từ Chương trình hàng bình ổn gợi mở nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững, đồng thời góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" - ông Kiên nhìn nhận.

Nâng "chất" bằng công nghệ 4.0 

Triển khai Chương trình hàng bình ổn, hiện tại thành phố đã thực hiện được 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn 27.428 tỷ đồng gồm các dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu thị…

Chỉ riêng liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch nguồn vốn đầu tư đã đạt tới 2.500 tỷ đồng/năm. Chương trình hợp tác này đã tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ các DN phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường bán lẻ, thúc đẩy phát triển kênh phân phối hiện đại. 

Đặc biệt, Chương trình hàng bình ổn của TP. Hồ Chí Minh đang tận dụng sự phát triển của công nghiệp 4.0, theo đó, tổ chức "số hóa" từ khâu quản lý, sản xuất, truy xuất nguồn gốc cho đến kiểm soát dịch bệnh, bảo quản hàng hóa từ trang trại đến bàn ăn của người tiêu dùng.

Chẳng hạn như, chương trình truy xuất nguồn gốc trứng và thịt gia cầm để phục vụ cho Chương trình hàng bình ổn với 1.749 điểm bán từ siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, ngành Công Thương thành phố đã chuẩn bị công phu các công đoạn truy xuất nguồn gốc và triển khai từ người bán đến người tiêu dùng.

Hiện đã có 35 trang trại gà giống; 431 trang trại gà lấy thịt; 61 trang trại gà, vịt lấy trứng (sản lượng gần 80.000.000 quả/tháng); 17 cơ sở giết mổ đóng gói thịt gia cầm (sản lượng hơn 6.300.000 con gia cầm/tháng); 9 cơ sở xử lý đóng gói trứng gia cầm (sản lượng gần 75.000.000 quả/ngày) đã đăng ký tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm. Trong số đơn vị đăng ký tham gia, có 50% là DN FDI với quy mô chăn nuôi từ 10.000 - 100.000 con gia cầm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương -Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- cho hay, thịt gia cầm sẽ được truy xuất ngay từ con giống, tức trứng ấp từ đâu, nuôi tại trang trại nào, cơ sở nào giết mổ tại đâu và được thực hiện theo từng lô gia cầm nuôi tại các trang trại. Riêng người tiêu dùng chỉ cần dùng chương trình quét mã QR code bất kỳ (ứng dụng quét QR code của Zalo) để quét lên tem và biết rõ thông tin về con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, tiêm phòng, cơ sở đóng gói… Từ đó, niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm Việt ngày càng gia tăng.

Bà Phạm Thị Huân- Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - khẳng định, là đơn vị từng tham gia chương trình hàng bình ổn ngay từ đầu, sản phẩm thịt và trứng gia cầm của công ty đã được sản xuất theo quy trình sạch, quản lý bằng công nghệ hiện đại và luôn bán với giá bình ổn. Trong những ngày cao điểm Tết Mậu Tuất sắp tới, Ba Huân sẽ tham gia chương trình với 1 triệu quả trứng/ngày. 

Ông Lê Văn Dương- chủ trại gia cầm Minh Tân Phát (xã Minh Tiến, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương)- nói, trang trại hiện có 240.000 con gà đẻ trứng, đạt 220.000 trứng gà/ngày và đang cung ứng cho Công ty Vĩnh Thành Đạt để chiếu xạ, đóng gói bán ra thị trường. Trang trại thực hiện truy xuất nguồn gốc gà từ khi 1 ngày tuổi, áp dụng truy trình khép kín trong chăm sóc, kiểm soát thú y và hoàn toàn không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi.

Giám đốc kinh doanh Công ty Vĩnh Thành Đạt, ông Nguyễn Đình Thái - chia sẻ, công ty hiện có 3 trang trại gia cầm, sản lượng 350.000 quả trứng/ngày và dây chuyền xử lý trứng 35.000 quả trứng/giờ. Mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường hàng bình ổn 500.000-700.000 quả trứng gia cầm. Theo ông Thái, khi DN làm hàng bình ổn sẽ có điều kiện thuận lợi để tham gia vào mạng lưới phân phối, định hướng và kết nối các DN với nhau. 

Chương trình hàng bình ổn của TP. Hồ Chí Minh đang tận dụng sự phát triển của công nghiệp 4.0 bằng cách tổ chức "số hóa" từ khâu quản lý, sản xuất, truy xuất nguồn gốc cho đến kiểm soát dịch bệnh, bảo quản hàng hóa từ trang trại đến bàn ăn của người tiêu dùng.