Soi điểm nóng mùa đại hội ngân hàng

Theo Baodautu.vn

(Tài chính) Chưa bao giờ các cuộc họp đại hội đồng cổ đông của ngân hàng được chờ đợi nhiều như năm nay khi có nhiều điểm “nóng” sẽ được tiết lộ và trình cổ đông thông qua.

Soi điểm nóng mùa đại hội ngân hàng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Cuộc họp đại hội đồng cổ đông đang được chờ đợi nhiều nhất có lẽ là kỳ họp tại Ngân hàng TMCP  Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) khi thông tin về 6 ứng cử viên vào thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã được hé lộ. Theo đó, có 2 người đến từ Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), với tỷ lệ nắm giữ 20% cổ phần Eximbank.

Thế nhưng, theo một lãnh đạo trong ngành ngân hàng, tỷ lệ này vẫn chưa thể quyết định được vị trí ghế “nóng” trong HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ mới. Lý do là, 6 người ứng cử thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ này đều có tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ trên 10%.

Vì thế, trên thị trường xuất hiện thông tin, các nhóm cổ đông lớn đang ra sức “gom” cổ phiếu Eximbank để giành nghế “nóng” Chủ tịch HĐQT. Thậm chí, theo một nguồn tin đáng tin cậy, những người đang “gom” cổ phiếu Eximbank sẽ tự chi trả cổ tức 2014 cho các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu của nhà băng này. Đổi lại, các nhóm lợi ích chỉ cần được ủy quyền trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông vào ngày 22/4 tới của Eximbank.

Dường như câu hỏi về thương vụ sáp nhập Nam A Bank - Eximbank dần được lộ diện khi 2 thành viên trong các ứng cử thành viên HĐQT kỳ này của Eximbank đến từ Nam A Bank. Thế nhưng, ai sẽ nắm quyền chi phối cao nhất và ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT sẽ thuộc về ai vẫn là câu hỏi khiến nhiều người trông chờ cuộc họi đại hội đồng cổ đông ngân hàng này diễn ra.

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) sẽ được tiến hành vào sát ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (ngày 24/4), với kỳ vọng pha loãng thông tin và tránh gây sự chú ý của nhiều người. Thế nhưng, đây cũng được xem là kỳ đại hội đồng cổ đông “nóng” của DongA Bank, bởi các cổ đông cũng đang sốt ruột muốn biết cuối cùng ngân hàng này sẽ về với nhà băng nào.

Đến thời điểm này, dù chưa công bố báo cáo tài chính năm 2014, nhưng tính đến quý III/2014, DongA Bank mới hoàn thành chưa tới 50% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cho cả năm (500 tỷ đồng). Nguyên nhân là nợ xấu của DongA Bank tăng trên ngưỡng an toàn 3%, thậm chí có thời điểm giữa năm 2014 lên đến 6 - 7%.

Trong bối cảnh đó, DongA Bank buộc phải đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để làm “sạch” bản cân đối kế toán tạm thời. Song điều này đòi hỏi Ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro ở mức cao. Trên thị trường đang xuất hiện thông tin DongA Bank sẽ về chung nhà với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).

Người đứng đầu DongA Bank, TS. Cao Sỹ Kiêm cho hay, đến thời điểm này, Ngân hàng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể và mọi việc phải chờ đến kỳ đại hội đồng cổ đông tới. Tuy nhiên, trên thị trường xuất hiện thông tin, người nắm quyền chi phối tại DongA Bank lại đến từ cổ đông “nặng” ký của ABBank, nên khả năng ghế “nóng” DongA Bank cũng sẽ được thay đổi trong kỳ đại hội này.

Với thương vụ Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sáp nhập với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tại cuộc họp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho biết, các vị trí chủ chốt của MHB sẽ được giữ nguyên khi sáp nhập vào BIDV. Nhưng điều đó có xảy ra hay không thì phải chờ cuộc họp đại hội đồng cổ đông kỳ này của MHB cũng như phía BIDV.

Ngoài Eximbank - Nam A Bank, DongA Bank - ABBank…, thị trường dần vén màn M&A ở một số ngân hàng khác như SaigonBank về với Vietcombank, MHB về với BIDV, PGBank về với Vietinbank hay GPBank, OceanBank khả năng phải đối mặt với việc bán 0 đồng cho Ngân hàng Nhà nước nếu không khắc phục được hậu quả.

Không chỉ nóng về M&A, trong mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay, vấn đề nợ xấu tăng, “ăn” mòn lợi nhuận, nhà băng nói “không” với cổ tức cũng được xem là các điểm nóng ở nhiều ngân hàng. TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, có thể trong kỳ đại hội lần này một số nhà băng vẫn “hô” cổ tức cao, nhưng không dễ thực hiện.