Startup tại Nhật Bản: Nội khó khăn xuất, ngoại trầy trật nhập

Theo Bích Trâm/doanhnhansaigon.vn

Bức tranh startup tại Nhật Bản trước nay vốn khá ảm đạm so với Thung lũng Silicon và Trung Quốc, nhưng giờ đây dường như mọi thứ đang thay đổi.

Bức tranh startup tại Nhật Bản trước nay vốn khá ảm đạm. Nguồn: internet
Bức tranh startup tại Nhật Bản trước nay vốn khá ảm đạm. Nguồn: internet

Những người đang làm việc ổn định tại Nhật hiện nay bắt đầu nhìn nhận việc bắt đầu công việc ở một công ty khác như một loại “kế hoạch B”, theo James Riney – người đứng đầu 500 Startups Japan – công ty quản lý tổng tài sản gần 50 triệu USD.

Tìm kiếm người tài trong kinh doanh tại đất nước Nhật Bản từng là một việc rất khó khăn, vì người lao động Nhật vốn có tâm lý không thích mạo hiểm. Hầu hết đều muốn làm việc ổn định cho một công ty/tổ chức hoặc doanh nghiệp khu vực nhà nước.

“Nhưng hiện tại, quan niệm này đang dần thay đổi. Với người Nhật hiện đại, nếu họ không gia nhập vào các công ty lớn thì việc trở thành doanh nhân có thể là một lựa chọn thứ hai để xem xét”, Riney nói với CNBC.

Sôi động thế giới startup

Các nhà đầu tư cho biết, nhiều người trẻ đang tham gia vào các công ty startup, thậm chí trong bối cảnh các doanh nghiệp Nhật đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động. Lý do của sự chuyển đổi này được cho là:

Đầu tiên, sự thành công của thương mại điện tử và những “tay chơi” trong lĩnh vực internet như Mercari, Rakuten, DeNA, GREE và Mixi đã tạo ra những mô hình kinh doanh triển vọng và cho thấy sự hiện diện của những mentor (nhà tư vấn) sẵn sàng hướng dẫn những doanh nhân mới. Đồng thời, những nhà sáng lập startup thành công cũng quay lại đầu tư vào các công ty còn non trẻ.

Những câu chuyện khởi nghiệp thành công này ngày càng được nhiều kênh truyền thông quảng bá hơn, vì thế, những người trẻ ở Nhật bị thu hút vào thế giới startup ngày một nhiều, Tetsu Nakajima – Giám đốc đầu tư Quỹ đầu tư mạo hiểm Mistletoe cho biết. Ông nói rằng nỗi sợ thất bại cũng đang giảm xuống và nhiều sinh viên ngành khoa học, kỹ thuật ở các trường đại học hàng đầu cũng đang tham gia thực tập tại các startup.

Bên cạnh đó, theo Riney, nhân viên trẻ người Nhật hiện nay cũng đang sống trong một thế giới với sự trỗi dậy mạnh mẽ của những công ty đột phá sáng tạo như Airbnb, Uber và Facebook.

“Chất lượng” của các doanh nhân cũng ngày một tăng lên khi nhiều người chấp nhận từ bỏ công việc tại các công ty tư vấn hoặc khu vực ngân hàng để mở công ty riêng hoặc tham gia vào đội ngũ quản lý của những startup đang hoạt động, một nhà đầu tư khác cho biết.

“Trước kia, tôi gần như không thể tìm thấy các nhà sáng lập startup sở hữu nền tảng kinh nghiệm, kiến thức dày dạn, nhưng hiện tại, hầu như 80% họ có kinh nghiệm làm việc cho McKinsey hoặc Boston Consulting Group hoặc Goldman Sachs”, Hogil Doh – nhà quản lý đầu tư tại Ratuken Ventures nói.

Thị trường vốn: linh hoạt nhưng hạn chế quy mô

Một báo cáo của Financial Times, trích dẫn dữ liệu từ Japan Venture Research cho biết, những startup thuộc sở hữu tư nhân đã huy động được gần 272 tỷ yen (khoảng 2,5 tỷ USD) trong năm 2017, tăng từ khoảng 64 tỷ yen (604 triệu USD) hồi năm 2012. Financial Times báo cáo rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm đã chi mức tiền kỷ lục là 70,9 tỷ yen vào năm ngoái, so với chỉ 1,2 tỷ yen hồi 2011.

Hogil Doh giải thích rằng trước đây, các startup thường chỉ tập trung vào thương mại điện tử và truyền thông kỹ thuật số - những mảng không đòi hỏi phải có lượng vốn lớn để nghiên cứu và phát triển từ ban đầu. “Hiện nay, họ đang bắt đầu tham gia vào các lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn để nghiên cứu và phát triển từ ban đầu, như chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, IoT (internet vạn vật), trí tuệ nhân tạo, phần mềm doanh nghiệp…”, ông chia sẻ.

Theo các nhà đầu tư, khoảng 80% vốn mà các startup Nhật gọi được đến từ họ, và khoảng 20% đến từ các công ty đầu tư mạo hiểm. Các công ty/tổ chức khác cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư vào các startup này, James Riney nói.

“Trên thực tế, quy mô của vòng gọi vốn giai đoạn tăng trưởng cũng tăng lên”, Riney nhận định. Theo đó, trong quá khứ, các startup Nhật đôi khi phải thực hiện bước phát hành cổ phiếu ra công chúng để gọi vốn. Và vì thế, họ phải tập trung phát triển sao cho nhanh có lợi nhuận để làm hài lòng các cổ đông.

Còn hiện tại, các startup có thêm nhiều vòng gọi vốn với quy mô lớn hơn, từ 10 – 70 triệu USD, thậm chí 100 triệu USD mà không cần phải chuyển thành công ty đại chúng. Cách làm này được xem là chưa từng có tiền lệ tại Nhật Bản. Kết quả là, những công ty startup gọi được vốn bằng cách này sẽ kéo dài hơn khoảng thời gian sở hữu tư nhân và có thể tập trung vào việc tăng trưởng, phát triển công ty thay vì vào tìm kiếm lợi nhuận.

Tetsu Nakajima nói rằng thách thức tiếp theo cho startup Nhật là thu hút đầu tư từ nước ngoài. Hiện tại, hầu hết startup thoát khỏi giai đoạn phát triển ban đầu bằng cách ra đại chúng, nhưng quy mô của những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu thường nhỏ hơn so với các nước khác. Nhìn chung, lượng vốn startup Nhật đang huy động cũng nhỏ hơn so với lượng vốn mà các công ty có thể huy động được tại Thung lũng Silicon, Trung Quốc hoặc thậm chí ở Đông Nam Á.

Sân nhà: lợi thế hay bất lợi?

Do rào cản ngôn ngữ, startup Nhật Bản thường có xu hướng tập trung vào thị trường nội địa nhiều hơn là "ra biển", nhất là từ khi đất nước mặt trời mọc trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Còn những đối thủ nước ngoài từ Mỹ hoặc từ quốc gia khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn bước chân vào thị trường Nhật Bản, James Riney nhận định.

Hogil Doh nêu ví dụ trường hợp của startup được ông đầu tư là From Scratch – một nền tảng marketing kỹ thuật số mà ông ví von là “Salesforce phiên bản Nhật”. Theo đó, nếu From Scratch cũng làm đúng những thứ mà Salesforce làm, phiên bản Nhật Bản này sẽ không thể “cạnh tranh tay đôi” với Salesforce. Thay vào đó, họ tùy chỉnh lại sản phẩm của mình và tập trung nỗ lực để hỗ trợ khách hàng nội địa ở Nhật Bản. Cách làm này đã giúp From Scratch trở nên khác biệt hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, Jams Riney cho rằng, chính lợi thế này cũng tạo ra thách thức cho các startup Nhật Bản trong việc mở rộng quy mô ra ngoài biên giới nước Nhật, do rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa.