“Sóng” tỷ giá có thể tái diễn
(Tài chính) Tỷ giá những ngày gần đây ổn định trở lại sau động thái trấn an của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, “sóng” tỷ giá có thể tái diễn trong những tháng cuối năm.
Tỷ giá tăng do tin đồn
Những ngày đầu tháng 10, tỷ giá giữa VND và USD tăng so với các tháng trước. Tỷ giá niêm yết của các NHTM tăng từ mức 21.195/21.245 VND/USD cuối tháng 9 lên mức 21.270/320 VND/USD trong ngày 3/10. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng từ 21.220 VND/USD trong ngày 30/9 lên mức cao nhất 21.300 VND/USD trong ngày 3/10.
Trước hiện tượng tỷ giá tăng đột ngột nêu trên, các chuyên gia kinh tế và thành viên trong thị trường cho rằng, nguyên nhân là do có tin đồn NHNN chuẩn bị điều chỉnh tỷ giá, một số đối tượng có thể nhân cơ hội này tranh thủ đầu cơ, làm giá.
Ngày 6/10/2014, NHNN khẳng định, sẽ không điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, mà giữ ổn định như hiện tại và trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra. Theo đó, NHNN sẽ điều tiết vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá, ổn định các mức lãi suất điều hành.
Ngay sau động thái trấn an của NHNN, ngày 7/10, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm nhanh từ mức 21.300 VND/USD xuống quanh mức 21.270/275 VND/USD, các giao dịch diễn ra bình thường, thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp tiếp tục được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Đến cuối tuần qua (17/10), Vietcombank, VietinBank, Techcombank niêm yết tỷ giá USD/VND mua vào ổn định trong khoảng 21.190 - 21.220 đồng/USD và bán ra trong khoảng 21.270 - 21.280 đồng/USD, không đổi so với ngày trước đó (16/10).
Tại BIDV và Eximbank, giao dịch USD/VND mua vào là 21.215 - 21.195 đồng/USD, bán ra là 21.265 đồng/USD, giảm 5 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với ngày trước đó. Tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của VND với USD được NHNN công bố là 1 USD = 21.246 đồng.
Có thể có “sóng” cuối năm
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, tỷ giá tăng nhanh trong những ngày đầu tháng 10 chủ yếu do yếu tố tâm lý, chứ không bắt nguồn từ cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường, nhưng có thể có “sóng” tỷ giá từ nay đến cuối năm.
“Lực cầu USD trong 3 tháng tới sẽ tăng cao do nhu cầu nhập khẩu và trả nợ nước ngoài luôn tăng mạnh vào dịp này. Đặc biệt, giới đầu cơ đang án binh bất động, chờ một vài thông tin bất lợi để tiếp tục tạo sóng”, TS. Hiếu nói.
Một chuyên gia kinh tế phân tích, tỷ lệ lạm phát trong năm 2014 được dự báo thấp (Ngân hàng Thế giới dự báo ở mức 4,5%), tiếp tục được kiểm soát tốt là yếu tố tích cực, nhưng niềm tin vào VND không chỉ dựa vào tỷ lệ mất giá, mà còn đi cùng với sức mạnh của nền kinh tế. Ví dụ, ở Mỹ, tỷ lệ lạm phát khoảng 2%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống xấp xỉ 6% và nền kinh tế khởi sắc nên tỷ lệ lạm phát mới có ý nghĩa.
“Tỷ lệ lạm phát thấp như ở Việt Nam là dấu hiệu của một nền kinh tế trì trệ, chứ không phải là sự ổn định toàn diện, nên một bộ phận người dân không thực sự tin tưởng vào sức mạnh của VND. Vì thế, họ quan tâm đến vàng, USD…, những loại tài sản có tính thanh khoản và giá trị cao hơn tiền đồng”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế 9 tháng và tháng 9/2014 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS), tổng cầu có sự cải thiện, nhưng vẫn chưa đủ lực để tạo sức bật cho nền kinh tế. UBGS tính toán, trong tháng 9/2014, lạm phát cơ bản là 3,12%, thấp hơn mức lạm phát tổng thể là 4,62% và thấp hơn lạm phát cơ bản của cùng kỳ năm ngoái là 4,43%. Tiêu dùng tư nhân mặc dù có sự cải thiện, nhưng còn thấp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ năm 2013, nhưng thấp hơn nhiều so với mức trên 10% của các năm 2010 - 2011.
Vẫn theo báo cáo của UBGS, tốc độ tăng trưởng khối lượng vận chuyển hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2014 tăng so với cùng kỳ năm 2013 (từ 2,7% lên 5,3%), song chỉ bằng 1/4 so với các năm 2011 và 2012. Đầu tư toàn xã hội (so với GDP) trong 6 tháng đầu năm 2014 cao hơn kế hoạch cả năm 2014 (30,2% so với 29,4%), nhưng đầu tư tư nhân chỉ ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP của cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2014, có 48.330 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 13,8%.
“Mức độ phục hồi kinh tế còn thấp so với mục tiêu cũng như tiềm năng của nền kinh tế và DN còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là tiêu dùng tư nhân cải thiện chậm và đầu tư tư nhân ở mức thấp”, một lãnh đạo UBGS nói.
Ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB nhận định: “Sẽ có những sóng nhỏ trên thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm, vì thị trường này gắn chặt với cung cầu nguồn vốn VND và các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng, VND sẽ tăng nhẹ, có nghĩa là tỷ giá giảm, có thể giảm về mức giá NHNN mua là 21.200 đồng/USD”.