Sư đoàn 2 trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào (Kỳ I)

Theo Quân đội Nhân dân

Sư đoàn 2 là đơn vị chủ lực của Quân khu 5, thường xuyên chiến đấu trên chiến trường Khu 5. Tháng 6/1970, sư đoàn được cấp trên giao nhiệm vụ củng cố lực lượng, xây dựng đơn vị, phối hợp với các đơn vị tham gia chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào. Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đường 9-Nam Lào, viết lại hoạt động của Sư đoàn 2 trong thời kỳ này để chúng ta thấy được tầm nhìn xa của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh cũng như tinh thần, lòng dũng cảm, sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn.

Sư đoàn 2 trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào (Kỳ I)
Hội nghị bàn và quyết định phương án tác chiến trong Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào

Ngay từ giữa năm 1970, phán đoán địch sẽ mở các cuộc hành quân lớn ra vùng Trung Lào, Hạ Lào, Ngã ba biên giới và Đông Bắc Cam-pu-chia, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các chiến trường điều chỉnh lực lượng, xây dựng kế hoạch tác chiến, chuẩn bị vật chất, thiết bị chiến trường, phối hợp với bạn Lào sẵn sàng đánh địch.

Đang chiến đấu trên chiến trường Khu 5, ngày 10/6/1970, Sư đoàn 2 nhận lệnh hành quân ra bắc Đường 9 nhận nhiệm vụ mới. Một nhiệm vụ thật đột ngột khó tin. Sư đoàn 2 là đơn vị chủ lực của Quân khu 5, sao lại hành quân ra tận bắc Đường 9. Bộ Tư lệnh Sư đoàn cho rằng: Cơ yếu dịch điện nhầm nên điện hỏi lại Quân khu. Từ đầu dây bên kia, Tư lệnh Quân khu trả lời dứt khoát: “Đó là mệnh lệnh, hãy nghiêm chỉnh chấp hành. Không hỏi lại!”.

Cuối tháng 6/1970, sư đoàn bắt đầu hành quân. Trung đoàn 141 được điều về đội hình của sư đoàn, thay cho Trung đoàn 21 tiếp tục đứng chân chiến đấu ở Quảng Ngãi. Đến Binh trạm 61, sư đoàn được lệnh bàn giao lại toàn bộ vũ khí nặng và đạn dược, sau đó theo Đường 559 Tây Trường Sơn hành quân ra phía Bắc. Sau hơn một tháng hành quân, đến giữa tháng 8, toàn bộ sư đoàn đã tập kết ở vùng rừng núi bắc Đường 9, thuộc huyện Mường Phìn, tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Tháng 9, sư đoàn được bổ sung quân số. Lớp chiến sĩ mới đợt này có trình độ văn hóa cao, phần lớn tốt nghiệp phổ thông cấp 3, có nhiều đồng chí là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Các tiểu đoàn đã đủ quân (hơn 500 quân), trung đoàn có hơn 2000 quân. Vũ khí, trang bị được trang bị mới, đầy đủ và khá hiện đại.

Thời gian này trên cương vị sư đoàn phó, tôi cùng một số cán bộ sư đoàn ra Bắc dự lớp tập huấn cán bộ quân khu, binh chủng, sư đoàn trong toàn quân do Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tổ chức. Ngày 24/8/1970, lớp tập huấn khai mạc. Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đến phát biểu chỉ đạo lớp tập huấn, xác định: Đợt tập huấn này phải xác định tư tưởng đánh tập trung, hợp đồng binh chủng; phải đánh lớn, thắng to, đánh tiêu diệt trung đoàn, chiến đoàn, sư đoàn địch…

Trong những ngày tôi đi tập huấn ở miền Bắc, Sư đoàn trưởng Hoàng Anh Tuấn cùng một số cán bộ từ đại đội trưởng trở lên đi trinh sát thực địa dọc tuyến Đường 9, từ Bản Đông đến Sê Pôn, Tha Mê… để nghiên cứu địa hình trên thực địa và lập phương án đánh địch theo kế hoạch của cấp trên. Đoàn cán bộ đối chiếu với bản đồ hầu hết các điểm cao, đồi trọc, khe suối trong khu vực; chọn khu vực đặt trận địa hỏa lực và đo đạc phần tử xạ kích cho các trận địa.

Cũng thời gian này, sư đoàn sôi nổi bước vào đợt huấn luyện quân sự, chính trị tương đối chính quy. Bộ Tổng tham mưu trực tiếp vạch kế hoạch và chỉ đạo. Trường Sĩ quan Lục quân cử một đoàn cán bộ giúp sư đoàn tổ chức và thực hành huấn luyện. Một số đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng cũng được lệnh của Bộ đến phối hợp tập luyện với sư đoàn. Đây là lần đầu tiên sư đoàn được huấn luyện chiến thuật, chiến dịch có hiệp đồng binh chủng, với vũ khí trang bị hiện đại. Một số cán bộ tiểu đoàn có tư tưởng cho rằng, ra Bắc là để nghỉ ngơi nên tổ chức huấn luyện còn đơn giản. Song cán bộ sư đoàn đã sớm kiểm tra, phát hiện và kiên quyết yêu cầu các đơn vị phải xây dựng bãi tập đúng yêu cầu, bảo đảm huấn luyện có chất lượng.

Trinh sát nghiên cứu địa hình và huấn luyện đơn vị là việc làm thường xuyên của bất kỳ người chỉ huy nào trong chiến trận, song đối với Sư đoàn 2 đợt này thực sự là đợt có ý nghĩa trước khi bước vào trận đánh lớn hiệp đồng binh chủng trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào.

Tháng 12/1970, đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Sư đoàn trưởng được điều động về làm Tham mưu trưởng Quân khu 5, tôi được trên đề bạt làm Sư đoàn trưởng. Trung đoàn 31 hành quân trở lại chiến trường Tây Nguyên. Ngày 21/1/1971, khi mà địch chưa mở cuộc hành quân thì Sư đoàn 2 nhận được lệnh của Bộ: “Triển khai đội hình chiến đấu, sẵn sàng đánh địch đổ bộ trong khu vực từ Bản Đông đến Sê Pôn. Nhiệm vụ của sư đoàn là diệt nhiều sinh lực địch, bắn rơi nhiều máy bay, bảo vệ vững chắc đường vận chuyển chiến lược…”.

Như vậy, trước khi tham gia trận đánh lớn, Sư đoàn 2 đã có sự chuẩn bị rất chu đáo về mọi mặt như: Được bổ sung quân số, trang bị; được huấn luyện về tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng; được nghiên cứu địa hình từ trước khi địch đến và hoàn toàn chủ động đón đánh cuộc tiến công của địch ở địa hình có lợi.

Qua việc Bộ chuẩn bị cho Sư đoàn 2 và sau này nghiên cứu, tôi càng thấy sự chủ động, tầm nhìn xa của Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh trong việc chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9- Nam Lào cũng như cho việc tác chiến tập trung, hiệp đồng binh chủng lớn của quân đội ta.

Đầu năm 1970, Bộ tổng Tham mưu dự kiến địch sẽ tiến công chia cắt chiến lược trên 3 hướng: Một là Đường 9-Nam Lào, cắt đoạn Bản Đông-Sê Pôn; hai là, phản công ra vùng Ngã ba biên giới và Hạ Lào; ba là, phản công sang Cam-pu-chia. Trong đó, Đường 9-Bản Đông-Sê Pôn là hướng chủ yếu, địch hy vọng cắt ta từ “cuống họng”, chặn nguồn chi viện tiếp tế từ “đầu nguồn”. Từ nhận định trên, trên hướng Đường 9-Nam Lào, Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương xác định: Đây là địa bàn gần miền Bắc, có nhiều kho dự trữ chiến lược, ta có điều kiện phát huy sức mạnh của các đơn vị chủ lực, tập dượt chiến đấu hiệp đồng binh chủng và giao cho Bộ tổng Tham mưu trực tiếp chỉ huy, điều hành chiến dịch phản công với lực lượng binh chủng hợp thành nhằm giành thắng lợi lớn, đánh bại bước đầu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Do vậy, từ tháng 3/1970, Cục Tác chiến đã bắt tay vào chuẩn bị kế hoạch chiến dịch, chủ yếu là nhận định tình hình, dự kiến sử dụng lực lượng trên các hướng, chuẩn bị hậu cần-kỹ thuật. Tháng 10, hoàn thành tổ chức binh đoàn chiến dịch B70, gồm các sư đoàn: 308, 304, 320 và một số đơn vị binh chủng (đây là lần đầu tiên ta hình thành tổ chức binh đoàn chiến dịch, tương đương quân đoàn). Tiếp đó, Bộ đã cử đoàn cán bộ có các đồng chí: Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh, Cục phó Cục Tác chiến vào Bộ Tư lệnh 559 và một số đơn vị phía Nam để phổ biến ý định của Quân ủy Trung ương và công việc chuẩn bị chiến trường trên Đường 559, đồng thời trực tiếp thu thập các ý kiến từ chiến trường.

Tháng 11/1970, kế hoạch chiến dịch được Quân ủy Trung ương thông qua lần đầu, sau đó bổ sung và thông qua chính thức vào tháng 12/1970. Tiếp đó, Quân ủy quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch do đồng chí Tổng Tham mưu phó Lê Trọng Tấn làm tư lệnh, đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo làm Chính ủy, đồng chí Cao Văn Khánh làm Phó tư lệnh chiến dịch, chỉ huy Binh đoàn 70.

Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: Đây là chiến dịch có ý nghĩa quyết định về chiến lược và do Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp tổ chức và chỉ huy đầu tiên ở phía Nam nên nhất định phải đánh thắng; phải nhân cơ hội này mà rèn luyện bộ đội chủ lực trưởng thành lên một bước mới trong tác chiến tập trung đánh lớn, hiệp đồng binh chủng.

Về tổ chức lực lượng, Bộ Tổng Tham mưu xác định: Lực lượng ngăn chặn, tạo thế gồm Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 và các đơn vị tại chỗ của Đoàn 559; Cụm lực lượng trên hướng chủ yếu phía bắc gồm Binh đoàn 70 (thiếu) và phần lớn xe tăng, pháo binh chiến dịch; Cụm lực lượng trên hướng thứ yếu phía nam gồm: Sư đoàn 324 (thiếu), Sư đoàn 2 và một bộ phận pháo binh, xe tăng, phòng không chiến dịch; Lực lượng đánh địch ở phía sau gồm lực lượng tại chỗ của B5, một số tiểu đoàn đặc công Bộ, Trung đoàn pháo binh 84 và Trung đoàn 2 Sư đoàn 324; Lực lượng đánh địch trên hướng phối hợp ở phía tây có Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 và lực lượng tại chỗ. Cho đến trước ngày địch mở cuộc hành quân lớn, mọi công tác chuẩn bị của ta từ cấp chiến lược đến các đơn vị đã cơ bản hoàn thành.

Trước giờ nổ súng chiến dịch, tôi nhận được điện trực tiếp của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh bộ đội Trường Sơn hỏi về tình hình đạn dược, lương thực, thông tin đã bảo đảm chưa? Tôi vui mừng báo cáo: Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm cho sư đoàn đầy đủ. Nhất định chúng tôi sẽ đánh thắng! Bên kia đầu dây, giọng đồng chí Tư lệnh trầm ấm động viên: Phải kiên quyết chặn đứng, bao vây, tiêu diệt không cho địch có đường về! Chúc Sư đoàn 2 giành thắng lợi.

Ngày 31/1/1971, Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn bắt đầu cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh ra Đường 9-Nam Lào. Chúng đã huy động một lực lượng khổng lồ gồm hơn 40.000 quân nguỵ Sài Gòn, hơn 6000 quân Mỹ, với một lực lượng không quân, xe tăng, thiết giáp, pháo binh yểm trợ, hùng hổ đổ quân đánh chiếm các điểm cao dọc theo Đường 9, hy vọng nhanh chóng đánh chiếm Sê Pôn, chiếm giữ Đư­ờng số 9 đoạn Bản Đông-Sê Pôn lập thành tuyến ngăn chặn cắt đôi Đông Dương, đe dọa miền Bắc Việt Nam, uy hiếp cách mạng Lào và bịt được ”con đường sống” của ta vào chiến trường miền Nam. Lực l­ượng địch trên địa bàn chiến dịch lúc cao nhất lên đến 55.000 quân, gồm 15 trung đoàn bộ binh, 3 thiết đoàn thiết giáp, 578 xe tăng, xe bọc thép, 318 pháo, 700 máy bay các loại. Ngoài ra còn có hai binh đoàn quân nguỵ Lào.

Tuy nhiên, địch không ngờ rằng chúng đang lọt vào thế trận đã giăng sẵn của ta. Các lực lượng tham gia chiến dịch được chuẩn bị kỹ càng đang chủ động chờ chúng “chui đầu vào rọ” để tổ chức những trận đánh lớn, mang tính quyết định.